Sửng sốt chú cáo tự đi hơn 4000km xuyên Bắc Cực với tốc độ nhanh chưa từng thấy
Một chú cáo Bắc Cực đã khiến giới khoa học sửng sốt khi tự mình đi một mạch từ Na Uy đến Canada, trên một quãng đường kỷ lục lên tới 2700 dặm (tương đương hơn 4300km) trong vỏn vẹn gần 4 tháng.
Một chú cáo Bắc Cực đã khiến giới khoa học sửng sốt khi đã tự đi được quãng đường lên tới hơn 4300km
(Ảnh minh họa)
Chỉ 21 ngày sau khi rời hòn đảo Spitsbergen thuộc lãnh thổ Na Uy, chú cáo này đã tới Greenland, và chỉ chưa đầy 3 tháng sau, nó đã tới Canada. Trung bình mỗi ngày chú cáo này di chuyển tới 30 dặm (tương đương khoảng 48km), dù vậy cũng có những ngày nó có thể đi tới 100 dặm (tương đương khoảng 160km).
“Khi điều này xảy ra, chúng tôi đã tự hỏi “liệu nó có thật hay không?” Có sai sót gì trong dữ liệu hay không?” Ông Arnaud Tarroux, một trong số các nhà nghiên cứu đảm nhiệm việc gắn thiết bị dò đường cho chú cáo trên, cho biết.
Thực tế, nhóm nghiên cứu đã xác định các dữ liệu được đưa ra trong quãng đường di chuyển của nó là hoàn toàn chân thực. Dẫu biết loài cáo Bắc Cực vốn nổi tiếng với sự bền bỉ và khả năng sinh tồn của chúng dưới những điều kiện khắc nghiệt của vùng cực, nhưng quãng đường di chuyển của chú cáo này vào năm ngoái, được ghi nhận trong một báo cáo gần đây, đã khiến ông Tarroux và cộng sự của mình vô cùng sửng sốt.
Chú cáo đã di chuyển hết quãng đường kỷ lục của mình chỉ trong vòng chưa đến 4 tháng
(Ảnh: Elise Stromseng/Viện nghiên cứu Vùng cực Na Uy)
Giới khoa học vốn đã biết một số loài cáo, vốn có nguồn gốc từ các vùng tại Bắc Cực và xung quanh Bắc Bán Cầu, cũng thường có những chuyến đi dài như vậy, thông qua việc trao đổi DNA với những quần thể cáo thuộc họ hàng xa ở những vùng chỉ có thể được kết nối với nhau khi biển đã đóng băng. Tuy nhiên, chú cáo mà các nhà nghiên cứu đã theo dõi là một ngoại lệ, vì tốc độ di chuyển của nó trên một quãng đường hơn 4000km lại nhanh hơn bất kỳ một trường họp nào khác. Hơn nữa, nó đã phần nào làm sáng tỏ những băn khoăn của giới nghiên cứu về các loài cáo tại vùng cực bắc từ cách đây gần 2 thế kỷ.
“Chúng tôi từng chưa thật sự biết được chúng có thể làm điều này như thế nào, và mất bao lâu để một cá thể cáo Bắc Cực có thể hoàn thành một chuyến hành trình như vậy,” ông Tarroux cho biết.
Biểu đồ vệ tinh quãng đường di chuyển của chú cáo từ Na Uy đến Canada
(Ảnh: Viện nghiên cứu Vùng cực Na Uy)
Chú cáo mà các nhà khoa học theo dõi đã đặt chân lên đảo Ellesmere tại Canada vào ngày 7 tháng 1 năm 2018. Trong khoảng từ 50 đến 60 con vật mà các nhà nghiên cứu đã gắn thiết bị theo dõi, nó là con vật duy nhất có thể đi ra ngoài lãnh thổ Na Uy.
Do thiết bị dò đường đã dừng hoạt động vào tháng 2 năm nay, nên các nhà nghiên cứu không còn biết được chính xác vị trí hiện tại của chú cáo này ở đâu. Nhiều người cho rằng chú cáo có thể đã qua đời do khan hiếm thức ăn, nhưng họ không chắc chắn về nhận định này. Lần cuối cùng nó được phát hiện là tại vùng Nanavut thuộc lãnh thổ Canada.
Khi theo dõi dữ liệu được gửi về từ thiết bị dò đường vào mỗi ngày, các nhà nghiên cứu Na Uy cũng đồng thời cân nhắc tới một số khả năng như liệu có ai đó đã nhặt được thiết bị dò đường hay không, hay chú cáo có thể lên một chiếc thuyền nào đó hay không...Nhưng khi so sánh các hướng di chuyển của chú cáo với dữ liệu trên biển băng, họ đã kết luận dữ liệu trên hoàn toàn đến từ quãng đường đi bộ.
Sau 168 năm mất tích, con tàu “ăn thịt người“ được phát hiện.