Hội chọi "dị" nhất hành tinh
Ngoài những hội chọi thường thấy ở Việt Nam như chọi trâu, chọi gà, chọi dế..., trên thế giới còn có những hội chọi lạ lùng như chọi ngựa, chó, lạc đà...
Trung Quốc: Ấn tượng hội chọi ngựa
Lễ hội chọi ngựa truyền thống này được tổ chức ở hạt Dung Thủy, Quảng Tây, Trung Quốc vào vụ gặt cuối thu, thể hiện một vụ mùa bội thu. Hình thức chọi độc đáo này đã ra đời ở Trung Quốc và các nước Châu Á cách đây 500 năm. Tại Dung Thủy, lễ hội này được tổ chức chủ yếu bởi những người dân tộc Mèo.
Những chú ngựa chồm lên, bờm tung bay với gió trong lễ hội chọi ngựa Dung Thủy.
Để làm những “chiến binh” ngựa đực thêm hăng hái, những người nông dân Dung Thủy thả một chú ngựa cái đứng gần đó khiến những chú ngựa đực thêm “say máu”. Nếu ngựa đực vẫn tiếp tục không chịu chiến đấu, người chủ có thể kích cho nó nổi giận bằng cách bắn một phát súng vào không trung.
Ngựa chiến đấu trong tiếng cỗ vũ nhiệt tình của đám đông.
Những người nài ngựa bỏ rất nhiều công sức để huấn luyện chú ngựa của mình bởi chú ngựa thắng cuộc sẽ giành về cho chủ một khoản thưởng lớn.
Mặc dù lễ hội gây rất nhiều tranh cãi, đặc biệt từ phía các hội bảo vệ động vật, nhưng nó vẫn được tổ chức thường niên bởi người dân tộc Mèo cho rằng đó là giá trị cổ truyền, thể hiện sức mạnh và sự thịnh vượng của làng xã.
“Trò chơi bạo lực”: chọi chó ở Afghanistan và Trung Quốc
Dù bị cấm dưới thời Taliban, nhưng từ năm 2001 trở lại đây, chọi chó đang ngày càng trở nên phổ biến tại Afghanistan. Thậm chí, những cuộc thi đấu này còn diễn ra hàng tuần tại các thành phố chính của đất nước bất chấp lệnh cấm của chính phủ. Số tiền thưởng cho một giải đấu thường là 300 USD, nhưng đôi khi có thể lên tới 50.000 USD - một khoản khá lớn đối với người dân quốc gia này.
Chọi chó tại Afghanistan
Không chỉ có ở Afghanistan, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc lâu nay cũng ưa chuộng trò chơi chọi chó đầy "bạo lực". Theo giới thiệu của những người am hiểu "lĩnh vực" đặc biệt này thì giống chó thường được chọn là Pitbull, gốc châu Mỹ, thể hình đẹp, cơ bắp phát triển. Thường ngày, chúng rất ôn hòa nhưng chỉ cần gặp đồng loại là thú tính trỗi dậy, vô cùng hung hãn. Một khi đã cắn được đối thủ thì chết cũng không chịu nhả ra. Chỉ khi huấn luyện viên tới "can thiệp" thì mới có thể tách chúng.
Một người chủ có mặt tại "trường đấu" cho biết, loài chó này có thể liên tục chọi trong vòng 2 giờ đồng hồ không cần nghỉ ngơi. Trước khi bắt đầu vào chọi, từng chú chó sẽ được cân trọng lượng để đảm bảo tính công bằng cho cuộc thi. Ngoài ra, chúng cũng được tắm rửa sạch sẽ và bôi một loại "thuốc tê" đặc biệt khắp người.
Người dân Bắc Kinh, Trung Quốc cũng ưa chuộng trò chơi chọi chó.
Chọi chó không chỉ là một trò giải trí đơn thuần mà đã trở thành sới bạc ở nhiều địa điểm tại vùng ngoại thành Bắc Kinh, Trung Quốc. Những con chó được đưa đến sới đấu, cứ hai con một được chủ của chúng cho lao vào nhau dùng hết sức bình sinh để cắn xé, cảnh tượng khiến nhiều người lần đầu tiên chứng kiến cảm thấy sốc, trong khi đám đông xung quanh reo hò cổ vũ. Trước mỗi hiệp đấu họ đều bỏ tiền đánh cược cho một con, ít thì khoảng vài ngàn tệ, nhiều lên tới cả vài chục ngàn tệ.
Tổng số tiền mà chủ nhân của chú chó dành chiến thắng thu được khoảng hơn 200 nghìn NDT (khoảng 700 triệu VND). Đây là mức trung bình của trò chơi bạo lực mà người Bắc Kinh dành cho những “người bạn trung thành nhất của con người”.
Lễ hội chọi lạc đà hiếm có ở Thổ Nhĩ Kỳ
Chọi lạc đà, môn thể thao cực hiếm và khác thường này được tổ chức thường niên tại Selcuk, thành phố thuộc tỉnh Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai chú lạc đà vật nhau để tranh một “nàng” lạc đà.
Chọi lạc đà.
Thời gian lý tưởng nhất để để xem môn này là từ tháng 12 tới tháng 1, thời điểm lạc đà rất "hăng hái" ghi điểm với lạc đà cái. Cuộc thi này được tổ chức vì truyền thống nhiều hơn là vì tính thi cử đối kháng.
Lễ hội chọi lạc đà thu hút hàng nghìn du khách, nhạc công, người bán rong... cùng hàng trăm con lạc đà tham dự.
Độc đáo lễ hội chọi gối quốc tế
Không chỉ có lễ hội chọi động vật, ở nhiều nước trên thế giới còn tổ chức lễ hội chọi gối thường niên. Những người tham gia sẽ đứng đối diện và quật nhau bằng gối khi chuông nhà thờ điểm 18h. Các “chiến binh” gối, hầu hết từ 18 đến 30 tuổi đã tham gia rất nhiệt tình vào lễ hội kì lạ này. Sau 20 phút “chiến đấu” họ dừng lại, buông vũ khí và nằm luôn lên gối của mình.
Lễ hội chọi gối tại quảng trường Trafalgar, London, Anh.
International Pillow Fight Day (Ngày Chọi gối quốc tế) bắt đầu kỉ niệm từ năm 2008. Hiện nay, sự kiện được tổ chức từ ngày 6-15/4 ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như: Belgrade, New York, London, Paris, Sydney, Thượng Hải…
Lễ hội chọi gối ở Rome.
Với người dân Thượng Hải, Trung Quốc, họ tham gia chơi chọi gối để giảm căng thẳng. Các công nhân và sinh viên tụ tập ở Thượng Hải để quên hết những áp lực bằng cách đánh nhau túi bụi với những chiếc gối. Mọi người tham gia rất hứng khởi vì đây là dịp để họ nổi loạn, xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng để hôm sau lại tiếp tục vui vẻ đối mặt với cuộc sống.