Bí ẩn về những loài cá "đen chưa từng thấy" dưới tầng sâu nhất của đại dương
Tại sao hầu hết những loài cá sống trong bóng tối mênh mông của đáy biển sâu có màu sắc siêu đen đến mức máy ảnh không thể chụp được? Các nhà nghiên cứu mới đây đã làm sáng tỏ bí mật đằng sau đặc điểm này.
Cá rồng đen Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters)
Theo các nhà nghiên cứu, những loài sinh vật như cá răng nanh, rồng đen Thái Bình Dương, cá vây chân hay cá biển đen đã tự biến đổi hình dạng, kích thước và những sắc tố trên da của chúng xuống đến mức chỉ có thể phản chiếu ít hơn 0,5% lượng ánh sáng chiếu vào chúng.
Phát hiện này dựa trên quá trình nghiên cứu 16 loài phù hợp với những đặc điểm kể trên. Chúng được phân thành 6 hạng mục, mỗi hạng mục là một nhóm lớn các loài có chung lịch sử tiến hóa, nhằm thể hiện rằng sự biến đổi này phát triển một cách độc lập giữa các loài với nhau.
Cá răng nanh siêu đen (Ảnh: Reuters)
"Trong một đại dương sâu thẳm và rộng mở, sẽ không có nơi nào để ẩn nấp và có rất nhiều kẻ săn mồi đói khát,” Nhà nghiên cứu động vật học Karen Osborn thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Viện Smithsonian ở thủ đô Washington D.C, Mỹ, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, “Nên lựa chọn duy nhất của những sinh vật này là hòa lẫn với khung cảnh xung quanh chúng."
Cá rồng đen Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters)
Rất ít ánh sáng Mặt Trời có thể xuyên qua độ sâu hơn 200 mét dưới bề mặt đại dương, trong khi một số loài sinh vật thường cư trú ở độ sâu tới 5.000 mét so với mặt biển. Ở độ sâu như vậy, phát quang sinh học – khả năng phát xạ ánh sáng của các sinh vật sống - là nguồn sáng duy nhất. Một số loài cá siêu đen có khả năng phát quang sinh học trên cơ thể chúng để dụ dỗ con mồi.
Da của những loài cá này là một trong những vật liệu đen nhất được biết đến. Chúng có khả năng hấp thụ ánh sáng tốt đến mức ngay cả dưới ánh sáng mạnh nhất, chúng nhìn bề ngoài như những cái bóng. Đó là những gì nhà nghiên cứu Karen Osborn phát hiện ra khi bà cố gắng chụp ảnh những loại cá này sau khi chúng được đưa lên trên mặt biển.
Cá rồng đen Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters)
"Các phân tử sắc tố trên da chúng có kích cỡ và hình dạng hoàn hảo để nghiền nát những nguồn sáng không thể hấp thụ," bà Osborn giải thích. “Các phân tử ấy được xếp thành từng lớp mỏng, nhưng gom lại thành mảng dày. Vậy nên thay vì phản xạ, chúng tán xạ ánh sáng ra thành nhiều lớp mỏng, như thể một dạng bẫy ánh sáng.
Cơ chế để tạo ra những sinh vật siêu đen mỏng và linh hoạt này có thể được sử dụng để tạo ra các vật liệu siêu đen cho ngành quang học công nghệ cao hoặc làm vật liệu ngụy trang cho các hoạt động vào ban đêm."
Nguồn: [Link nguồn]
Đoạn video ghi lại cảnh một con cầy Mangut lao vào tấn công rắn hổ mang chúa. Mặc dù sở hữu nọc độc cực mạnh, nhưng...