Những người bị "nhốt" trong chính cơ thể mình
Hội chứng bị nhốt trong tiềm thức là một tình trạng rất đáng sợ khi con người hoàn toàn tỉnh táo, đầy đủ nhận thức nhưng lại không thể điều khiển được cơ thể mình, trừ đôi mắt. Loại bệnh đặc biệt này có rất nhiều nguyên nhân, bao gồm một cơn đột quỵ hay là kết quả của bệnh xơ cứng teo cơ một bên.
Lấy lại ý thức nhờ xem khủng long
Martin Pistorius từng là một cậu bé 12 tuổi người Nam Phi bình thường cho đến khi bỗng nhiên cậu bị rơi vào trạng thái hôn mê. Các bác sĩ không thể giải thích được chuyện gì đã xảy đến với cậu bé này và Martin phải sống đời sống thực vật trong suốt 7 năm. Sau đó, Martin lại bỗng dưng tỉnh táo nhưng không thể giao tiếp như mọi người được.
Trong suốt quãng thời gian sau đó, các bác sĩ điều trị cho cậu bằng cách buộc cậu xem chương trình hoạt hình Khủng long Barney. Dần dần, Martin đã có thể bộc lộ được những điều mình muốn làm bằng cách sử dụng một bàn phím.
Cuối cùng, Martin cũng đã có thể lấy vợ và viết một cuốn sách với tựa đề “Ghost Boy”, xuất bản năm 2011. Trong những năm tháng phải điều trị bệnh, Martin đã trải lòng trong cuốn tự truyện của mình rằng: “Tôi không thể diễn tả được tôi ghét Khủng long Barney đến mức nào”.
Jean Dominique Bauby viết sách bằng mắt
Jean Dominique Bauby là một nhà biên tập thành công của tạp chí thời trang Pháp, Elle trước khi ông bị đột quỵ năm 43 tuổi. Sau khi hôn mê 20 ngày, Bauby dần hồi phục được một phần cánh tay, chân, miệng, một bên mắt bị liệt và không thể thở hay ăn nếu không có sự trợ giúp.
Bất chấp những khó khăn trên, Bauby vẫn quyết tâm phải giao tiếp được với thế giới. Với sự trợ giúp của một y tá đặc biệt, ông có thể viết được một chữ cái hoàn chỉnh vào thời điểm đó. Y tá sẽ chỉ vào chữ cái trên bảng và ông sẽ nháy mắt một cái tức là đúng và hai cái tức là sai. Và kết quả là, cuốn sách có tựa đề “The Diving Bell and the Butterfly” được xuất bản năm 1997. Hai ngày sau khi cuốn sách ra mắt, Bauby đã qua đời. Cuốn sách này sau đó được dựng thành phim năm 2007.
Nghệ sĩ Graffiti vẽ bằng mắt
Tony Quan là một trong những nghệ sĩ tiên phong cho trào lưu nghệ thuật đường phố tại Los Angeles, Mỹ. Năm 2003, ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên khiến ông bị liệt toàn thân, trừ đôi mắt. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của thiết bị Eyewriter, Quan vẫn tiếp tục sáng tác nghệ thuật.
Được tạo ra bởi nhóm bạn chuyên về Graffiti, Eyewriter là một loại bút đặc biệt có giá thành rẻ, giúp Quan có thể vẽ bằng cách chọn các công cụ hỗ trợ khi nhìn vào chúng trong một vài giây và sau đó dùng chuyển động của đôi mắt để tạo hình. Những hình ảnh mà Quan vẽ ra bằng mắt sau đó sẽ được in lại hoặc chiếu trên các tòa nhà.
Hồi tỉnh sau thời gian dài bị khóa cơ thể
Thông thường, những người mắc hội chứng bị nhốt trong tiềm thức không thể hồi phục được, tuy nhiên vẫn có một câu chuyện thành công trong danh sách này. Khi Kate Allat 39 tuổi, cô bị đột quỵ và hoàn toàn rơi vào trạng thái liệt toàn thân, chỉ có đôi mắt có thể hoạt động và cơ hội hồi phục gần như không có. Nhưng Allat không từ bỏ hy vọng.
Sau 11 tháng trong bệnh viện, với sự trợ giúp của gia đình, cô dần dần lấy lại được khả năng nói và di chuyển. Giờ đây cô gần như đã hồi phục hoàn toàn và quyết tâm cống hiến toàn bộ thời gian để giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh như mình. Cho đến nay, Allat đã viết 3 cuốn sách.
Được cứu bằng một câu chuyện đùa
Julia Tavalaro bị đột quỵ vào năm 1966 khi bà mới 27 tuổi. Trong suốt 6 năm, bà phải sống trong tình trạng thực vật mặc dù có thể nhận biết hết mọi thứ xung quanh. Chỉ đến khi một thành viên gia đình bà kể một câu chuyện đùa và nhận thấy nụ cười trên gương mặt bà thì mọi người mới biết thực ra Julia vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
Với sự giúp đỡ của một vài phương pháp trị liệu, bà Tavalaro cuối cùng đã có thể học cách giao tiếp với mọi người.
Chỉ giao tiếp được bằng ý nghĩ
Một số bệnh nhân mắc hội chứng “locked-in” thậm chí còn không thể di chuyển được con mắt của mình vì vậy việc giao tiếp là vô cùng khó khăn, đó là trường hợp của ông Elias Musiris Ông Elias làm chủ một casino giàu có nhưng mắc phải bệnh xơ cứng teo cơ một bên.
Với sự trợ giúp của bác sĩ Niels Birbaumer và chiếc máy đọc ý nghĩ EEG, ông Elias có thể trả lời được “có” hay “không”. Sau một tuần luyện tập, ông đã có thể kiểm soát được một chấm trắng trên màn hình bằng suy nghĩ của mình.
Bệnh nhân “nửa người nửa máy” đầu tiên trên thế giới
Johnny Ray, một cựu chiến binh trở về từ Việt Nam, sau khi bị đột quỵ đã trở thành “người máy” trong hình dạng của một con người thật đầu tiên trên thế giới. Năm 1998, với sự cho phép đặc biệt của FDA, các nhà nghiên cứu tại ĐH Emory đã cấy các cực điện siêu nhỏ vào một phần não của ông để giúp tay trái cử động.
Ray được hướng dẫn dùng ý nghĩ để di chuyển chuột máy tính và những xung lực trên sẽ truyền lệnh tới máy tính. Sau một vài tháng, ông đã có thể đánh vần và thực hiện các cuộc hội thoại ngắn. Công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai nhưng nó cũng dấy lên hy vọng mới cho những người mắc hội chứng bị khóa này.
Tony Nicklinson đấu tranh để được… chết
Trường hợp của Tony Nicklinson có lẽ là trường hợp bi kịch nhất trong danh sách này. Sau khi bị đột quỵ năm 2005, Nicklinson không thể nói và bị liệt từ cổ trở xuống. Từng là một cầu thủ bóng bầu dục và thợ lặn, việc sống mà không thể di chuyển được đã khiến ông suy sụp và đến năm 2010, ông đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Anh để xin được… chết (tự tử có chủ đích là bất hợp pháp ở Anh).
Sau hai năm đấu tranh với pháp luật, yêu cầu của ông bị từ chối. Tuy nhiên, 6 ngày sau đó ông đã qua đời vì các lý do tự nhiên.
Theo số liệu khảo sát trên 65 bệnh nhân của Tạp chí Y học Anh, 72% trong số đó cảm thấy mình vẫn hạnh phúc và chỉ 7% là có ý định tự tử.