Phát hiện đại dương khổng lồ bên dưới sao Hỏa
Nhóm nghiên cứu Đại học California Berkeley tìm thấy bằng chứng về nguồn dự trữ nước dưới lòng đất đủ bao phủ sao Hỏa dưới 1,6 km nước khi kiểm tra dữ liệu từ trạm đổ bộ InSight.
Mô phỏng trạm đổ bộ Insight hoạt động trên sao Hỏa. Ảnh: NASA
Các nhà địa vật lý phát hiện một đại dương khổng lồ ẩn bên dưới bề mặt sao Hỏa, có thể chứa sự sống. Nguồn dự trữ nước cực lớn dưới lòng đất này được phát hiện thông qua dữ liệu địa chấn do trạm đổ bộ Insight của NASA thu thập, chứa đủ nước lỏng để bao phủ toàn bộ hành tinh dưới lớp nước sâu 1,6 km. Tuy nhiên, nó nằm quá sâu để tiếp cận bằng bất kỳ phương tiện nào đã biết. Kẹt bên trong lớp đá nứt vỡ ở độ sâu 11,5 - 20 km bên dưới vỏ ngoài của hành tinh đỏ, việc tiếp cận nguồn nước này đòi hỏi hoạt động khoan chưa từng đạt được trên Trái Đất, theo Live Science.
Nếu con người có thể tiếp cận nguồn nước trên trong tương lai, đây sẽ là nơi hứa hẹn để tìm kiếm sự sống. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện hôm 12/8 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).
"Nước rất cần thiết đối với sự sống", đồng tác giả nghiên cứu Michael Manga, giáo sư khoa học Trái Đất và hành tinh ở Đại học California Berkeley, cho biết. "Chúng tôi chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự sống trên sao Hỏa, nhưng ít nhất chúng tôi đã xác định được một nơi có thể duy trì sự sống, về mặt lý thuyết".
Những lòng sông, châu thổ và đáy hồ khô cạn chằng chịt trên bề mặt sao Hỏa cung cấp cho các nhà khoa học bằng chứng nước từng tồn tại với số lượng dồi dào ở hành tinh trống trải này. Tuy nhiên, cách đây khoảng 3,5 tỷ năm, một thay đổi đột ngột trong khí hậu sao Hỏa khiến nước biến mất dần. Nguyên nhân gây ra sự khô cạn nhanh chóng chưa được làm rõ, dù giới nghiên cứu cho rằng đó là kết quả do hành tinh mất từ trường, va chạm với tiểu hành tinh hoặc sự sống vi khuẩn cổ đại. Việc tìm ra đáp án chính xác và tìm hiểu nước đã trôi đi đâu trở thành mục tiêu quan trọng.
Nhằm tìm kiếm manh mối bên trong cấu tạo hành tinh, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu thập bởi trạm đổ bộ Insight của NASA, một phòng thí nghiệm địa chấn tự động nghiên cứu cơ chế bên trong sao Hỏa từ năm 2018 đến năm 2022. Cảm biến của InSight cho phép nó ghi lại động đất độ 5, lan truyền hoa hành tinh sau va chạm với thiên thạch hoặc hoạt động núi lửa.
Bằng cách nạp dữ liệu vào mô hình toán tương tự mô hình dùng để tìm tầng ngậm nước và mỏ dầu trên Trái Đất, nhóm nghiên cứu lập bản đồ cấu tạo sao Hỏa nhằm tìm độ dày lớp vỏ, độ sâu của lõi, thành phần lõi, thậm chí nhiệt độ bên trong lớp phủ. Kết quả nghiên cứu lớp vỏ sâu hơn hé lộ nhiều khả năng nó bao gồm lớp đá lửa nứt vỡ chứa đủ nước lỏng để lấp đầy đại dương sao Hỏa. Đây là dấu hiệu nước không thất thoát hết vào vũ trụ cách đây hàng tỷ năm mà thấm vào vỏ hành tinh.
Hiện nay, việc tiếp cận đại dương bí mật này nằm ngoài năng lực kỹ thuật của con người. Hố khoan sâu nhất trên Trái Đất là hố khoan siêu sâu Kola mới chỉ đạt 12,2 km. Perseverance đang khám phá bề mặt miệng hố Jezero để lấy mẫu vật địa chất từ năm 2021. Ban đầu, NASA định phóng nhiệm vụ thu hồi mẫu vật năm 2026 nhưng lịch trình bị dời lại cho tới năm 2040 do vấn đề ngân sách.
Nguồn: [Link nguồn]
Mọi chuyện bắt đầu khi Curiosity – tàu thăm dò nặng 1 tấn của NASA – vô tình va chạm với một khối đá trên Sao Hỏa và làm nó vỡ ra.