Bà lão 83 tuổi chiến đấu chống rồng Komodo

Bà lão phải đối mặt với con rồng ăn thịt hung dữ.

Một bà lão 83 tuổi người Indonesia đã phải đối mặt với "cuộc chiến sống còn" khi bị một con rồng Komodo vồ lấy và cắn sâu vào người.

AFP ngày 11.4 dẫn lời bà Haisah cho biết, khi bà đang ngồi bện một cây chổi bằng dừa bên ngoài căn nhà của mình trên đảo Rinca, một nơi thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng loài thằn lằn nổi tiếng này, thì một con rồng Komodo dài 2 mét từ từ bò tới.

"Con rồng Komodo bất ngờ cắn vào tay phải của tôi", bà Haisah nói với AFP khi đang nằm trên giường bệnh nơi bà được cấp cứu sau cuộc tấn công. "Tôi không biết nó bò đến từ hướng nào", bà Haisah nói.

Bà lão 83 tuổi chiến đấu chống rồng Komodo - 1

Rồng Komodo trên đảo Rinca - Ảnh: AFP

"Con dao rơi khỏi tay phải của tôi và răng con rồng Komodo cắn ngập sâu vào cổ tay tôi. Lúc đó không có ai ở gần và tôi biết là mình phải đối mặt với một cuộc chiến sống còn", bà Haisah kể lại.

Cố sức đẩy lùi cuộc tấn công của con vật, bà Haisah cho biết đã dùng hết sức bình sinh để tung ra một cú đá mạnh vào chân trước của con rồng Komodo. Và chỉ nhờ một "cước thần kỳ" này mà con rồng hả miệng khỏi tay bà Haisah. Liền lúc ấy, bà lão hét lên kêu cứu và được mọi người chạy đến giúp sức.

Con trai của bà Haisah nói với AFP rằng, cuộc tấn công xảy ra hôm 9.4 và bà Haisah phải may đến 35 mũi tại bệnh viện ở thị trấn Labuan Bajo gần đó.

Gần đây rồng Komodo liên tục tấn công người. Vào tháng 2 qua, một con rồng Komodo đã vồ hướng dẫn viên du lịch trên đảo Rinca. Trước đó, cũng trong tháng 2, hai nhân viên của Vườn Quốc gia Komodo đã phải nhập viện trong tình trạng bị thương nghiêm trọng vì rồng Komodo tấn công.

Được biết, rồng Komodo thường có chiến lược săn mồi là "cắn và chờ", tức là đợi các vi khuẩn độc hại có trong nước bọt của nó hạ gục con mồi rồi ăn thịt. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hàm của chúng có các tuyến chất độc có thể gây tê liệt, co giật và sốc do xuất huyết.

Loài thằn lằn lớn nhất thế giới này có thể dài đến ba mét và nặng tới 70 kg khi trưởng thành. Nó thuộc loài dễ bị tuyệt chủng với số lượng cá thể còn lại chỉ vài ngàn con.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Dũng (Thanh Niên)
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN