Hoàng Xuân Vinh giành HCB quý không kém HCV
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã phải dùng từ "phi thường" với chiến tích của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016. Theo ông Minh, sau 2 huy chương Olympic (1 HCV, 1 HCB) của Xuân Vinh, bắn súng Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung có thể nhận được sự đầu tư lớn hơn nhiều.
Điều đầu tiên là sự thay đổi về nhận thức. Thể thao Việt Nam đã từng có những VĐV giành thành tích cao trên đấu trường châu lục và thế giới, ví dụ như điền kinh Bùi Thị Nhung nhảy cao 1m 94, Nguyễn Duy Bằng nhảy qua mức 2m 25 và một số môn thể thao khác. Thế thì người ta phải dám tin rằng thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ làm được và sánh vai với những VĐV của các cường quốc thể thao.
Nhưng điều này trong suốt những năm tôi tham gia công tác quản lý và kể cả sau 10 năm khi nghỉ, tôi theo dõi, không phải tất cả các nhà quản lý có thể tin vào những trẻ em tài năng, những VĐV Việt Nam, và càng không thể tin được thể thao Việt Nam có thể tiến tới đấu trường Olympic.
Chiến công của Hoàng Xuân Vinh sẽ tác động rất lớn đến ngành thể thao Việt Nam
Giờ đây, Hoàng Xuân Vinh đã đạt được một dấu mốc lịch sử để người ta có thể tin là những VĐV của chúng ta đạt được. Giờ phút Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, phá kỷ lục Olympic, toàn thế giới ngưỡng mộ. Lá cờ của Tổ quốc bay lên đấu trường lớn nhất của hành tinh này, giờ phút đấy rất nhiều sự kiện khác không thể làm được, đó là tôn vinh đất nước, tôn vinh dân tộc. Nhưng muốn có điều ấy thì anh phải đầu tư.
Chúng ta đầu tư không đủ, đầu tư cho các VĐV giành các thành tích là không giống được như các nước khác trong những điều kiện chúng ta còn khó khăn về kinh tế. Vậy thì sự kiện này phải chăng nó sẽ chứng minh cho những ai liên quan đến việc đầu tư cho thể thao sẽ quan tâm hơn, giúp thể thao của chúng ta sẽ được đầu tư hơn và tôi nghĩ rằng Chính phủ cũng sẽ quan tâm hơn để phát triển.
* Như vậy HCV của Xuân Vinh sẽ là cú hích với cả những VĐV môn khác, thưa ông?
Đúng vậy, chúng ta có thể nhìn thấy rằng nếu như những VĐV viên ưu tú khác đều được chăm sóc tốt sẽ có tiến bộ lớn. Tôi chỉ nói một việc thôi, Nguyễn Thị Ánh Viên là một bài học rút ra để tuyển chọn được tài năng, đưa đến nơi tập luyện tốt nhất một cách có hệ thống. Mặc dù Ánh Viên chưa đạt được mục tiêu là vào dự chung kết 8 người hàng đầu thế giới của Olympic, nhưng rõ ràng thành tích của cô ấy là vô cùng đáng khâm phục.
Tôi cho rằng quá trình đầu tư của Ánh Viên, sự kết hợp giữa Trung ương và quân đội và tập ở những nơi tốt nhất để được tập luyện và chăm sóc, đã để lại một bài học.
Nhưng bài học ấy cũng không thể kéo dài mãi được, mà đối với thể thao Việt Nam cần phải xây dựng lại hệ thống, hay những Trung tâm huấn luyện của chúng ta phải xây dựng lại để có đủ những điều kiện về việc tập luyện, thi đấu và đặc biệt là chăm sóc cho các vận VĐV từ vấn đề hồi phục cho đến vấn đề y học, về chấn thương, về tâm lý, ứng dụng khoa học.
* Ông có tin là TTVN sẽ có bước ngoặt về sự đầu tư sau chiến tích lịch sử của Hoàng Xuân Vinh?
Bây giờ chúng ta có HCV Olympic, tôi nghĩ có lẽ tất cả những người đồng nghiệp của tôi, những nhà quản lý thể thao, họ sẽ kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn trong việc đầu tư cho các VĐV ưu tú của các môn thể thao Olympic. Tôi tin là TTVN sẽ thay đổi một cách tích cực trong thời gian tới.
Báo chí đừng gây áp lực cho VĐV Theo ông Minh, việc khen chê của báo chí với các thành tích của VĐV cần hết sức thận trọng, khen thái quá cũng không tốt mà vùi dập càng không nên. Khi còn làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Hồng Minh từng nhiều lần đề nghị trực tiếp với giới truyền thông hãy để cho các VĐV tập trung, như vậy mới có thành tích tốt. |