Les Misérables: Sự khốn khổ lãng mạn
Được chuyển thể từ tác phẩm nhạc kịch dựa trên nguyên tác văn học của nhà văn Victor Hugo, bộ phim Những Người Khốn Khổ (ra mắt tại Việt Nam từ ngày 11/1) đưa khán giả trở lại nước Pháp thế kỷ 18 với những thân phận bần hàn bị hắt hủi bởi chế độ xã hội.
Bi luỵ nhưng hùng tráng, lãng mạn nhưng đanh thép, bộ phim ngập tràn nỗi xúc động chan chứa tình người và niềm tin vào tương lai.
Tác phẩm gốc bao gồm nhiều câu chuyện về các nhân vật với những mảnh đời khác nhau và sợi dây nối chính là nhân vật Jean Valjean. Được trả tự do sau 19 năm ngồi tù vì ăn cắp một ổ bánh mỳ, Jean Valjean vẫn không thể xoá đi thân phận cũ của mình và bị chối từ ở mọi nơi. Anh may mắn được giám mục lương thiện Myriel giúp đỡ để có một số tiền lớn và một nhân cách tốt hơn. Anh đến một thành phố khác, và bắt đầu một cuộc đời mới.
Nhiều hình ảnh của phim khiến khán giả ấn tượng mạnh
Do vô tình, Jean đã khiến Fantine, một cô gái làm ở xưởng của ông, rơi vào cảnh khốn khó. Để chuộc lại lỗi lầm, Jean đã quyết định nuôi nấng cô con gái nhỏ của Fantine tên là Cossette nên người. Nhưng trong cả quãng đời của ông sau này, anh liên tục phải đối mặt với Javert, viên thanh tra hết mình vì lý tưởng thực thi luật pháp mà không màng tới lòng tốt con người. Không chỉ thế, cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống lại chế độ xã hội nổ ra đã cuốn theo mọi thân phận khốn khổ ấy vào.
Với một tác phẩm quá đồ sộ, quá nhiều nhân vật và các lớp ý nghĩa đã quá dày dặn, một đạo diễn cần phải biết cách tiết chế sao cho phù hợp với phiên bản điện ảnh. Có những chất liệu có sẵn của sân khấu kịch (các bài hát), cùng cái nền tảng tiểu thuyết có ý nghĩa toàn cầu của Victor Hugo, công việc tái hiện Những Người Khốn Khổ xem chừng đơn giản hơn nhiều so với nhiều phim chuyển thể khác. Tuy nhiên, đó có thể là việc “đơn giản”, nhưng không hề “dễ dàng” đạt được nếu rơi vào tay một đạo diễn làng nhàng.
Những hỷ - nộ - ái - ố thể hiện sâu sắc qua diễn xuất của diễn viên
Tương tự như tác phẩm gốc hay phiên bản nhạc kịch, bộ phim của đạo diễn đoạt giải Oscar Tom Hooper có tầm bao quát xã hội sâu sắc, mô tả những xung đột mạnh mẽ giữa Thiện - Ác trong tâm hồn con người, giữa luật pháp và tình người trong cuộc sống. Hai nhân vật Jean Valjean và Javert được lý tưởng hóa hoàn toàn để họ sống đến tận cùng cái Thiện và Ác, khiến họ luôn giao tranh với nhau trong suốt chiều dài tác phẩm. Đây cũng là sự đối chọi giữa niềm tin vào lòng tốt con người và luật pháp, giữa lòng vị tha và kỷ luật, phản ánh rất rõ trong tác phẩm gốc.
Tom Hooper đã tận dụng tối đa sức mạnh của vở nhạc kịch bằng việc để các diễn viên hát trực tiếp trên bối cảnh quay - điều chưa từng có trong các bộ phim ở thể loại này. Kết hợp cùng việc áp máy quay cận mặt nhân vật trong một vài phân cảnh cần thể hiện nội tâm sâu sắc, tất cả khiến khán giả có cảm giác như đang chứng kiến một con người thực thụ đang đứng trên sân khấu và thổ lộ tâm tư mình. Khoảng cách giữa thế giới thực của khán giả với không gian trên màn ảnh vì thế mà được kéo lại gần nhau hơn, giúp các khán giả dễ dàng cảm thông với các nhân vật trong phim hơn.
Anne Hathaway được đánh giá cao về diễn xuất và giọng hát trong phim
Tuy vậy, Tom Hooper cũng chứng tỏ mình không lười nhác khi dựa dẫm quá nhiều vào vở nhạc kịch và cuốn tiểu thuyết khi tự sáng tác ra những cách tiếp cận riêng theo tư duy điện ảnh của ông. Ông phân chia các cảnh tình cảm, ca hát và đấu tranh với nhau riêng rẽ, giữ cân bằng chắc chắn để điều hoà cảm xúc khán giả một cách dễ chịu, bất chấp thời lượng phim khá dài. Ngoài ra, những đại cảnh hoành tráng khi nhóm tù nhân kéo chiếc tàu khổng lồ, khi Jean Valjean đi tìm chỗ nghỉ, khi Javert bị giằng xé tâm lý trên cây cầu sông Seine là những điều sân khấu không thể đem lại cho khán giả.
Các diễn viên trong phim đã thể hiện vai của mình đầy hấp dẫn và xuất thần, ít có sự cường điệu như đối với vở kịch, mà vẫn biểu đạt từng cung bậc cảm xúc chân thật nhất. Cảnh phim Anne Hathaway hát I Dreamed a Dream, hay cảnh Eddie Redmayne hát Empty Chairs at Empty Tables chứng tỏ sự tôn trọng vở nhạc kịch khi không khai thác mạnh việc dựng phim lộ liễu, mà chỉ đặt máy quay đứng yên trong một khoảng thời gian dài để khán giả chú tâm vào nhân vật. Đồng thời, việc sử dụng nhiều cảnh quay theo góc độ Dutch*, ngoài việc để tạo sự căng thẳng như thông thường, cũng tạo cảm giác thân thiện với sân khấu, như thể khán giả đang ngồi chéo ở góc sân khấu ngước nhìn lên.
Khán giả dễ dàng cảm thông với các nhân vật trong phim hơn.
Là một bộ phim nhạc kịch, nên Những Người Khốn Khổ ngập tràn trong những bản nhạc. Kể cả khi các nhân vật không hát, thì những câu thoại trong phim cũng được luyến láy theo giai điệu đầy bay bổng. Thử nghĩ, để chuyển thể ngòi bút lãng mạn ấn tượng của Victor Hugo lên màn bạc, thì còn cách nào tuyệt vời hơn là sử dụng âm nhạc?
Điều này tạo ra một không khí lãng mạn đậm nét, và có khả năng đón nhận dễ dàng bởi bản thân âm nhạc cũng là một ngôn ngữ toàn cầu, nghe một ai đó hát là ta cũng hiểu những hỷ - nộ - ái - ố trong giọng của họ. Và trong Những Người Khốn Khổ, âm nhạc còn là ngọn lửa thắp sáng mọi niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước, nơi tình người vượt qua lề thói và luật pháp, nơi yêu thương chan chứa như những bản tình ca.
Hiện nay, nhiều người làm những bộ phim rắc rối khiến khán giả phải xem đi xem lại vài lần mới có thể hiểu được nội dung. Họ quên đi một điều cơ bản rằng: một bộ phim hay thực sự là tác phẩm mà khán giả xem 1 lần là hiểu, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ thêm tiền xem lại chỉ để trải nghiệm đúng những cung bậc cảm xúc lay động lòng người mà họ đã có trong lần xem đầu tiên. Đó mới là sức mạnh về tâm lý mà điện ảnh chân thực cần đem tới. Và Les Miserables (Những Người Khốn Khổ) là một bộ phim hay như vậy.
Góc độ Dutch: Một kỹ thuật quay phim trong đó camera nghiêng về 1 góc, khiến cảnh quay có phương nằm ngang không song song với đáy của khung hình. Thông thường, góc độ Dutch được sử dụng nhằm tạo ra sự căng thẳng hay sự khó chịu về tâm lý với sự vật trên màn ảnh. |