Rùng mình cây cầu thép không lan can, chỉ có…1 làn xe
Ngay cả các tài xế có kinh nghiệm nhất cũng phải “run tay” khi vượt qua cây cầu này.
Cây cầu Kuandinsky ở khu vực Trans-Baikal (Nga) được xem là một trong những cây cầu nguy hiểm nhất thế giới.
Với nhiệm vụ nối liền hai bờ của con sông Vitim, cầu Kuandisky dài 570m, bề rộng khoảng hơn 2m. Cầu có cấu trúc làm từ thép đã bị hoen rỉ và được phủ gỗ lên mặt đường đi. Trên cầu không có lan can bảo vệ.
Do khí hậu lạnh của vùng Trans-Baikal nên cây cầu thường xuyên bị tuyết và băng bao phủ, gây nên tình trạng trơn trượt, thử thách bất cứ lái xe nào đi qua đây.
Cầu Kuandinsky cấu tạo từ thép, chỉ có 1 làn đường rộng 2m, không có lan can bảo vệ.
Cầu thường xuyên bị băng tuyết bao phủ.
Theo thiết kế ban đầu, Kuandinsky thực chất là cầu đường sắt và là một phần của tuyến đường sắt Baikal-Amur dài 4.324 km, nối vùng Đông Siberia với vùng viễn đông Nga. Do cây cầu chưa bao giờ được khánh thành nên người dân của Kuanda, một ngôi làng có 1500 dân cư, đã tận dụng nó để đi qua sông Vitim.
Tính tới nay, cây cầu đã tồn tại hơn 30 năm mà chưa có một lần được sửa chữa, nâng cấp. Thời gian, điều kiện khắc nhiệt cùng sức nặng của xe cộ đi qua đã khiến những thanh gỗ bị hỏng, để lại những cái hố mà những lái xe phải tự đặt tấm ván để đi qua.
Lái xe phải tự đặt tấm ván để lấp các hố trên cầu thì mới có thể đi qua.
Vượt qua cầu Kuandinsky vào cuối mùa xuân và mùa hè đã là một thách thức lớn, nhất là đối với xe tải trọng lớn, tuy nhiên vào mùa đông thì điều này còn đáng sợ hơn nhiều.
Ngay cả các tài xế có kinh nghiệm nhất cũng phải “run tay” khi vượt qua cây cầu. Họ thường phải kéo hết của kính xuống để làm giảm lực tác động của những cơn gió, nếu không muốn chiếc xe rơi xuống sông và biến thành “quan tài di động”.
Các tài xế có kinh nghiệm nhất cũng phải “run tay” khi đi qua cầu, phải có người đi trước chỉ dẫn.
Bất chấp những nguy hiểm, cây cầu Kuandinsky vẫn đón khá nhiều người ưa mạo hiểm tìm tới và thử sức. Vượt qua được cây cầu được xem như là một thành tích để họ khoe với bạn bè. Và dù dân làng Kuanda đã bắt đầu chuyển đi nơi khác để tìm kiếm tương lai tốt hơn, cây cầu vẫn sẽ còn tồn tại như một điểm du lịch hấp dẫn.
Dù nguy hiểm nhưng cây cầu vẫn thu hút khá nhiều lái xe đi qua để thử thách bản thân.