Cháu trai ngã vào xô nước trước nhà , bà nội nhận ra thì đã quá muộn

Không thấy cháu nội đâu, người bà vội vã đi tìm, không ngờ cháu bị đuối nước trong chiếc xô mà mình đã đi qua ít nhất 10 lần.

Sự việc đau lòng xảy ra cách đây vài ngày ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Theo đó, một người mẹ trẻ đã đăng lên mạng xã hội đoạn video được ghi bằng camera giám sát, tiết lộ thảm kịch đau lòng của gia đình. Cô trách móc mẹ chồng trông cháu trai không cẩn thận, khiến bé qua đời một cách oan uổng. 

Cụ thể, bà nội của đứa trẻ ngồi trước cửa nhà, trong khi cháu trai 1 tuổi đang chơi ngoài sân. Cậu bé mặc áo khoác bông, bước đi không vững. Khi đến cạnh một xô nước, cậu bé cố gắng trèo lên rồi ngã lộn cổ vào trong xô.

Người bà đi qua chỗ cháu trai gặp nạn nhưng không hề nhận ra. Ảnh: Sina

Người bà đi qua chỗ cháu trai gặp nạn nhưng không hề nhận ra. Ảnh: Sina

Nước trong xô đầy hơn nửa, toàn bộ thân trên của cậu bé chìm trong nước. Bị sặc, bé trai cố gắng vùng vẫy nhưng không thể thoát ra. 

Sau khi bà nội không thấy cháu đâu đã vội vã đi tìm. Tuy nhiên dù đi ngang qua xô nước ít nhất 10 lần, bà vẫn không nhìn thấy cháu trai gặp nạn.

Theo video do người phụ nữ đăng tải,  bà đã đi đến gần xô nước tới 3 lần, thậm chí có lần còn suýt chạm vào chân cháu trai nhưng vẫn không phát hiện ra đứa trẻ. 

Phải đến khoảng 20 phút sau, người bà cuối cùng cũng nhận ra cháu mình ngã cắm đầu vào xô nước.

Bà lập tức bế cháu lên nhưng quá muộn, lúc này đứa trẻ đã không còn dấu hiệu của sự sống.

Người mẹ trẻ oán trách: "Bà đã không gọi xe cấp cứu kịp thời, thậm chí lúc đó còn mải đi tìm khăn để lau mặt cho bé". Chỉ khi người mẹ gọi điện nhờ dì chạy đến giúp đỡ, đứa trẻ mới được đưa đến bệnh viện, nhưng bác sĩ xác nhận bệnh nhi đã tử vong một thời gian rồi. 

Nỗi đau khổ của gia đình này không dừng lại ở đó. Sau khi đoạn video bị tung lên mạng, bố em bé cực kỳ tức giận. Vốn đã đau buồn vì mất con, anh cảm thấy không thể tha thứ cho việc vợ trách móc mẹ mình, đem bi kịch của gia đình công khai trên mạng xã hội.

Câu chuyện bi thương lan truyền khiến nhiều người bày tỏ sự xót xa trước cái chết oan uổng của em bé, thông cảm với nỗi đau của gia đình. Nhiều cư dân mạng cho rằng, bi kịch đã xảy ra là chuyện không ai lường được và cũng không thể cứu vãn, người trong gia đình không nên trách móc nhau mà cố gắng động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Các chuyên gia nhi khoa luôn nhắc nhở cha mẹ nuôi con nhỏ rằng không được rời mắt khỏi trẻ dù chỉ là trong tích tắc, vì nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ nhỏ, những vật dụng như xô, chậu, bồn tắm... trong nhà luôn phải đổ hết nước bởi chúng có thể giết chết con bạn bất cứ lúc nào.

Làm thế nào để ngăn ngừa bé bị đuối nước tại nhà?

Trẻ nhỏ đặc biệt thích chơi với nước, nhưng chúng không biết tự bảo vệ mình. Nhiều cha mẹ có thói quen tích trữ nước hoặc không đổ hết nước thừa trong xô chậu sau khi sử dụng, điều này rất nguy hiểm cho bé. Để phòng tránh đuối nước tại nhà, cha mẹ nên lưu ý:

Không lưu trữ nước trong xô, chậu

Tốt nhất nên tháo bỏ hết nước thừa trong xô, chậu sau khi sử dụng. Trong trường hợp cần lưu trữ nước để dùng, cha mẹ nên khóa cửa phòng tắm hoặc phòng bếp, nơi có để xô, thùng chứa nước. Ngoài ra, sử dụng xô, thùng có nắp đậy chặt cũng là một giải pháp.

Luôn để mắt tới bé

Chăm sóc trẻ nhỏ không phải là việc dễ dàng, vì vậy cha mẹ không nên xem nhẹ. Ngay cả khi ở nhà, hãy đảm bảo rằng bé chơi trong tầm mắt của người chăm sóc. Mặc dù để duy trì việc này suốt cả ngày sẽ rất khó khăn vì người lớn còn phải làm việc nhà, nhưng đó là cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Học kiến thức sơ cứu cơ bản

Sau khi sinh con, cha mẹ nên tự học một số kiến thức và kĩ năng sơ cứu cơ bản. Khi trẻ bị đuối nước, phương pháp sơ cứu đúng có thể cứu sống trẻ.

Cách sơ cứu phổ biến nhất khi trẻ bị đuối nước là hồi sức tim phổi. Các bước cụ thể như sau:

- Đặt em bé xuống đất, đầu không được cao hơn ngực và nên được giữ trong tư thế nằm thẳng với thân người.

- Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay)

- Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.

- Sau khi em bé có thể nôn, cha mẹ nên mở miệng trẻ và làm sạch nhớt dãi trong miệng.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau khi phát hiện sự việc, bà nội lập tức xuất hiện và cầm theo một thanh gỗ để tách cháu trai ra khỏi lan can.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.D (T/h) ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN