Ẩn số về hòn đảo “quên chết”

Câu chuyện của cụ ông 60 tuổi trên hòn đảo "quên chết" như một chuyện cổ tích đời thực.

Một ngày năm 1976, ông Stamatis Moraitis, 60 tuổi, ở Boynton Beach, Florida, Mỹ cảm thấy hụt hơi khi leo cầu thang. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ kết luận ông bị ung thư phổi. Còn 9 tháng để sống như khuyến cáo của bác sỹ, ông đã chọn trở về quê hương Hy Lạp. Lạ kỳ thay, 1 tháng, 6 tháng rồi… 35 năm đã qua, hiện giờ ông vẫn sống. Tất cả bắt nguồn từ hòn đảo có tên Ikaria.

Ẩn số về hòn đảo “quên chết” - 1

Cụ Stamatis Moraitis bên vườn nho tại đảo Ikaria

Như chuyện cổ tích

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nan y, ông Stamatis Moraitis đã định ở lại Mỹ điều trị ung thư, cũng để được gần con cái. Tuy nhiên, ông quyết định trở về Ikaria, nơi ông có thể được chôn cất cùng tổ tiên trong một nghĩa trang nằm dưới tán cây sồi nhìn ra biển Aegean. Vả lại, một đám tang ở Mỹ sẽ mất hàng nghìn USD, trong khi ở Ikaria chỉ có 200 USD, số dư đủ một khoản tiết kiệm hưu trí nho nhỏ cho vợ ông, bà Elpiniki.

Ông Moraitis và bà Elpiniki cùng cha mẹ già sống chung trong một ngôi nhà nhỏ sơn màu trắng cạnh khu vườn nho rộng 2 mẫu gần Evdilos, phía bắc Ikaria. Ông được mẹ và vợ chăm sóc. Bạn bè thời thơ ấu thấy ông trở về đều đến thăm ông mỗi buổi chiều và nói chuyện hàng giờ. “Mình có thể chết trong hạnh phúc”, ông nghĩ.

Nhưng thời gian sau, ông cảm thấy khỏe hơn. Một hôm, ông vào vườn trồng rau, không hy vọng sống đến ngày thu hoạch nhưng ông rất thích được tắm trong ánh nắng mặt trời, hít thở không khí biển. 6 tháng trôi qua, Moraitis không chết. Ông đã thu hoạch rau, được đà trồng thêm nho. Sáng dậy, ông vào vườn nho làm việc cho đến giữa trưa, tự ăn trưa, sau đó ngủ giấc dài. Đến tối, ông thường đi bộ đến quán rượu rồi chơi cờ domino quá nửa đêm. Năm tháng trôi qua, sức khỏe cho phép, ông làm thêm một vài phòng để họ hàng tới thăm. Rồi cũng đến ngày vườn nho sản xuất được 400 lít rượu vang một năm. Và hôm nay, 35 năm trôi qua, ông thọ 97 tuổi theo giấy tờ, thực tế ông nói là mình đã 102 tuổi. Căn bệnh ung thư cũng không còn, trong khi ông chưa từng đi hóa trị hay uống bất kỳ loại thuốc nào.

Ikaria là hòn đảo nhỏ của Hy Lạp, rộng 99 dặm vuông với gần 10.000 cư dân, nằm cách ngoài khơi bờ biển phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ chừng 30 dặm. Người Ikaria thọ 100 tuổi là rất… bình thường và trước khi ngã gục về bệnh ung thư hay tim mạch, họ cũng sống được thêm ít nhất 8-10 năm. Theo một thống kê, cộng đồng Raches trên đảo năm 1999 có khoảng 164 cụ trên 90 tuổi, đến nay 75 người đang còn sống.

Ẩn số về hòn đảo “quên chết” - 2

Một góc đảo Ikaria của Hy Lạp

Vẫn là ẩn số

Tuổi thọ của người dân trên đảo Ikaria vẫn là một ẩn số bởi chỉ cách đó chừng 15km, người dân trên đảo Samos cùng ăn cá biển, sữa chua, uống rượu, hít thở không khí như người Ikaria nhưng đó là một thế giới khác hẳn và dân số Samos có tuổi thọ trung bình như bao nơi khác ở Hy Lạp. Hỏi người già ở Ikaria làm sao để sống thọ tới hơn 90 tuổi, họ thường nói về không khí trong lành và rượu vang. Cũng có người nhún vai: “Chúng tôi chỉ quên đi cái chết”, nói cách khác là họ không có ý niệm là đã quá già.

Hãy thử tìm hiểu một ngày bình thường của một cặp vợ chồng với cuộc hôn nhân hơn 75 năm - ông bà Thanasis và Eirini Karimalis. Họ kết hôn năm 20 tuổi và có 5 người con, đến nay vẫn minh mẫn. Ông bà ngủ “đẫy mắt” mới dậy, làm vườn, ăn trưa muộn, chợp mắt một chút. Khi hoàng hôn, họ sang nhà láng giềng hoặc hàng xóm đến thăm họ. Chế độ ăn uống của họ cũng điển hình: Bữa sáng thường có cà phê, mật ong và bánh mì; Bữa trưa có đậu, khoai tây, rau xanh trồng trong vườn; Bữa ăn tối là bánh mì và sữa dê; Dịp lễ tết hoặc đặc biệt mới giết mổ lợn của gia đình.

Thực đơn đơn giản như vậy nhưng chế độ ăn uống của người Ikaria thực sự góp phần tăng tuổi thọ: Thịt và sữa có hàm lượng chất béo thấp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim; Dầu ô liu tăng cholesterol tốt; Sữa dê chứa serotonin-tryptophan thúc đẩy tiêu hóa cho người cao tuổi; Rượu vang uống một lượng vừa phải tăng khả năng hấp thu các chất flavonoid, một loại chất chống oxy hóa; Bột bánh mì thực sự có thể giảm lượng đường huyết. Một yếu tố quan trọng khác là người dân trên đảo này chủ yếu ăn rau xanh từ vườn hay cánh đồng nên thuốc trừ sâu ít hơn, chất lượng dinh dưỡng cao hơn. Họ còn hay uống loại “trà núi” được làm từ các loại thảo mộc khô đặc hữu trên đảo mà qua phân tích, đó chính là dược liệu tự nhiên, có chứa polyphenol với đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ và việc uống trà hàng tối tương đương với dùng thuốc lợi tiểu giúp kiểm soát huyết áp.

Ngoài chế độ ăn, nếp ngủ và đời sống tình dục của người dân nơi đây cũng là điều đáng nói. “Mọi người ở đây dậy muộn và luôn chợp mắt buổi trưa. Tôi thậm chí không mở phòng khám trước 11h vì giờ đó không bệnh nhân nào đến cả”, ông Ilias Leriadis, một trong số ít bác sỹ ở Ikaria nói. Trong một bài báo năm 2008, nghiên cứu của trường Y Đại học Athens và trường Y tế công cộng Harvard nhận thấy rằng, thỉnh thoảng ngủ trưa có liên quan với việc giảm 12% nguy cơ bệnh tim mạch vành, nhưng nếu ngủ trưa ít nhất 3 buổi mỗi tuần, tỷ lệ này sẽ giảm tới 37%. Đặc biệt, qua điều tra sơ bộ, 80% đàn ông trên đảo Ikaria tuổi 65 - 100 khẳng định, họ vẫn quan hệ tình dục thường xuyên và đều đạt “chất lượng”.

Trở lại với gia đình ông Stamatis Moraitis, bà Elpiniki, vợ ông qua đời hồi đầu năm 2012 ở tuổi 85 và hiện giờ ông sống một mình. Trước thắc mắc về bệnh ung thư phổi tự dưng biến mất, ông Stamatis kể, khoảng 25 năm sau khi rời nước Mỹ, ông có quay lại một lần để xem liệu các bác sĩ có giải thích gì cho ông về căn bệnh hay không. Chỉ có điều, cả 9 bác sỹ có chung chẩn đoán ngày ấy đều đã chết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi (An Ninh Thủ Đô)
Chuyện lạ có thật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN