Phát hiện 3 loài nhện ma bay cả trăm kilomet trên biển
Cách di chuyển độc đáo của nhện ma giúp chúng vượt qua quãng đường hàng trăm kilomet trên biển để tới bến bờ mới.
Loài nhện ma mới phát hiện tạo bóng từ tơ và bay qua đại dương.
Các nhà khoa học Argentina vừa phát hiện ra 3 loài nhện ma mới trên đảo Robinson Crusoe, cách Chile khoảng 600km. Nghiên cứu chỉ ra rằng loài nhện này đã “bay” ra đảo cách xa hàng trăm kilomet mà không gặp khó khăn nào.
Theo nhóm nghiên cứu, loài nhện này sử dụng tơ nhện tạo ra một quả bóng và dựa vào sức gió để bay trên không trung. Gió biển sẽ cuốn những con nhện này di chuyển khoảng cách rất xa và tới địa điểm mới.
Nhện ma là loài bản địa ở rừng mưa nhiệt đới Valdivian, Nam Mỹ. Sau 2 triệu năm tiến hóa, loài nhện này phân nhánh thành nhiều chi khác nhau và có cách di chuyển bằng “bóng bay” hết sức độc đáo.
“Những loài nhện sống ở đảo Robinson đến từ một khu vực khác và tiến hóa trong một thời gian ngắn hơn”, Martin Ramirez, nhà nghiên cứu nhện ở Hội đồng Nghiên cứu Kĩ thuật và Khoa học Quốc gia Argentina, nói. “Không hiếm gặp những con nhện bay lơ lửng giữa đại dương”.
Theo tạp chí National Geographic, loài nhện ma này được gọi là “nhện ma xanh” vì chúng có màu nhợt nhạt và di chuyển rất nhanh như bóng ma. Công trình nghiên cứu thực hiện từ năm 2011 và sau 5 năm đã cho kết quả mỹ mãn.
Tổng cộng, các nhà khoa học Argentina phát hiện được 7 loài nhện mới, trong đó có 3 giống nhện biết bay và chưa đặt tên.