Bí mật sau chiếc Huy chương bạc

Thứ Sáu, ngày 12/08/2016 09:00 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Ít ai biết rằng một xạ thủ dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh như Hoàng Xuân Vinh đứng trước cơ hội tranh huy chương Thế vận hội cũng có lúc tâm trạng trở nên xao động, khiến cả Ban huấn luyện lo lắng.

Thay đổi chiến thuật

Trước khi bước vào cuộc thi ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm, Hoàng Xuân Vinh đã đoạt HCV cự li 10m súng ngắn hơi. Đây là tấm HCV đầu tiên của thể thao Việt Nam sau hơn ba thập niên tham dự đấu trường Thế vận hội. Thành tích cao nhất trước đấy của Việt Nam ở Olympic chỉ là HCB, một của võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân (Sydney 2000) và một của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008).

Bí mật sau chiếc Huy chương bạc - 1

Hoàng Xuân Vinh (bên trái) với tấm HCB Olympic 2016. Ảnh: NEWSOK

Đặc điểm môn bắn súng, các xạ thủ thường có cái đầu cực “lạnh”, trạng thái tâm lý luôn duy trì ở mức điềm tĩnh cao độ. Xuân Vinh càng nổi tiếng với đặc điểm này. Nhưng giỏi mấy, xạ thủ Quân đội cũng không khỏi xao động. 

Như anh tiết lộ, hôm đầu tiên sau ngày đoạt chiếc HCV cự li 10m súng ngắn hơi, quá nửa đêm Xuân Vinh mới lên giường, nhưng cũng trở mình mãi. Hạnh phúc đến mất ngủ! Anh cảm nhận được niềm vui nơi quê nhà, cũng như sự chờ đợi của người hâm mộ đối với mình ở nội dung thi đấu tiếp theo.

Chuyện này có thể tác động không nhỏ tới nội dung thi đấu thứ 2 của Xuân Vinh, 50m súng ngắn bắn chậm. Theo HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung, điều Ban huấn luyện quan tâm nhất trước nội dung thi đấu này của Xuân Vinh chính là tâm lý và chiến thuật thi đấu. Một ngày trước khi Xuân Vinh vào trận, bà Nhung “bắn” đi thông điệp anh chỉ trong tốp 20 ở cự li 50m súng ngắn bắn chậm. Tức là có thua cũng chẳng sao. Hoàng Xuân Vinh đồng thời được nhắc nhở phải quên chiếc HCV cự li 10m súng ngắn hơi, để tập trung toàn lực cho nội dung phía trước.   

Ấy thế nhưng khởi đầu vòng loại, Xuân Vinh vẫn thi đấu hết sức chệch choạc. Anh liên tục ở tốp dưới, và có lúc xuống tới vị trí 11, nằm ngoài nhóm giành quyền vào vòng chung kết (chỉ 8 người có thành tích cao nhất). HLV Nguyễn Thị Nhung thừa nhận, đây là lúc bà cảm thấy thất vọng, và bắt đầu lo lắng cho khả năng Xuân Vinh bị loại.

“Ban huấn luyện đã quyết định dùng quyền tư vấn, gọi Vinh ra để có chỉ đạo khác về chiến thuật”-HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ với Tiền Phong. Xuân Vinh được khuyên hãy chơi theo kiểu “tất tay”, được cả hoặc mất cả. 

Thực tế, ngoài yếu tố chiến thuật thì đây còn là cách để Ban huấn luyện tác động khiến xạ thủ Quân đội điềm tĩnh trở lại. Sự thay đổi trong chiến thuật thi đấu của Xuân Vinh trở thành vấn đề được mang ra để bàn luận suốt ngày hôm qua.

Quên cả ăn

Và vượt quá cả sự mong đợi của HLV Nguyễn Thị Nhung, “cậu em trai” Xuân Vinh đã thực hiện 2 phát đạn cuối của vòng loại một cách vô cùng hoàn hảo. Anh được 10 điểm cả 2 phát đạn, nhảy vọt lên vị trí thứ 6 để vào chơi chung kết. 

Tại đây, Xuân Vinh tiếp đà tâm lý thuận lợi để tiến một lèo tới cuộc tranh chấp HCV tay đôi với xạ thủ Jin Jong-oh của Hàn Quốc. Anh chỉ chịu thua nhà đương kim vô địch Olympic London 2012 ở hai loạt cuối trong một thoáng xao động tâm lý khi đang dẫn trước đối phương. 

Như thừa nhận của Hoàng Xuân Vinh, anh có phần tiếc nuối vì đã không thể giành HCV, khi đã tiến sát rất gần với nó. “Thua 1 đối thủ như Jin Jong-oh cũng là một sự tuyệt vời. Anh ấy rất giỏi!”-Hoàng Xuân Vinh nói.

Kết thúc trận đấu, các thành viên đoàn thể thao Việt Nam ôm chầm lấy nhau để chia vui. Cho tới khi lên xe buýt để về làng thể thao Olympic, HLV Nguyễn Thị Nhung cho biết đã muốn xỉu vì đói. Mải mê lo cho trận chiến của Xuân Vinh, các thành viên Ban huấn luyện quên cả ăn. Điện thoại của bà Nhung nóng như muốn nổ tung vì các cuộc gọi chúc mừng.

Chia sẻ
Theo N.P ([Tên nguồn])
sự kiện Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic lịch sử
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN