5 loài khỉ kì lạ nhất thế giới
Tất cả các bộ phận trên cơ thể của những chú khỉ này đều đặc biệt.
Khỉ núi Himalaya
Tên khoa học của loài khỉ này là Rhinopithecus strykeri và chúng gần như bí ẩn trước khi con người có thể chinh phục được đỉnh Himalaya. Trước đó, những hình ảnh về khỉ núi Himalaya bị người ta gán cho cái mác "người rừng" bởi khuôn mặt có phần kì dị của chúng.
Khỉ núi Himalaya còn được gọi là "sneezing monkey", tức là khỉ hắt hơi
Chúng có lông màu đen và bộ râu trắng, cổ lùn và mũi hếch. Với chiếc mũi gần như ngửa hoàn toàn lên phía trên khiến chúng luôn bị hắt hơi khi trời mưa. Để tránh hít phải nước, những con khỉ thường ngồi lại với nhau, đầu cúi xuống giữa hai đầu gối.
Khỉ vòi
Khỉ vòi hay khỉ mũi vòi có tên khoa học là Nasalis Iarvatus, là một loài khỉ đặc hữu của các hòn đảo tại Đông Nam Á. Điều khiến người ta chú ý nhất ở chúng có lẽ là chiếc mũi vừa to, vừa dài đặc biệt của các con đực. Với những con trưởng thành, chiếc mũi có thể dài lên tới 18cm, đây cũng là điểm thu hút bạn tình vào mùa sinh sản. Chiếc mũi dài là niềm mơ ước của không ít khỉ cái.
Khỉ mũi vòi sống chủ yếu tại Indonexia
Nhờ sở hữu chiếc mũi "khủng" mà khỉ vòi có thể phát ra tiếng hú vang xa hàng chục km. Chúng có thể chứa được nhiều thức ăn trong chiếc bụng phệ đặc trưng, biết "nhai lại" thức ăn y như một số loài móng guốc. Công đoạn được tiến hành bằng cách chúng hóp bụng lại, nôn ra miệng và sau đó nhấm nháp lại thức ăn.
Khỉ mặt chó mandrill
Đây là một loài khỉ đặc biệt. Không có loài khỉ nào trên thế giới được sở hữu màu da sặc sỡ trên khuôn mặt giống như loài khỉ mandrill. Người ta từng xếp chúng cùng với chi Khỉ đầu chó, song bây giờ chúng có họ chi riêng. Màu lông của khi mandrill không có gì đặc biệt, trừ phần mặt và khu vực "vòng ba" vô cùng sặc sỡ và đó cũng chính là 2 điểm thu hút con cái trong mùa sinh sản.
1 con khỉ mandrill có da mặt và "vòng ba" nhiều màu sắc tại vườn thú San Francisco (Mỹ)
Khỉ mặt chó mandrill sống chủ yếu trong các khu rừng mưa nhiệt đới, có thể đạt cân nặng tới 35kg và khá hung dữ. Tuy vậy, chúng là loài sống bầy đàn với số lượng lớn, trung bình mỗi đàn có khoảng hơn 300 cá thể.
Khỉ lùn
Tên gọi của chúng đúng hoàn toàn so với vẻ bề ngoài khi kích thước của một con khỉ lùn trưởng thành chỉ tương đương 1 ngón tay. Chiều dài cơ thể trung bình từ 12cm đến 15 cm và khối lượng chỉ khoảng từ 120g đến 140g, tức là nhẹ hơn cả một quả lê. Chúng thường sống tại vùng rừng rậm nhiệt đới ở Brazil, ở thành bầy đàn theo quan hệ gia đình từ 2 đến 6 cá thể.
Khỉ lùn nếu được sống trong điều kiện chăm sóc tốt, có thể đạt tuổi thọ 20 năm
Khỉ mặt đỏ
Với bề ngoài giống một người đàn ông hói đầu và mặt đỏ lên vì rượu, khỉ mặt đỏ hay khỉ Uakari khiến người xem không khỏi bật cười. Bộ lông của chúng thường có màu nâu, màu da cam, dài và rậm.
Vẻ mặt của 1 con khỉ Uakari
Màu đỏ trên da mặt của chúng cũng là một thước đo sức khỏe. Càng yêu hay đang ốm, da mặt của chúng sẽ càng nhợt nhạt đi. Khi Uakari sống chủ yếu ở lưu vực sông Amazon và sống thành bầy khoảng 10 cá thể