Chuyện về nghề “giúp việc” cho người đã khuất

Thay vì giúp việc gia đình, có những người chọn công việc đặc biệt hơn, đó là giúp việc cho người đã khuất. Dần dà, họ xem những vong linh đó như người thân, người bạn khi cần giải tỏa tâm sự.

Cơ duyên với “người âm”

Nghe cụm từ “giúp việc cho người đã khuất”, tôi chắc không ít người sẽ ngạc nhiên và cảm thấy khó hiểu, đôi khi có phần sợ hãi. Nếu như nghề trang điểm cho người đã mất khiến người khác lạnh sống lưng, thì nghề quét dọn, trang trí mộ cho những người này cũng khiến ai nấy phải... sởn gai ốc.

8h sáng, bước vào công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), tôi và cô bạn đồng nghiệp cảm nhận được cái lạnh lẽo của một nơi có nhiều âm khí. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị Bùi Thị Thêm (35 tuổi, ở TP.Hòa Bình) vừa bắt đầu công việc đã gắn bó với mình 3 năm nay. Đeo bao tay, cầm dụng cụ cắt tỉa đi về khu vực phần mộ đơn được phân công, sau khi thắp hương xin phép, chị bắt đầu lau chùi bia mộ, bát hương...

Những người giúp việc ở đây mỗi khi nghỉ lại thấy nhớ “người thân”.

Những người giúp việc ở đây mỗi khi nghỉ lại thấy nhớ “người thân”.

Chị Thêm vừa làm vừa kể, trước khi đến với nghề này, chị đi làm thuê trên Hà Nội. Tuy nhiên công việc vất vả, xa nhà, lương lại chẳng được bao nhiêu. Ba năm trước, con chị vào lớp Một, chị quyết định nghỉ việc về quê, được chồng xin cho vào khu nghĩa trang làm công việc dọn dẹp.

Mới đầu khi chưa vào làm, nghe công việc dọn mộ cho người đã khuất, chị thấy sợ, thậm chí nghĩ đi xin việc khác mà làm. Công viên nghĩa trang có đến cả nghìn ngôi mộ, mỗi ngày phải sắp xếp việc dọn dẹp, lau chùi, thắp hương cho mấy chục phần mộ, chẳng khác gì tiếp xúc với mấy chục người chết, mới đầu mình hãi lắm”, chị Thêm tâm sự.

Tuy nhiên, do có chồng làm nhân viên bảo vệ nghĩa trang này, qua vài lần đến thăm, tiếp xúc với mọi người làm việc tại đây, dần dần chị Thêm không còn sợ, thậm chí trở nên yêu thích công việc của mình. Công việc chính của chị là lau chùi, cắt tỉa cây hoa trong khuôn viên từng phần mộ đơn. Trung bình mỗi ngày chị dọn dẹp từ 15 đến 20 ngôi mộ. Mùa đông, chị bắt đầu từ 8h, mùa hè nắng sớm hơn thì 7h vào làm. Ngày nắng chị tưới cây, ngày mưa đi nhổ cỏ, cắt tỉa, cuối tuần thì lau bia mộ.

Không gặp sẽ nhớ như nhớ “người thân”

Chị Thêm tâm sự, ở đây cây cối xanh tươi, không khí rất trong lành, nó như một khu công viên, không có sự lạnh lẽo như nghĩa trang ngày xưa. Nhiều hôm nhà có việc hay ốm không đi làm được chị Thêm lại thấy nhớ, đôi lúc còn lo không biết có ai dọn dẹp mộ cho các cụ chưa.

Cách chỗ chúng tôi nói chuyện khoảng chục ngôi mộ, bà Hoàng Thị Huyền (xã Mông Hóa, Kỳ Sơn, Hòa Bình) đang cẩn thận nhổ cỏ dại. Có 7 năm “làm bạn với những người âm”, bà Huyền cười bảo: “Chúng tôi dọn dẹp ở đây như công việc của một người giúp việc gia đình, chỉ khác là giúp việc cho người đã khuất mà thôi”.

Nhiều phần mộ là những câu chuyện khác nhau, đặc biệt.

Nhiều phần mộ là những câu chuyện khác nhau, đặc biệt.

Với bà Huyền, đây vừa là công việc bà phải làm, vừa như một phần trách nhiệm trong gia đình. Điều đặc biệt, bà quan niệm, công việc tâm linh luôn phải làm thật cẩn thận. Và bà xem đó như chính phần mộ của người thân trong gia đình nên không thể làm qua quýt cho xong. Phần lớn những người được bà chăm sóc “nhà cửa” là những trường hợp có gia đình bận không đến chăm sóc thường xuyên, hoặc là người thân của những Việt kiều ở xa một hai năm mới về, nên nhờ những người như bà chăm sóc giúp.

Bảy năm làm việc tại khu nghĩa trang, mỗi phần mộ là một câu chuyện. Có nhiều người nổi tiếng, các nghệ sĩ mà bà Huyền thường chỉ thấy xuất hiện trên phim cũng được an táng tại đây. Nhưng ấn tượng và cũng không khỏi xót thương nhất là phần mộ của gia đình MH17 (ký hiệu phần mộ PV)”, bà Huyền vừa nói vừa dắt tôi và bạn đồng nghiệp qua thăm ngôi mộ của một gia đình 4 người. Nhìn ảnh cả gia đình đều rất trẻ, ai cũng tươi tắn.

Thắp nén nhang, bà Huyền xót lòng kể: “Đây là phần mộ của bốn người trong một gia đình, người bố được an táng ở đây trước do bị tai nạn tàu lửa. Ba mẹ con sinh sống ở nước ngoài, trong một lần trên đường về giỗ bố thì gặp tai nạn rơi máy bay, sau đó cũng được người thân đưa về an táng tại đây. Ban đầu phần mộ ba mẹ con không có di hài, sau này khi gia đình tìm kiếm, xét nghiệm ADN mới đưa một phần nhỏ xương cốt về đây an táng. Bản thân chúng tôi mỗi lần thực hiện công việc lau chùi hay thắp hương cho gia đình này đều cảm thấy rất thương cảm”.

Bà Huyền cho biết, mới đầu vào làm, bà cũng sợ, cũng run. Vì thường làm mỗi phần mộ chỉ một mình, nên bà chỉ làm theo công việc được giao, dần dần việc chăm sóc các phần mộ khiến lòng bà cảm thấy thanh thản hơn, thậm chí còn khỏe và vui vẻ hơn. Bà đùa rằng, chắc bà làm sạch đẹp nên họ phù hộ. Nhiều lúc có chuyện buồn không tâm sự được với ai, vừa dọn dẹp bà lại vừa kể cho các cụ nghe. “Chẳng biết các cụ có nghe được không nhưng trong lòng mình thấy thư thái, thoải mái. Mình có thể nói hết mọi chuyện buồn lo trong lòng mà ngày thường không chia sẻ với ai được”, vừa cười, bà Huyền vừa ngắm nghía lại những ngôi mộ bà mới lau xong.

“Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên có khoảng 300 -500 nhân viên dọn dẹp các phần mộ, tùy từng thời điểm. Ngày lễ tết thì nhiều nhân sự hơn. Mỗi nhân viên được hưởng chế độ theo hợp đồng lao động với mức lương ban đầu là 7 triệu đồng/tháng, sau đó sẽ tăng theo kinh nghiệm và số năm làm việc. Ngoài ra, nhiều người cũng có nguồn thu nhập riêng khi một số gia đình thuê họ làm giỗ, làm mâm cúng vào các dịp thanh minh, vu lan..., khi không có điều kiện về”. Ông Trần Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty Toàn Cầu, chủ đầu tư công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên.

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật Thứ hai (số 155)

Nguồn: [Link nguồn]

Ngôi làng kinh dị: ”Nhốt” xác chết cạnh gốc ”cây thiêng” và ngôi đền cổ

Xác chết được đặt vào lồng tre dưới chân một ngôi đền nghìn tuổi và “cây thiêng“ để tự phân hủy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.H- L.L ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN