Loài vật tuyệt tích 70 năm tái xuất nhờ kế hoạch “thả hổ về rừng”
Hổ Caspi còn được gọi là hổ Turan, hổ Ba Tư, đã sống tự do trên thảo nguyên Kazakhstan cho đến khi biến mất cách đây khoảng 70 năm.
Tiếp nối thành công trong việc hồi sinh quần thể linh dương Saiga đang bị đe dọa, chính quyền Kazakhstan đang cố gắng đưa một loài hổ bên bờ tuyệt chủng trở lại một khu vực gần Hồ Balkhash, trang Eurasianet đưa tin hôm 26/9.
Hổ Caspi, còn được gọi là hổ Turan, hổ Ba Tư, đã sống lang thang tự do trên thảo nguyên Kazakhstan cho đến khi biến mất cách đây khoảng 70 năm. Để khởi động chương trình tái thả, chính quyền Kazakhstan hôm 23/9 đã công bố rằng 2 con hổ Amur, một đực và một cái, đã được đưa về nước này từ Hà Lan. Vào năm 2025, dự kiến sẽ có thêm 4 con hổ Amur được đưa vào từ Nga.
Bộ trưởng Sinh thái Yerlan Nyssanbayev cho biết, hổ Amur được ưu tiên cho chương trình này vì chúng, giống như hổ Turan, đã quen với cái lạnh khắc nghiệt, trong khi các loài hổ khác phát triển mạnh ở vùng khí hậu ấm hơn.
Chính quyền Kazakhstan đang cố gắng đưa một loài hổ bên bờ tuyệt chủng trở lại một khu vực gần Hồ Balkhash. Ảnh: Dutch News
Trích dẫn các tiêu chuẩn do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xây dựng, "Amur" và "Turan" không được coi là các phân loài hổ riêng biệt, vì vậy các loài động vật được tái du nhập vào Kazakhstan có thể được phân loại là giống Turan (Caspi).
"Đối với Kazakhstan, đây không chỉ là một dự án quan trọng về mặt sinh thái mà còn là biểu tượng cho những nỗ lực chung nhằm khôi phục di sản thiên nhiên", ông Nyssanbayev cho biết.
Chính phủ Kazakhstan lần đầu tiên bày tỏ mong muốn tái du nhập hổ vào năm 2010. Tám năm sau, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ile-Balkhash thuộc Viện Nhà nước Cộng hòa đã được thành lập để làm môi trường sống trong tương lai của loài hổ.
Khu bảo tồn rộng hàng nghìn ha có rừng gần Hồ Balkhash và "bảo tồn sự đa dạng sinh học độc đáo của các hệ sinh thái thảo nguyên, bao gồm các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng như linh dương saiga, chồn hôi cẩm thạch… và gà gô cát pallas", theo UNDP.
Hiện tại, những con hổ đang trải qua quá trình thích nghi trong một khu vực nhỏ gần khu vực được bảo vệ trước khi chuyển đến một khu vực rộng rãi hơn, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố. Các quan chức cho biết, con cháu của cặp hổ sẽ sống trong tự nhiên tại công viên quốc gia, nơi dự kiến có thể chứa tới 100 con hổ.
Hổ Turan có xu hướng lớn hơn các loại hổ khác, có đôi chân khỏe, tai nhỏ và bộ lông màu vàng cam đậm với các sọc đen. Môi trường sống ưa thích của hổ Turan là giữa các bụi lau sậy và rừng dọc theo bờ sông Ili và Syr Darya ở phía Nam và Đông Nam Kazakhstan.
Vào cuối thời Sa hoàng và đầu thời Liên Xô, hổ ngày càng gây rắc rối cho cư dân địa phương, giết gia súc và đôi khi tấn công con người, điều này đã thúc đẩy các nỗ lực chung để tiêu diệt chúng. Theo dữ liệu chính thức, con hổ Turan cuối cùng đã bị giết vào năm 1948.
Các quan chức nhấn mạnh rằng quần thể hổ mới sẽ không gây ra mối đe dọa cho con người hoặc gia súc.
"Cải thiện nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên của hổ và sự xa xôi của khu bảo tồn sẽ giúp tránh xung đột giữa hổ và con người", ông Nyssanbayev nói với các phóng viên. Nguồn thức ăn chính của hổ sẽ là lợn rừng và linh dương Saiga.
Một tuyên bố của Bộ Sinh thái Kazakhstan trích dẫn lời ông Gert Polet, một chuyên gia về động vật hoang dã tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Hà Lan, cho biết chương trình phục hồi "mang lại hy vọng" rằng những nỗ lực phục hồi tương tự đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt tích có thể thành công ở những nơi khác.
Chương trình thử nghiệm với hổ Turan hy vọng sẽ tiếp nối thành công của việc phục hồi quần thể linh dương Saiga. Vào đầu thế kỷ 21, linh dương Saiga được liệt kê là loài cực kỳ bị đe dọa tuyệt chủng. Hai thập kỷ nỗ lực bảo tồn được phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ Kazakhstan và các bên liên quan tại địa phương đã giúp khôi phục quần thể linh dương này từ 39.000 con vào năm 2005 lên khoảng 2 triệu con hiện nay.
2 con sư sử đã nhường đường khi chạm mặt 2 con tê giác to lớn.
Nguồn: [Link nguồn]