Những bí ẩn kỳ lạ nhất trong lòng đại dương (P1)
Đại dương ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà đến nay con người với khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp.
Đại dương chiếm tới 2/3 diện tích Trái Đất, nơi đây ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà đến nay con người với khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp. Điều này thôi thúc các nhà khoa học không ngừng khám phá và tìm hiểu về nơi đây.
“Lỗ đen khổng lồ” tại Đại Tây Dương
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học ETH Zurich (Thụy Sỹ) và Đại học Miami (Mỹ), một số xoáy nước lớn nhất ở khu vực nam Đại Tây Dương có kích thước thực tế tương đương những lỗ đen bí ẩn trong không gian. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng cũng hút và "bắt nhốt" nước giống như cách thức các lỗ đen nuốt chửng ánh sáng.
Một số xoáy nước lớn ở khu vực nam Đại Tây Dương có kích thước thực tế tương đương những lỗ đen bí ẩn trong không gian.
Trang Dailymail cho hay, những xoáy nước đại dương khổng lồ này được các luồng nước cuốn tròn, bao quanh dày đặc đến mức không thứ gì từng bị hút vào bên trong, có thể thoát ra được. Thống kê cho thấy, các "lỗ đen" như vậy xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng biển phía nam Đại Tây Dương, làm gia tăng việc luân chuyển nước mặn và ấm về hướng bắc.
Các nhà khoa học nhận định, những "lỗ đen đại dương" có thể tiết chế ảnh hưởng tiêu cực của việc băng tan trên biển do hiện tượng ấm nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, cho tới mãi gần đây, họ vẫn không thể định lượng được tác động này, vì các ranh giới chính xác của những xoáy nước đại dương khổng lồ vẫn còn là một bí ẩn.
Hình ảnh mô phỏng một "lỗ đen đại dương", có khả năng nuốt chửng mọi thứ tiến sát gần nó.
Nhóm nghiên cứu đến từ Thụy Sỹ và Mỹ hiện tin rằng, rốt cuộc họ đã giải mã được bí ẩn trên. Nhờ sử dụng các mô hình toán học, họ đã phân lập được các xoáy nước từ hàng loạt quan sát vệ tinh. Qua đó các nhà khoa học đã nhận diện được 7 xoáy nước "lỗ đen", chuyên chở nguyên khối lượng nước (không hề bị rò rỉ ra bên ngoài) từ nơi này tới nơi khác trong gần 1 năm.
Kết quả nghiên cứu của họ dự kiến sẽ giúp giải đáp nhiều bí ẩn về đại dương, từ các câu hỏi liên quan đến khí hậu cho tới sự lan truyền của những dạng ô nhiễm môi trường.
Mực khổng lồ trong truyền thuyết và đời thực
Mực khổng lồ từ lâu đã xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện kể của những người ngư dân đi biển. Chúng thường được miêu tả là những con quái vật đáng sợ chuyên tấn công tàu thuyền. Tuy vậy, cho mãi tới năm 2004 vẫn chưa có bất kỳ ai từng quan sát được một con mực sống khổng lồ nơi hoang dã.
Con mực khổng lồ được phát hiện khi nó dạt vào bờ biển Cantabria, Tây Ban Nha.
Đoạn video đầu tiên về một con mực khổng lồ còn sống mãi tới năm 2013 mới được công bố bởi một đài truyền hình của Nhật. Con vật dường như phát triển tới chiều dài 18 mét và là động vật ăn thịt, thường săn cá và những con mực khác.
Phần lớn những gì mà các nhà khoa học hiện biết về mực khổng lồ thường bắt nguồn từ những xác mực chết trôi dạt vào bờ biển hoặc trong dạ dày của cá voi – một trong những kẻ thù tự nhiên đáng sợ nhất của chúng.
Mực khổng lồ trong truyền thuyết của người xưa.
Qua quan sát, mực khổng lồ mà các ngư dân Nhật Bản bắt được có tên gọi Architeuthis, còn được gọi bằng nhiều cái tên không chính thức như mực ma, được công nhận là có chiều dài lên tới 13 mét (giống cái) hoặc 10 mét (giống đực) thường sống ở vùng đại dương sâu ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương từ bờ biển Mexico qua Quần đảo Hawaii (Mỹ) tới Quần đảo Ogasawara (Nhật Bản).
Phát hiện mực khổng lồ dài gần 8m tại Nhật.
Nó có tám xúc tu ngắn và hai xúc tu dài với kích cỡ tối đa là 13 m (con cái) và 10 m (con đực). Những con mực khổng lồ này được cho là hung dữ và hay tấn công các động vật khác bao gồm cả ngư dân và tàu thuyền của họ. Do to lớn nên xúc tua của chúng rất khỏe và lực hút rất mạnh. Ngư dân ở Mexico thường chỉ cho thấy những vết gỗ bị vỡ trên thuyền của họ do bị mực khổng lồ hút bật ra.
Trước đó, con mực lớn nhất thế giới mà con người từng bắt có chiều dài 13 m.
Thành phố cổ chìm dưới đáy biển
Năm 2001, nhóm khảo cổ dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học biển người Pháp Franck Goddio tình cờ phát hiện một số di tích khi tìm kiếm các tàu chiến của Napoleon từ năm 1798 bị đánh bại bởi Nelson trong cuộc chiến sông Nile.
Ông đã phát hiện vô số tảng đá khổng lồ nằm sâu dưới đáy biển tại khu vực vịnh Aboukir, cách 20 dặm về phía đông bắc Alexandria. Đây được xem là phát hiện quan trọng nhất của thế kỷ 21.
Tiến sĩ Franck Goddio và đồng nghiệp xem xét bức tượng pharaoh.
Các nhà khảo cổ học cho biết thành phố này từng là một hải cảng của hai nền văn hóa Heracleion (của người Hi Lạp cổ đại) và Thonis (của người Ai Cập cổ).
Nhóm ông cùng với Trung tâm khảo cổ học hàng hải Oxford dành 12 năm làm việc dưới đáy đại dương để ghép các tảng đá lại với nhau trước khi đưa lên mặt đất. Trong số đó có bức tượng khổng lồ nữ thần Ai Cập Isis, thần Hapi và một pharaoh Ai Cập chưa xác định. Ngoài ra còn có hàng trăm bức tượng nhỏ của các vị thần Ai Cập.
Tượng nữ thần Isis (trái) và bức tượng khổng lồ đá granit thần Hapi (phải).
Tất cả đều được bảo quản trong điều kiện tốt vì được lớp bùn bao phủ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy hàng chục chiếc quách có chứa các cơ quan của động vật được ướp xác và 64 chiếc tàu cổ với 700 cái neo.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn tìm thấy tấm bia khổng lồ được trang trí bằng chữ tượng hình, hé mở những bí mật về đời sống tôn giáo và chính trị của Ai Cập cổ đại.
Trong tương lai, các nhà khảo cổ hi vọng sẽ khám phá những bí mật lớn nhất từ thành phố cổ đại bị nhấn chìm dưới nước này.
Mời độc giả đón xem phần 2 của bài viết với những bí ẩn về "Kim tự tháp" lạ dưới biển Nhật Bản, cấu trúc bí ẩn dưới biển Israel và cá mập có khả năng phóng điện vào 6h sáng mai 13/3 tại mục Phi thường kỳ quặc! |