Từ chuyện buồn của Quốc Toàn, Tiến Minh
Quốc Toàn và Tiến Minh, những VĐV được người hâm mộ chú ý thuộc diện nhiều nhất ở đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2012, đều đã sớm nhận thất bại ở “biển lớn”.
Nếu như Quốc Toàn để lại sự tiếc nuối bởi nếu tính toán kỹ và may mắn hơn, lực sĩ này đã có thể giành chiếc HCĐ thì Tiến Minh, trong trận đấu được đánh giá nhỉnh hơn đối thủ trên bảng xếp hạng của Liên đoàn cầu lông thế giới, đã thua một cách tâm phục khẩu phục. Chuyện gì đã xảy ra với cả hai?
Từ “nỗi ám ảnh” mang tên 292 kg
Từng tuyên bố sẽ nâng được mức tạ 290kg, nhưng cuối cùng, Trần Lê Quốc Toàn lại chỉ đạt được mức 284kg. Thực tế, ở sân chơi Olympic, trong mỗi thất bại của các VĐV có rất nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn phân tích, việc Quốc toàn “hụt” tấm huy chương tại Olympic lần này, chính là từ việc đánh giá sai sức mạnh của đối thủ và của chính anh.
Theo dõi “đàn em” thi đấu từ đầu đến cuối, cựu Á quân Olympic Bắc Kinh 2008 Hoàng Anh Tuấn không khỏi tiếc nuối cho Trần Lê Quốc Toàn. Theo Tuấn, Toàn đã gặp khó khăn ngay ở vạch xuất phát, khi mức tạ khởi điểm ở cử giật phải đến lần thứ 3 mới thành công. “Toàn đã đẩy luôn ở mức 125kg, tôi cho rằng đó là mức hơi cao so với em. Nếu Toàn cử 124 kg trước, rồi từng bước lên dần, có lẽ Toàn đã thành công ở mức 127kg, thậm chí có thể còn hơn. Như tôi ngày xưa, nắm chắc mình có khả năng giật được mức 136kg, mới đăng ký khởi điểm là 126kg. Như vậy, khoảng cách giữa lúc thi đấu và khả năng làm được, luôn phải ở ngưỡng 10 kg để có sự chắc ăn, không bị thất bại. Có lẽ Toàn đã hơi tự tin khi đẩy luôn 125kg. Tất cả những ai xem Toàn thi đấu, có lẽ đều rơi vào cảnh thót tim bởi nếu lần thứ 3 thất bại, coi như trắng tay”, Hoàng Anh Tuấn phân tích.
Vinh quang gần mà xa
Không chỉ cử giật mắc lỗi, theo Á quân Olympic 2008, con số đăng ký 292 kg mà của Toàn với BTC trước đó, dù chỉ là “tung hỏa mù” nhưng đã vô tình tạo ra áp lực không nhỏ. Theo Tuấn, việc đăng ký mức tạ cao như vậy, khiến Toàn được xếp vào cửa trên so với hầu hết các đối thủ còn lại. Toàn sẽ bị để ý kỹ hơn và các đối thủ, sẽ lấy Toàn làm mục tiêu để bám đuổi và đánh bại. “Tôi nghĩ Toàn chỉ cần nâng được mức tạ 285 kg là đã có thể có HCĐ rồi, bởi giải năm nay thật sự không có nhiều VĐV nổi trội. Tuy nhiên, có vẻ BHL đã có những tính toán chưa hợp lý, nên Toàn đã bị lỗi ngay ở nội dung cử giật. Đó thật sự là điều đáng tiếc”, Tuấn nói.
Có phần đáng tiếc cho Trần Lê Quốc Toàn bởi nếu anh không bị tâm lý ở nội dung cử giật, lực sỹ này đã có thể có huy chương. Dù sao với mức 284 kg (cao hơn thành tích anh giành tấm HCV SEA Games 26 tại Indonesia 4kg) đã cho thấy những nỗ lực tập luyện của Quốc Toàn thời gian qua. Chỉ có điều, để có 1 tấm huy chương ở sân chơi Olympic, các VĐV Việt Nam cần phải cố gắng và may mắn hơn nữa.
Thất bại của Trần Lê Quốc Toàn lần này, đến từ chính những yếu tố cần hoàn thiện với công tác huấn luyện của cử tạ Việt Nam. Bản thân Toàn đã thi đấu vượt khả năng, nhưng nếu VĐV có sự hỗ trợ tốt từ BHL về mọi mặt như các đối thủ khác, rất có thể tình hình đã khả quan hơn.
Đến “sự cô đơn” của Tiến Minh
Thất bại của Tiến Minh, để lại sự thất vọng toàn tập, dù công bằng mà nói, lỗi chính không phải do tay vợt này.
Phải thừa nhận tay vợt số 1 của Việt Nam không có chiêu gì đặc biệt ngoài những pha bỏ nhỏ và chờ đối phương “tự sát”. Trong khi, tay vợt người Ấn Độ Kashyap Parupalli lại chơi như lên đồng, với những pha đập cầu trên lưới có độ chuẩn xác rất cao.
Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc Tiến Minh không có sở trường gì đặc biệt, rất khó để anh bước lên đỉnh cao. Và lo lắng ấy đã hiện lên rất rõ ngày hôm qua, Tiến Minh gần như không có cách nào đối phó với lối chơi dựa trên sức mạnh của đối phương. Nếu như phương án điều cầu về 2 phía góc sân để hạn chế những pha đập cắm của đối phương không phát huy tác dụng thì những pha phòng ngự sát người của Tiến Minh, đã không thực sự kín kẽ.
Thêm một lần đau
Vấn đề chuyên môn đã có đủ lý giải cho thất bại, nhưng trận thua của Tiến Minh, có có lý do khác. Để ý kỹ, trận đấu hôm qua, rất ít khi nghe tiếng những chỉ đạo của BHL với Tiến Minh, trong khi đối phương luôn nhận được những nhắc nhở cần thiết, ngay cả khi có khoảng cách an toàn.
Đã nhiều lần, báo chí lên tiếng việc Tiến Minh ra nước ngoài thi đấu, nhưng rất ít khi có HLV ruột theo kèm. Tiến Minh từng có HLV ngoại người Indonesia, nhưng ông này đã về nước từ đầu năm. Từ đó đến nay, Tiến Minh chủ yếu tập chay. Phải đến mãi gần đây, tay vợt thuộc quân số của thể thao TP.HCM mới được thuê quân xanh người Indonesia với giá vài nghìn đô để tập luyện ở giai đoạn nước rút, nhưng điều này cũng chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu tâp luyện đỉnh cao của anh.
Kashyap Parupalli và cả rất nhiều tay vợt khác ở Olympic lần này, luôn có một ekip hỗ trợ. Tiến Minh đã thua đối thủ, ngay từ khi trận đấu chưa diễn ra.
Olympic 2012 có thể là kỳ Olympic cuối cùng của Tiến Minh bởi anh đã gần 30 tuổi. Với một VĐV đỉnh cao, không có chiến thắng nào, không có thành công nào ý nghĩa bằng ở sân chơi Olympic. Dù đã lập nhiều thành tích ở các giải lớn nhỏ, dù đứng ở vị trí cao trên BXH thế giới, nhưng cả hai lần tham dự Thế vận hội, Tiến Minh đều bị về nước sớm ngay từ vòng loại, có thể xem làm một thất bại trong tham vọng chinh phục Olympic của cầu lông VN nói chung cũng như của tay vợt này nói riêng.
Không thất bại nào giống thất bại nào, nhưng từ thực tế người ta đã thấy có một điểm chung trong hai thất bại của Quốc Toàn và Tiến Minh tại sân chơi Olympic lần này, chính là VĐV của chúng ta vẫn chưa thực sự đủ tầm để tranh đua sòng phẳng với các đối thủ đẳng cấp thế giới và đặc biệt là chưa có sự hỗ trợ tốt nhất về những vấn đề ngoài chuyên môn.