Đua tài Olympic, VĐV Việt Nam có ăn thịt chó?

Thứ Năm, ngày 28/07/2016 11:26 AM (GMT+7)
Chia sẻ

“Cẩn tắc vô ưu”, lắm lúc thích chén món thịt chó nhiều chất dinh dưỡng nhưng vận động viên Việt Nam vẫn phải bấm bụng nhịn. Cái sự ăn uống của họ cho các giải thể thao lớn chứ không riêng gì Thế vận hội cũng thật nhiều chuyện khó nói.

Ngoài yêu cầu đủ năng lượng để tập luyện, thi đấu, câu chuyện có nên ăn thịt chó hay không thì trăm sự cũng bởi nỗi lo “dính” doping mà ra. Tại các giải đấu lớn như Olympic hay ASIAD, việc kiểm tra doping được thực hiện rất nghiêm ngặt. VĐV vi phạm có thể bị xử phạt rất nặng.

Danh mục chất cấm rất nhiều và phức tạp, trong khi hiểu biết của VĐV thường hạn chế, nên để “ăn chắc”, VĐV thường chọn phương án đảm bảo tối đa không “dính”.

Đua tài Olympic, VĐV Việt Nam có ăn thịt chó? - 1

Những VĐV đỉnh cao như Ánh Viên luôn phải tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt

Chuyện mắc doping vì thiếu hiểu biết của VĐV Việt Nam là có thực. Như trường hợp của “búp bê” TDDC Ngân Thương tại Olympic Bắc Kinh 2008. Sau khi IOC công bố kết mẫu kiểm tra với kết quả Ngân Thương dương tính với một loại chất trong danh mục cấm, lãnh đạo đoàn TTVN mới té ngửa, rồi phát hiện ra là cô đã sử dụng nhầm một loại thuốc lợi tiểu, có chứa chất furosemide.

Theo bộc bạch của Ngân Thương, do thấy cơ thể có phần mập ra, Thương đã sử dụng loại thuốc trên để giảm cân, chứ không nhằm nâng cao thành tích. Dù giải thích thế nào, Ngân Thương sau đó cũng bị án phạt cấm thi đấu của IOC, trong khi Việt Nam bị một phen mệt với BTC quốc tế.

Rút kinh nghiệm, trước các kỳ thi đấu quốc tế lớn, lãnh đạo đoàn TTVN thường cẩn trọng khuyến cáo trước đối với VĐV và giải Olympic Rio 2016 cũng không là ngoại lệ. Việc sử dụng thuốc men bắt buộc phải thông qua hướng dẫn của bác sĩ đoàn.

Thực ra cũng không cần chờ khuyến cáo, những VĐV đoạt vé tới Olympic đều thuộc diện “gạo cội”, có kinh nghiệm tranh tài nhiều giải lớn nên họ thường tự chủ động tránh. Có người cẩn thận hơn, tránh cả những loại thực phẩm, đồ ăn không đảm bảo.

Như chia sẻ của kiếm thủ Lệ Dung trước ngày lên đường sang Brazil tranh tài chẳng hạn. “Vào thời điểm nước rút chuẩn bị cho Olympic, chúng tôi thậm chí còn không dám ăn những thực phẩm quá nhiều chất đạm, làm cho thể lực khoẻ lên như thịt chó chẳng hạn”, Lệ Dung nói.

Có đồng nghiệp thân của Lệ Dung đã chia sẻ, gì chứ “mộc tồn” là món khoái khẩu của “cái Dung”. Ấy thế mà thèm mấy cũng phải bấm bụng nhịn.

Chả biết có phải là dân đấu kiếm, Lệ Dung đã  quá cẩn trọng của mình không, nhưng là VĐV chuyên nghiệp thì chị quá hiểu mình cần chế độ ăn uống như thế nào. Trong khi đó, theo Trưởng phòng Y học Trung tâm HLTT Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền (thành viên đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Rio 2016), ngoài thuốc men thì chuyện ăn uống, gồm cả món thịt chó, VĐV cứ “tuỳ tâm sở dục”.

Theo ông Hiền, thịt chó có nhiều chất đạm, VĐV nếu không phải theo điều kiện đặc biệt, thì ăn cũng không sao. Riêng về chuyện ăn uống ở Olympic, ông Hiền cho biết nước chủ nhà đã chuẩn bị chu đáo, nên đoàn Việt Nam khi sang Brazil cũng chẳng phải lo mấy về chuyện này.

Về món “mộc tồn”, ngôi sao Thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng nói, ăn vào chỉ tốt chứ không xấu. Tuy nhiên, đây không phải món “khoái khẩu” của Phước Hưng nên anh chả mấy quan tâm.

Mỗi người một ý, chúng tôi đem chuyện hỏi Trưởng Bộ môn Điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thuỷ, vốn có tiếng là am hiểu vấn đề này, ông Thuỷ phán một câu ngắn gọn là “Cứ chén!”.

Trong danh mục dài dằng dặc các loại chất cấm khác nhau, ông Thuỷ cho biết xét về tác động đối với thần kinh VĐV, thì có loại kích thích, tăng hưng phấn, nhưng cũng có loại tác động ngược lại, giúp VĐV kiềm chế hưng phấn quá mức. Tuỳ yêu cầu từng môn, VĐV có ý định dùng doping sẽ chọn loại thuốc thích hợp.

Thể thao thế giới đã từng phát hiện những vụ vi phạm doping đình đám ở nhiều môn, nhưng Việt Nam ngoài dăm vụ do lỡ làng thì chuyện này ít có. Riêng ăn uống, các VĐV tùy theo hoàn cảnh phù hợp, nhưng theo ông Dương Đức Thuỷ, nếu VĐV có cẩn trọng quá mức cần thiết cũng không sao. “Điều quan trọng là VĐV phải ăn đủ chất, đảm bảo thể lực để tập luyện, thi đấu”, ông Thuỷ nói. 

Chia sẻ
Theo Trường Phong ([Tên nguồn])
sự kiện Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN