Vertigo: Ly kỳ thân phận con người
Tháng 8/2012, tạp chí Sigth end Sound thuộc Viện Điện ảnh Vương quốc Anh đã bình chọn bộ phim Vertigo (Chứng sợ độ cao) của đạo diễn Alfred Hichtcock là bộ phim hay nhất mọi thời đại.
Trước đây, trong nhiều cuộc bình chọn ở nhiều quốc gia, danh hiệu số 1 thường thuộc về phim Citizen Kane của đạo diễn Mỹ Orson Welles. Song lần này, kết quả đổi khác. Vậy bộ phim Vertigo có gì đặc biệt?
Đạo diễn Alfred Hichtcock đã mất cách đây hơn 30 năm, nhưng những bộ phim của ông với rất nhiều sự đổi mới về kỹ thuật (trong đó có kỹ thuật sử dụng những khoảng lặng, sử dụng âm thanh, màu sắc, đặc biệt là việc sử dụng không gian ba chiều) đến giờ vẫn hấp dẫn người xem và là đề tài nghiên cứu không bao giờ cạn cho các nhà phê bình điện ảnh kỹ tính nhất. Ông có một câu nói nổi tiếng nhưng thường bị dư luận trích dẫn nhầm là: các diễn viên nên được đối xử như gia súc chứ không phải diễn viên giống như gia súc.
Bằng chứng cho thấy rất nhiều diễn viên Hollywood đã diễn xuất rất tốt dưới sự điều khiển của ông như Cary Grant, Ingrid Bergman, Anthony Perkins, Sean Connery và đặc biệt là James Stewart. Tất cả những diễn viên đó đã tìm được một độ sâu và một giọng điệu mà họ chưa bao giờ có được khi đóng cho các đạo diễn khác.
Ba nhân vật chính trong phim Vertigo
Không những giỏi về khả năng chỉ đạo diễn viên, ông còn rất mạnh trong việc chỉ đạo kỹ thuật. Tất cả các máy quay và các đoạn cắt cảnh đều được đặt đúng lúc, đúng chỗ. Ông mất năm 1980, nhưng trước khi chết, ông đã đùa rằng ông muốn khắc trên bia mộ mình dòng chữ: “Điều này sẽ xảy ra đối với các cậu bé hư”.
Nhà phê bình phim Ian Freer bình luận, đó là tấm văn bia chỉ thích hợp cho những người đã cả đời hoang phí thời gian trong những cuộc chè chén hoang lạc. Nhưng có lẽ, những gì ông đã có được trong suốt cuộc đời mình cũng giống như vậy. Đó là bài ca về những điều tội lỗi, như ông thường nói: “Tôi sống trong những cốt truyện”. Và thật may mắn cho chúng ta là ông đã cho chúng ta cùng sống trong những cốt truyện đó.
Cốt truyện phim Vertigo thật ly kỳ. Bộ phim kể về một viên cảnh sát tên là John Scottie Fegurson (James Steward) trong một lần cùng đồng nghiệp đuổi bắt tội phạm trên mái nhà cao tầng nhưng đồng nghiệp bị tuột tay rơi xuống đất. Anh ta không cứu được bạn nên từ đó mắc chứng bệnh sợ độ cao (acrophobia) và phải bỏ nghề cảnh sát.
Nhưng sau đó anh được một người bạn cũ là Gavin Elster nhờ làm thám tử để theo dõi vợ ông ta là Madelene (Kim Novac). Người đàn bà này bị chứng mất ngủ thường bỏ đi lang thang. Nhưng sau một thời gian, Scottie và Madelene yêu nhau. Tình yêu của họ đang đến kỳ đằm thắm thì Madelene quyết định tự tử khi leo lên tháp chuông nhà thờ nhảy xuống mà Scottie không kịp ngăn cản. Chứng bệnh của Scottie thêm trầm trọng. Bỗng Judy (Madelene giả) xuất hiện.
Judy chính là người được Gavin thuê đóng giả Madelene. Song thám tử Scottie vẫn không biết điều này. Judy hồi tưởng lại cảnh Gavin giết vợ cũng xảy ra chính trên tòa tháp. Judy phân thân. Cô vừa muốn che giấu tội ác đồng lõa giết người của mình vừa mong muốn tình yêu với Scottie. Kế hoạch giết người của Gavin và Judy sẽ thành công nếu Judy không yêu Scottie. Chỉ đến cuối phim, khi Scottie phát hiện ra chiếc dây chuyền đeo trên cổ Judy thì ông đã hiểu vấn đề, rằng mình chỉ là một kẻ được thuê để “làm chứng” một vụ giết người hoàn hảo.
Và Judy có lẽ cũng sám hối về tội lỗi của mình, sám hối về tình yêu với Scottie, cuối cùng, đã nhảy từ trên ngọn tháp tự tử. Scottie chạy tới nhưng không kịp. Tuy thoát khỏi chứng sợ độ cao nhưng anh cám cảnh cho thân phận mình và thân phận Judy cũng như Madelene.
Cảnh sát Scootie (James Steward thủ vai) bên cạnh người đẹp tóc vàng
Bộ phim này được hai nhà biên kịch là Pierre Boileau và Thomas Narcejac chuyển thể từ tiểu thuyết The Living and the Deal của hai nhà văn Alex Coppel và Samuel Taylor. Ngay từ đầu phim, đạo diễn đã dàn dựng cảnh đuổi bắt vô cùng gay cấn. Hai viên cảnh sát chạy đuổi bắt tội phạm trên cao. Scottie bị trượt chân rơi khỏi mái nhà, tay bám lơ lửng vào ống máng. Gương mặt anh ta đầy kinh sợ. Người bạn phía trên đưa tay ra cho Scottie bám vào nhưng chính anh ta lại bị rơi từ trên mái xuống. Scottie rùng mình nhìn theo. Góc máy quay theo cái nhìn kinh sợ của Scottie tạo nên khung cảnh kinh hoàng.
Cách bắt đầu phim của Hichcock luôn ấn tượng. Những góc quay ấn tượng còn được đạo diễn sử dụng nhiều khi xoáy sâu vào những độ cao chót vót của tòa tháp, những uốn khúc bí hiểm của những đường cong, những độ sâu hun hút của cầu thang... khiến người xem như bị lôi vào một ma trận của những hình ảnh vừa quen nhưng đầy lạ lẫm.
Những cảnh quay ấn tượng của đạo diễn thiên tài Alfred Hichcock
Là một thiên tài điện ảnh, nhưng Hichtcock đã tiếp thu những tinh hoa của nhiều đồng nghiệp. Ông học được nhiều thủ pháp dàn dựng của nhà làm phim kinh dị người Nga Val Lewton. Ông cũng tiếp thu cách dàn dựng của nhà làm phim theo chủ nghĩa siêu thực người Tây Ban Nha Luis Bunuen và đặc biệt là đạo diễn người Đức theo chủ nghĩa biểu hiện là Fritz Lang.
Nhân vật Scottie và Madelene thường có cái nhìn không bình thường về mọi cảnh vật xung quanh nên đạo diễn đã miêu tả không gian theo cái nhìn của họ. Cách làm này mang đến cho người xem nhiều cảnh rất thú vị. Các nhân vật đó vì đều mắc những di chứng về thần kinh nên tâm lý thay đổi đột ngột. Điều này cũng làm cho người xem luôn được bàn tay phù thủy của Hichtcock đưa đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Cách kể chuyện cũng hết sức phong phú. Nửa đầu bộ phim khán giả theo dõi câu chuyện của Scottie. Nửa sau bộ phim khán giả lại được xem Judy (Madelene giả) kể chuyện (nhưng Scottie không biết bí mật này). Người xem vô cùng hồi hộp khi được theo dõi những bí ẩn riêng tư trong đời sống nội tâm phức tạp của từng nhân vật. Scottie nhiệt tình giúp bạn mà không biết mình bị lừa. Judy vì tham lam mà trở thành đồng phạm. Và Gavin vẫn lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống.
Cùng tham gia với Hichtcock những nhà biên kịch tài ba, những nhà soạn nhạc thấu hiểu nhân vật, những nhà quay phim như những nghệ sỹ tạo hình, những nhà dựng phim luôn cùng nhịp đập với đạo diễn, những nhà thiết kế hình ảnh lão luyện. Vì vậy, có nhà phê bình nhận xét, dẫu xóa tên Hichtcock khỏi màn ảnh thì những bộ phim của ông vẫn rất dễ nhận ra.
Vertigo khi công chiếu lần đầu vào năm 1959, khán giả và các nhà phê bình chưa thấy hay. Nhưng khi chiếu lại vào năm 1980, nó lại gây nên cơn sốt trên thế giới. Dường như cho đến lúc đó, người xem, với những trải nghiệm nhiều hơn, mới cảm nhận được những điều ông kể dù vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình. Và sự thật là, càng tranh cãi, người ta càng thấy thế giới nghệ thuật của Hichtcock là những vẻ đẹp vô tận. |