Phát hiện ốc đảo hơn 3,5 tỷ năm trên sao Hỏa từng có sự sống?
Bề mặt sao Hỏa là một sa mạc khổng lồ nhưng hàng tỷ năm trước, một ốc đảo đã tồn tại ở đây, theo một nghiên cứu mới.
RT hôm 8/10 đưa tin, các nhà khoa học đã xác định một miệng núi lửa rộng 160 km (được đặt tên là Gale) tồn tại trên bề mặt sao Hỏa cách đây hơn 3,5 tỷ năm nhờ phân tích dữ liệu do robot thám hiểm Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập.
Phát hiện này cung cấp cái nhìn sâu hơn về lịch sử của "hành tinh Đỏ" ở một thời điểm rất có thể có sự sống tồn tại.
"Hiểu được thời điểm và cách thức khí hậu sao Hỏa biến đổi ra sao là một phần của câu đố: Khi nào và bằng cách nào hành tinh Đỏ có thể hỗ trợ sự sống của vi khuẩn trên bề mặt?
Miệng núi lửa Gale có thể là những gì còn lại sau khi thiên thạch rơi xuống bề mặt sao Hỏa. Vì vậy, nó như một nơi lưu giữ độc nhất về sự biến đổi của sao Hỏa. Nếu bạn muốn tìm kiếm bằng chứng về khí hậu thời tiền sử của hành tinh Đỏ, miệng núi lửa Gale sẽ là nơi vô cùng lý tưởng", William Rapin, tác giả chính của nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Geoscience, chia sẻ hôm 7/10.
Một phần của miệng núi lửa có tên là “Old Soaker” có dấu hiệu rõ ràng nhất của một ốc đảo cổ đại. Các nhà khoa học tin rằng khu vực này từng có nhiều nước nhưng sau đó bị cạn khô. Tuy nhiên, việc sự sống có tồn tại ở thời điểm này hay không vẫn còn là một bí ẩn.
Robot thám hiểm Curiosity của NASA đáp xuống bề mặt sao Hỏa năm 2012. Tại đây, Curiosity thu thập các mẫu và nghiên cứu khí hậu cùng địa chất của "hành tinh Đỏ" trong 2.600 liên tiếp. Hiện tại, robot thám hiểm này đang thăm dò trên đỉnh Sharp, nằm ở trung tâm miệng núi lửa Gale.
Nghiên cứu mới của Mỹ tuyên bố sự sống của Sao Hỏa có thể tồn tại trong các hồ nước mặn ngầm: đó là vô số loài...