Kình ngư Mỹ xin lỗi, nộp phạt vụ cướp tưởng tượng
Kình ngư Ryan Lochte xin lỗi nước chủ nhà Brazil về trò hề của mình trong khi đồng đội Jimmy Feigen đồng ý nộp 11.000 USD vào một quỹ từ thiện để được trả tự do sau lệnh câu lưu của tòa án Brazil.
Câu chuyện ngụy tạo về một vụ cướp có vũ khí trong thời điểm diễn ra Olympic Rio 2016 nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ tại hai quốc gia Brazil và Mỹ. Các bên liên quan đã vào cuộc, kể cả Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), và không mất quá nhiều thời gian để có lời giải đáp cho vụ xì-căng-đan khá kỳ dị này.
Lochte làm xấu hình ảnh của mình trong lòng người hâm mộ
Hôm 19-8, Ryan Lochte, thành viên nổi tiếng nhất trong đội bơi tiếp sức 4x200m Mỹ, đã ngỏ lời xin lỗi trên trang Twitter: “Tôi xin nhận trách nhiệm hoàn toàn về những điều đã làm và tôi xin lỗi vì đã thiếu cẩn trọng cũng như thiếu chân thực về vụ việc đã qua. Sự việc là bài học quá lớn cho chúng tôi”. Anh cũng khẳng định, lời xin lỗi chính thức sẽ được đưa ra sau khi ba đồng đội của anh được phép rời Brazil để trở về nước.
Báo chí Mỹ lên án hành vi phi đạo đức của Lochte và đồng đội
Thị trưởng Rio, ông Eduardo Paes, cho biết đã chấp nhận lời xin lỗi từ Ryan Lochte và bình luận: “Cho đến lúc này, tôi vẫn còn cảm giác coi thường và khinh bỉ họ, những nhân cách quá kém cỏi. Ủy ban Olympic Mỹ nên xem xét việc loại họ khỏi hàng ngũ VĐV”.
Lochte đã về nước trước khi sự việc bị lôi ra ánh sáng. Gunnar Bentz và Jack Conger bị ngăn không cho xuất cảnh khỏi Brazil dù đã lên máy bay và được mời về cơ quan cảnh sát để trả lời các vấn đề liên quan. Một thành viên khác của đội bơi này là Jimmy Feigen cũng bị tạm giữ một thời gian và đồng ý nộp 11.000 USD vào một quỹ từ thiện Brazil để dàn xếp sự việc cũng như yên ổn ra về.
Gunnar Bentz và Jack Conger bị giữ lại ở chuyến bay từ Brazil về Mỹ
Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) cũng đã lên tiếng về vụ việc: “Cách hành xử của 4 VĐV đội bơi này là không thể chấp nhận được. Những gì họ làm không đại diện cho giá trị của đội tuyển Olympic Mỹ cũng như không ảnh hưởng đến tư cách, phẩm giá của mọi thành viên còn lại. Chúng tôi xin lỗi nước chủ nhà của Olympic Rio, xin lỗi người dân Brazil”.
... và được trả tự do sau khi hợp tác điều tra với cảnh sát Rio
Câu chuyện nổ ra khi mẹ của Ryan Lochte kể cho báo chí Mỹ nghe về việc con trai bà bị trấn lột tại Rio bởi một toán cướp có vũ khí. Bản thân Lochte cũng tô vẽ thêm vào câu chuyện tưởng tượng này khi trả lời một cuộc phỏng vấn của hãng NBC, nhấn mạnh chuyện anh ta và đồng đội bị nhóm cướp giả dạng cảnh sát vét sạch tiền bạc và tư trang trên đường trở về làng Olympic sau khi tham dự một buổi tiệc. Anh ta lên Twitter rêu rao về vụ cướp và cảnh sát Rio lập tức vào cuộc điều tra.
Jimmy Feigen rời phiên tòa ở Rio sau khi nộp 11.000 USD cho một quỹ từ thiện
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Rio, Fernando Veloso, khẳng định không có vụ cướp nào như lời kể của các VĐV Mỹ. Thậm chí, ông còn cung cấp chứng cứ về việc một hoặc vài thành viên của nhóm VĐV này đã phá phách, làm hỏng trang thiết bị nhà vệ sinh của một trạm xăng và được yêu cầu bồi thường. Nhóm VĐV này chỉ chịu xì tiền ra trả sau khi vài nhân viên an ninh có vũ trang tiến tới can thiệp.
Khán giả Rio dán poster "Lochte, kẻ dối trá" ở sân vận động Maracana
Báo chí Mỹ lập tức lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc tệ hại này. Nhà báo thể thao Mike Vaccaro cho rằng “Ryan Lochte đã khiến cả thế giới căm ghét người Mỹ” và nhấn mạnh “Người Mỹ xấu xí” hóa ra vẫn còn tồn tại ở thời điểm diễn ra Olympic 2016. Còn trên tờ Washington Post, nhà báo Sally Jenkins cho rằng Lochte đã thiếu tôn trọng cả nước chủ nhà Brazil lẫn đồng đội của anh ta và yêu cầu Lochte phải bị loại khỏi đội tuyển Mỹ.
Ryan Lochte từng giành 12 huy chương tại các kỳ Olympic, được xem là nhân vật số 2 của đội tuyển bơi Mỹ sau Michael Phelps.
Trong khi đó, một số dân Brazil cho rằng lời xin lỗi của Lochte không đủ và đòi áp dụng luật để phạt những hành vi mang tính chất vu khống, làm nhục quốc thể Brazil.