Hoàng Xuân Vinh: Tôi chưa từng nghĩ mình là ngôi sao

Thứ Tư, ngày 01/02/2017 19:04 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã bước lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp với tấm HCV Olympic Rio 2016 nhưng anh chưa bao giờ cho rằng mình là một ngôi sao.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã bước lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp với tấm HCV Olympic Rio 2016. Thế nhưng, càng đáng quý hơn là sau khi giành vinh quang, Đại tá xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không cho phép mình tự mãn. Anh tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cho những mục tiêu cao hơn.

Hoàng Xuân Vinh: Tôi chưa từng nghĩ mình là ngôi sao - 1

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV đồng thời xác lập kỷ lục Olympic hoàn toàn mới nội dung súng ngắn 10m hơi nam

Chưa bao giờ nghĩ mình là ngôi sao

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng thì người viết cũng đặt được lịch hẹn với “người hùng” của thể thao Việt Nam trước khi anh bước vào bài tập ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia (Nhổn, Hà Nội). Sau cái bắt tay thật chặt, Hoàng Xuân Vinh nói “các bạn cứ viết về tôi nhiều làm gì, tôi đâu phải ngôi sao”. Người viết gợi mở: “Với rất nhiều VĐV trẻ, anh là một ngôi sao, một tấm gương để họ noi theo sau thành tích tại Olympic Rio 2016”. Xạ thủ sinh năm 1974 đáp lại: “Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ mình là ngôi sao hay muốn làm ngôi sao. Trước đây và bây giờ tôi vẫn là một xạ thủ, một người lính, quen với việc tập luyện và thi đấu. Đó là niềm đam mê, là nhiệm vụ của tôi cũng như nhiều VĐV khác”.

Tuy vậy, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng thừa nhận, anh ý thức được rằng, vai trò và vị trí của mình đã thay đổi rất nhiều và đó là động lực, đồng thời là áp lực để anh phải chuẩn mực hơn trong ứng xử cũng như khi xuất hiện trước người hâm mộ. “Từ sau Olympic, tôi đã và đang nỗ lực tối đa để góp phần truyền cảm hứng, chia sẻ sự thành công, kinh nghiệm vươn lên với mọi người, nhất là giới trẻ”, nhà vô địch Olympic khẳng định.

Nói về cuộc sống của mình sau khi trở về từ Olympic, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tiết lộ: “Cơ bản không thay đổi nhiều, chỉ khác ở khối lượng công việc và thời gian dành cho công việc nhiều hơn. Mặc dù vậy, tôi luôn cố gắng hài hòa giữa công tác chuyên môn và cuộc sống gia đình. Trong 17 năm tập luyện, thi đấu thể thao đỉnh cao, tôi đã phải xa vợ con quá nhiều rồi, đôi khi cảm thấy mình có lỗi, nhất là với hai con đang tuổi lớn”.

Sau một hồi nói chuyện, tôi hỏi anh đâu là việc làm anh cảm thấy hài lòng nhất kể từ sau khi bước lên đỉnh vinh quang ở đấu trường Olympic. Không chút ngại ngần, anh trả lời tâm đắc nhất với những chuyến thiện nguyện. “Tôi cùng HLV của mình đã trích một phần tiền thưởng để gây quỹ từ thiện Vinh quang và sự biết ơn. Tết này tôi cũng sẽ khởi động chương trình Nồi cháo nhân ái ở các bệnh viện và duy trì trong vòng một năm tại nhiều địa phương khác nhau, bắt đầu từ Quảng Trị quê hương tôi. Tôi biết, những gì mình bỏ ra còn quá nhỏ bé nhưng vật chất nhiều hay ít không quá quan trọng. Tôi xác định khi mình làm điều gì đó cho những hoàn cảnh kém may mắn là công việc hết sức ý nghĩa”.

Đứng lên từ vấp ngã

Quay trở lại với sự nghiệp bắn súng của Hoàng Xuân Vinh, không nhiều người biết, nhà vô địch Olympic không phải là VĐV được đào tạo từ bé. Anh xuất thân là lính công binh và sau nhiều lần đoạt giải cao môn xạ kích tại các hội thao của ngành, Xuân Vinh đã được tuyển vào đội bắn súng quân đội và năm 2000 anh chính thức bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp. Khi đó, Xuân Vinh đã 24 tuổi, cái tuổi được coi là muộn so với mặt bằng chung của thể thao. Tuy xuất phát điểm không cao nhưng bằng ý chí và nỗ lực tuyệt vời, Hoàng Xuân Vinh đã lần lượt chinh phục đấu trường SEA Games, ASIAD, Olympic và đỉnh cao nhất là tấm HCV tại Olympic Rio 2016.

Trước viên đạn cuối cùng giúp tôi giành HCV Olympic Rio 2016, tôi không nghĩ gì. Tôi cố gắng hít thở thật sâu, giơ súng lên nhắm bắn và thành công. Trong sự nghiệp, từng có nhiều thời điểm tôi sợ và mắc sai sót ở những lần siết cò quyết định.

Nhưng giờ tôi đã có thể “làm chủ” chúng. Việc có đạt mục tiêu hay không còn phụ thuộc nhiều thứ. Trong thể thao, ranh giới giữa thắng và bại chỉ trong gang tấc.

                                        Hoàng Xuân Vinh

Nói về những khó khăn trong suốt chặng đường 17 năm, từ một anh lính công binh tới nhà vô địch Olympic, Hoàng Xuân Vinh cho rằng, khó nhất với anh chính là vượt qua thất bại để vươn lên mạnh mẽ hơn.

Trong tâm trí VĐV gốc Quảng Trị, thất bại nghiệt ngã tại ASIAD 2010 là dấu mốc không thể nào quên. “Khi đó, tôi đang gần như cầm HCV trong tay nhưng lại để súng cướp cò trong viên đạn cuối, văng luôn ra khỏi nhóm huy chương. Tôi đã thật sự suy sụp. Vì đau, vì tiếc, vì mất niềm tin và thậm chí đã có ý định giải nghệ”, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhớ lại.

Rất may, niềm tin và sự kiên quyết của HLV Nguyễn Thị Nhung đã kéo Xuân Vinh trở lại với trường bắn. “Tôi đã hỏi chị Nhung trong sự hoang mang thực sự: “Liệu em còn có thể bắn được không?”. Nếu không có câu trả lời: “Tin chị đi. Chắc chắn Vinh sẽ giành được HCV ASIAD và huy chương Olympic”, thì có thể tôi đã không có mặt ở Olympic Rio”. Cũng nhờ câu nói đó, cho đến thời điểm này, khi đã có trong tay mọi thứ, anh vẫn luôn coi HLV Nguyễn Thị Nhung là người “tái tạo” ra một Hoàng Xuân Vinh bản lĩnh.

Khi đã vượt qua được giới hạn của bản thân, những khó khăn về trang thiết bị, điều kiện tập luyện không thể ngăn bước Hoàng Xuân Vinh. Theo xạ thủ sinh năm 1974, trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Rio 2016, anh tập hoàn toàn bằng bia điện tử và cũng không thiếu đạn. Tuy nhiên, trước đó có nhiều thời điểm tay súng chủ lực của thể thao Việt Nam chỉ được cấp khoảng 1/5 lượng đạn so với các VĐV quốc tế và tập bắn bia giấy. “Tôi chưa bao giờ nản lòng. Bắn súng là môn cá nhân, yêu cầu sự tập trung cũng như tự điều chỉnh của VĐV rất cao. Vì thế, tôi ra sức rèn luyện, tăng khối lượng các bài tập để thích nghi với những điều kiện thi đấu khác nhau”, Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.

Nhà vô địch Olympic còn kể, những lần thi đấu xa nhà, nếu không phải là dự các kỳ Đại hội thể thao lớn, anh và đồng đội đều phải tự đi chợ, nấu ăn: “Kinh phí Nhà nước cấp cho VĐV đi thi đấu nước ngoài có hạn, nếu không tiết kiệm sẽ không đủ. Ăn ở nhà hàng rất tốn kém nên anh em trong đội thường phải đi chợ mua thực phẩm về tự nấu nướng, thay nhau vào bếp. Những lúc như vậy vất vả nhưng vui và để lại nhiều kỷ niệm”.

Khó khăn là điều ai cũng nhìn thấy ở thể thao Việt Nam nói chung và bản thân xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nói riêng. Nhưng kỷ lục gia của bắn súng Việt Nam đã chọn đương đầu với khó khăn rất nhẹ nhàng. “Tôi cho rằng, chỉ cần có lòng say mê với nghề và khát khao vươn lên, mọi vật cản đều quá nhỏ bé”. Có lẽ cũng chính bởi khát khao chưa bao giờ nguội lạnh mà anh Vinh cho biết, ngay cả khi giành HCV và phá kỷ lục Olympic anh vẫn chưa cảm thấy hài lòng. “Đã là VĐV chuyên nghiệp, phải luôn nghĩ tới việc vượt qua mọi giới hạn. Ngay cả khi đã hơn 40 tuổi, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ dừng lại”, anh Vinh nói với giọng quả quyết.

Kết thúc cuộc trò truyện ngắn ngủi, Đại tá Hoàng Xuân Vinh cho biết anh còn hai ước mơ chưa thực hiện được. Một là vận động được các mạnh thường quân cùng chung tay với Nhà nước mở một trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hai là thành lập một CLB bắn súng xã hội hóa, nhằm thúc đẩy phong trào, cũng như hỗ trợ cho các xạ thủ gặp khó khăn về điều kiện kinh tế. “Mới đây, tôi đã được bầu vào Thường vụ Liên đoàn Bắn súng Việt Nam và ở vai trò mới tôi sẽ nỗ lực cùng lãnh đạo liên đoàn hoàn thành hai trăn trở này”.

Chia sẻ
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
sự kiện Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic lịch sử
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN