4 tuổi đã "xuất khẩu thành thơ"
Không những được coi là "thần đồng" Phật giáo, Thùy Trang còn sớm bộc lộ khả năng thơ phú từ khi chỉ mới hơn 3 tuổi.
Ngay từ lúc chào đời, bé Nguyễn Thị Thùy Trang (hiện 13 tuổi, ấp An Ninh, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã có những dấu hiệu rất khác thường. Không lâu sau khi chào đời, bé bị bệnh xương thủy tinh khiến cơ thể phát triển bất thường, chân tay teo tóp. Tuy ốm đau bệnh tật quanh năm, còi cọc so với chúng bạn nhưng đổi lại, cô bé sớm bộc lộ trí thông minh và sự am tường Phật pháp đến kỳ lạ.
Ngay từ nhỏ Thùy Trang đã có lối nói chuyện rất logic và am hiểu Phật giáo.
Danh tiếng của Thùy Trang vang xa đến nỗi, Phật tử khắp miền Tây tìm đến diện kiến và thử tài, nhiều tịnh thất, chùa chiền ở các tỉnh đã mời cô bé thần đồng này đi thuyết giảng về Phật đạo.
Không những được coi là "thần đồng" Phật giáo, Thùy Trang còn nổi tiếng như một hiện tượng thơ ca kỳ lạ. Khả năng thơ ca của bé cũng bí ẩn không kém khả năng am hiểu Phật giáo "từ trời rơi xuống" của mình.
Trong thời gian chưa đầy một năm (từ 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi rưỡi), hàng trăm bài thơ do chính cô bé sáng tác đã được người thân ghi lại, mặc dù khi ấy Trang nói chưa tròn tiếng và chưa từng học chữ. Bà Nguyễn Thị Hai Xuân (60 tuổi), là người cưu mang và chăm sóc bé Thùy Trang từ nhỏ. Bà cũng là người đầu tiên phát hiện ra khả năng thơ ca khi bé chỉ vừa hơn 3 tuổi. Bà cam đoan rằng, việc bé biết làm thơ là hoàn toàn có thực.
Không những thế, bé làm rất hay, mỗi đoạn, mỗi câu hay từ ngữ đều được vận dụng với những ẩn ý sâu xa như một người làm thơ chuyện nghiệp. Để chứng minh lời mình vừa nói, bà Xuân vào nhà lấy một xấp giấy nhỏ đóng thành tập, chữ đánh máy mang tên "Những bài thơ của Búp bê Thùy Trang viết tặng đồng đạo".
Bà Hai Xuân kể: "Tôi còn nhớ rất rõ, bài thơ đầu tiên Thùy Trang làm khi bé hơn 3 tuổi. Lần đó, tôi dẫn bé đi chơi trong xóm thì tình cờ gặp cảnh đứa con quấy khóc, khiến người mẹ phiền lòng. Nhìn thấy cảnh đó, Thùy Trang bất ngờ đọc liền hai câu thơ: "Vui làm tuổi thọ càng tăng/ Buồn làm tuổi thọ ngày càng giảm đi". Nghe xong, tôi như thể không tin nổi vào tai mình. Tôi quay sang ghé tai hỏi lại, bé bảo đó là thơ nội dung nói về chuyện người con làm mẹ phiền lòng, với dụng ý là khuyên răn con cái sống có hiếu với cha mẹ, không được làm những bậc sinh thành phải buồn. Tôi vội nhớ lại rồi về nhà lấy giấy bút ghi lại và từ đó mới biết bé có khả năng làm thơ".
Đề tài thơ của Thùy Trang rất bình dị, đó là những gì trực quan mà bé nghe thấy, nhìn thấy thường ngày khi đi dạo trong thôn ấp cùng bà ngoại nuôi. Thơ của bé chỉ dành cho người thân trong gia đình, họ hàng và phật tử ở các chùa mà em đã tiếp xúc, nội dung rất trong sáng, ngộ nghĩnh.
Tập thơ của "thi sĩ" nhí Thùy Trang.
Nói về khả năng thơ của mình, Thùy Trang cho biết, việc bản thân biết làm thơ khi mới hơn 3 tuổi là hoàn toàn tự nhiên, không hề học hỏi ai. Bà Hai Xuân cũng chia sẻ hầu hết những bài thơ của Thùy Trang ra đời trong những hoàn cảnh "tức cảnh sinh tình". Có nghĩa gặp sự vật, hiện tượng gì, thì bé làm thơ chứ không phải ngồi một mình trong nhà để sáng tạo ra.
"Cháu làm thơ hoàn toàn tự nhiên, từ xúc cảm chứ không phải sự chiêm nghiệm bằng vốn sống. Lúc đó, cháu cũng không có khái niệm về thơ, cũng đâu hiểu thơ ca là gì, không được đi đâu xa để gặp gỡ giao lưu ngoài việc bà ngoại hàng ngày bồng bế quanh xóm. Với lại, cháu chưa từng biết chữ", Thùy Trang cười nói. Những bài thơ của "thi sĩ" 4 tuổi Nguyễn Thị Thùy Trang đều có phối âm và gieo vần điệu rất tự nhiên. Có khi, những bài thơ của Trang nhắc nhở con người xa lánh cái sai ở đời, buông bỏ tham, sân, si, lúc lại khuyên ai đó sống phải tốt đời đẹp đạo, có ích cho xã hội.
Không được đến trường, nhưng bé Thùy Trang đã mày mò học hỏi rất nhiều để tự trang bị kiến thức cho mình. Những gì đã học qua một lần, cô bé nhớ như "găm" vào đầu và thực hành rất thành thạo. Trong câu chuyện, Thùy Trang luôn thể hiện lối nói chuyện rất… "cụ non", hiểu rộng, tư duy logic, mạch lạc nhưng rất khiêm nhường lễ phép.
"Nhiều người bảo cháu là thần đồng nhưng cháu không nhận. Thần đồng là những người giỏi, trong khi cháu là người rất bình thường chỉ biết và hiểu một số vấn đề giới hạn mà thôi. Ước mơ của cháu là được học cao hơn nữa để mai này dùng khả năng của mình làm những việc có ích cho xã hội", bé Thùy Trang nói.
Theo như bà Hai Xuân kể, từ khi phát hiện ra Thùy Trang có khả năng làm thơ, đi đâu bà cũng dắt một chiếc bút và cuốn sổ nhỏ để ghi lại. "Tôi thì không biết gì về thơ phú để mà thêm thắt chỉnh sửa. Khi tôi mang cho những người khác đọc, ai cũng thán phục nhận xét rằng cách dùng từ và phối âm của bé trong thơ rất vô tư tự nhiên mà vẫn đạt độ chuyên nghiệp, hàm chứa nhiều ý nghĩa".
Thông thường, một người làm thơ, ngoài năng khiếu thiên bẩm, còn phải có vốn sống phong phú, đọc nhiều hiểu rộng. Nhưng với cô bé tật nguyền chưa đầy 4 tuổi, thì những "điều kiện" trên gần như không thể thực hiện. Bởi sự đặc biệt như vậy, mà chuyện Thùy Trang sáng tác cả trăm bài thơ khi mới tập tọe nói cười càng nức tiếng vang xa. Nhiều người nghe chuyện không tin, đến tận nơi tìm hiểu, ra đề tài, cô bé thần đồng đều "ứng khẩu" ngay được.
Bà Hai Xuân kể rằng, một hôm có người đàn ông tướng đạo rất đẹp đi ngang nhà, thấy vậy Thùy Trang ngẫu hứng làm 2 câu thơ: "Đẹp tâm, đẹp nết, đẹp người/ Đẹp trong duyên dáng cho người soi gương". Người đàn ông này vô cùng ngạc nhiên, khi hỏi lại thì Thùy Trang phân tích bảo rằng, ý nói về người tu phải đẹp từ tâm đến hình thức thì mới viên mãn.
Một nét chung của tiếng thơ "thần đồng" Thùy Trang là cách dùng ngôn từ Phật giáo với những khái niệm rất uyên thâm, có những từ khi nói đến thì giới tu hành mới hiểu. Có những bài bé làm chỉ 2 câu, có bài làm đến hàng chục câu liền mạch, tất cả đều khởi phát từ cảm nhận tự nhiên. Ở bất cứ đâu, thấy cái gì, Thùy Trang cũng có thể "xuất khẩu thành thơ", không những làm nhiều mà làm rất hay, khiến người lớn phải thán phục.
Thế nhưng, một điều mà ngay chính bé Thùy Trang không giải thích được là khả năng thơ phú của mình "tạm ngưng" cũng khó hiểu như lúc bắt đầu. Sau khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn một năm (từ 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi rưỡi), bé không làm thơ nữa cho đến bây giờ. Bà Hai Xuân là người chăm chút từng ngày, theo dõi sự phát triển của bé cũng không khỏi bất ngờ: "Cả năm bé làm thơ liên tục, ngày nào bế bồng Thùy Trang ra xóm chơi, tối về chắc chắn sẽ có bài thơ. Thế nhưng khi Trang lên 4 tuổi rưỡi thì đột nhiên ngừng hẳn, không làm bài thơ nào nữa. Tôi cũng thử bồng Trang đến những chỗ mà ngày trước từng nảy sinh tứ thơ, nhưng bé tuyệt đối không làm".
Từ chuyện thông hiểu Phật pháp đến khả năng thơ phú kỳ lạ, Thùy Trang được xem như một "thần đồng" và hiện tượng lạ ở miền Tây, người người mến mộ. Cô bé bảo: "Có lẽ một ngày nào đó, em sẽ làm thơ trở lại. Hy vọng là như thế".