Cá chình trốn thoát sau khi bị nuốt chửng
Những con cá chình chưa trưởng thành chui ngược qua đường tiêu hóa và thoát khỏi bụng kẻ thù từ thực quản hoặc mang, gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu.
Cá chình bò dọc cơ thể cá bống để chui ra ngoài. Video: Đại học Nagasaki
Nhiều loài có chiến thuật tự vệ để tránh bị động vật săn mồi ăn thịt nhưng một nghiên cứu công bố hôm 9/9 trên tạp chí Current Biology lần đầu tiên cung cấp bằng chứng video về cách cá chình Nhật (Anguilla japonica) chưa trưởng thành trốn thoát sau khi bị cá lớn nuốt chửng vào bụng. Với sự hỗ trợ của phương pháp quay video tia X, họ nhận thấy cá chình chui ngược ra ngoài, đầu tiên đâm chóp đuôi qua thực quản và mang trước khi thò hết đầu ra.
"Chúng tôi phát hiện chiến thuật tự vệ độc đáo của cá chình Nhật chưa trưởng thành bằng cách sử dụng hệ thống video tia X. Chúng trốn thoát từ bụng động vật săn mồi bằng cách di chuyển theo đường tiêu hóa tiến đến mang sau khi bị nuốt vào bụng. Đây là nghiên cứu đầu tiên quan sát mô hình hành vi và quá trình chạy trốn của con mồi bên trong đường tiêu hóa của động vật săn mồi", Yuuki Kawabata, nhà nghiên cứu ở Đại học Nagasaki, Nhật Bản, cho biết.
Trong nghiên cứu trước đó, nhóm chuyên gia gồm Kawabata và Yuha Hasegawa nhận thấy cá chình Nhật trốn thoát từ mang của động vật săn mồi sau khi bị bắt nhưng họ không biết chúng làm vậy bằng cách nào. Họ không biết lộ trình chạy trốn và mô hình hành vi của chúng do tất cả xảy ra bên trong cơ thể động vật săn mồi.
Đuôi của một con cá chình thò ra từ cơ thể cá bống. Ảnh: Đại học Nagasaki
Trong nghiên cứu mới, họ tìm ra phương pháp để quan sát bên trong bụng cá săn mồi là loài cá bống có tên khoa học Odontobutis obscura thông qua sử dụng thiết bị quay video tia X. Để dễ theo dõi cá chình sau khi bị nuốt chửng, họ phải tiêm chất tương phản vào cơ thể chúng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn mất một năm để quay lại video bằng chứng hé lộ quá trình chạy trốn.
Video của họ cho thấy tất cả 32 con cá chình đều bị cá ăn thịt nuốt chửng ít nhất một phần cơ thể. Sau khi bị nuốt chửng, 28 con tìm cách chạy trốn thông qua chui ngược qua đường tiêu hóa tiến tới thực quản và mang. Trong số đó, 13 con thò đuôi qua mang cá và 9 con trốn thoát thành công. Trung bình, cá chình mất khoảng 56 giây để tự trốn thoát qua mang của kẻ thù.
Nghiên cứu sâu hơn phát hiện cá chình không phải luôn dùng cùng một lộ trình chạy trốn qua mang. Một số con cũng lượn vòng quanh dọc dạ dày để tìm cách chui ra ngoài. Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp tia X có thể dùng để quan sát các hành vi giữa động vật ăn thịt và mồi săn khác. Trong tương lai, họ hy vọng có thể tìm hiểu nhiều hơn về những đặc điểm giúp cá chình trốn thoát thành công.
Đi kiểm tra lưới, người đánh cá đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện 2 con rắn trong lưới của mình.
Nguồn: [Link nguồn]