TTVN: Làm kiểu SEA Games để dự Olympic
18 VĐV Việt Nam tham dự Olympic 2012 không giành HC nào.
Tham dự Olympic 2012 với 18 VĐV, trong đó có những gương mặt được đặt nhiều hy vọng, nhưng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn toàn tay trắng trở về.
Có một thực tế đã diễn ra tại Olympic năm nay, chính là việc hàng loạt những niềm hy vọng của đoàn TTVN rơi rụng ngay từ vòng loại. Tất cả những kết quả đã phản ánh đúng thực lực của VĐV VN ở sân chơi lớn như Olympic. Thế nhưng, nếu như họ có một sự chuẩn bị tốt hơn, có thể kết quả đã khác...
Trần Lê Quốc Toàn cũng chịu cảnh trắng tay cay đắng
Chuẩn bị không giống ai
Tại mỗi kỳ đại hội thể thao lớn, đặc biệt là đại hội Olympic – nơi tranh tài của các VĐV đỉnh cao hàng đầu thế giới, khâu chuẩn bị luôn đóng vai trò quyết định tới thành tích. Ngoài sự chuẩn bị tốt về chuyên môn, tìm hiểu thông tin đối thủ, các VĐV sẽ có sự tự tin cao nhất khi mang tới Olympic một hành trang được chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực thời gian qua, cách làm của TTVN vẫn quá hời hợt, khiến các VĐV hầu hết đến Olympic với những hy vọng vào may mắn, hơn là việc tìm cách đánh bại đối thủ, tranh chấp huy chương.
Đích thân nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, người đã từng làm trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2000 (năm VĐV Trần Hiếu Ngân giành tấm HCB lịch sử cho TTVN ở môn Teakwondo), đã nhấn mạnh: “Không đâu có sự chuẩn bị như đoàn TTVN”. Điều mà ông Minh không chấp nhận, chính là tâm lý “tham dự cho có” trong suy nghĩ của một bộ phận quản lý thể thao nước nhà. “Họ chỉ nghĩ rằng đến Olympic cũng là một thành công lắm rồi chứ làm gì có cửa tranh chấp huy chương. Vì thế, sự đầu tư với các VĐV cũng không tới nơi tới chốn. Có HLV ngoại, tập huấn nước ngoài thì tốt mà không có cũng chẳng sao”. ông Minh đã cho biết.
Tập chay, thiếu đạn “xịn”…và bị “knock-out” sớm
Thực tế, với một chu kỳ chuẩn bị cho Olympic, chẳng phải ngẫu nhiên đại hội này lại có thời gian giữa 2 kỳ tranh tài dài tới 4 năm. 4 năm chính là khoảng thời gian giúp các VĐV có một sự chuẩn bị tốt nhất. Hầu hết các quốc gia mạnh về thể thao trên thế giới, để xác định huy chương ở sân chơi Thế vận hội, đều chuẩn bị trước đó từ 4-8 năm, thậm chí còn xa hơn. Bởi vậy, những nước này không thiếu VĐV vượt qua chuẩn A và cũng không thiếu những niềm hy vọng huy chương ở mỗi kỳ Thế vận hội.
Nhìn các nước trên thế giới, mới thấy cách chuẩn bị của đoàn TTVN là hết sức sơ sài, còn thiếu trách nhiệm. Cứ nhìn VĐV Phan Thị Hà Thanh là VĐV đầu tiên đoạt vé tham dự Olympic cho đoàn TTVN nhưng từ tháng 11 năm 2011 đến khi tham dự Olympic, VĐV này đã không có sự đầu tư đặc biệt nào. Hà Thanh chỉ có một số giải quốc tế và tập huấn nước ngoài ngắn ngày. Một VĐV đến tầm Olympic, luôn cần chế độ đặc biệt, ít nhất là phải có HLV ngoại nếu đội ngũ huấn luyện ở trong nước chưa đạt tới tầm. Tuy nhiên, Hà Thanh chủ yếu tập chay một mình, thậm chí còn tập ké sang với các đội khác và điều đó mới thấy sự thiệt thòi với Thanh khi đem so với các đồng nghiệp thể dục Trung Quốc vốn nổi tiếng với sự khổ luyện và đầu tư của nước bạn.
Hà Thanh giành vé đầu tiên tới Olympic của đoàn VN
Hai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Hoàng Ngọc, thậm chí còn không có đủ đạn “xịn” để tập bắn mỗi ngày. Chuyến tập huấn vội vã tại Hàn Quốc của bắn súng trong khoảng nửa tháng trước khi Olympic diễn ra, cũng chỉ thay đổi không khí là chính. Được đi nước ngoài như đội tuyển bắn súng đã khá, như môn điền kinh, 2 VĐV Thanh Phúc (đi bộ) và Việt Anh (nhảy cao), không có một đợt tập huấn nước ngoài nào, chứ chưa kể là thuê HLV ngoại, trong khi nhóm chạy ngắn và chạy trung bình được đi Đức tập huấn thì đã bị “văng” ngay ở vòng loại không giành được vé đến London.
Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt những gương mặt chủ yếu tập chay là chính, ở các môn: rowing, vật... Những môn có đi tập huấn nước ngoài như cử tạ, đấu kiếm, judo, taekwondo...cũng không đạt hiệu quả. Tất cả đã được thể hiện qua những trận thua theo kiểu “vỡ mặt” tại ngay vòng loại.
Từ nhiều năm nay, tư duy chuẩn bị của đoàn TTVN vẫn chủ yếu làm theo cách mà chúng ta áp dụng cho SEA Games. Tức là, các VĐV chỉ được tập trung trong một thời gian ngắn vài tháng trước khi vào cuộc đua tài, cũng có tập huấn nước ngoài, có được tăng chế độ dinh dưỡng, thuốc men...nhưng thực tế mới ở mức chủ yếu chạy theo chu trình huấn luyện, không có những đầu tư đặc biệt giúp các VĐV vượt lên được khả năng của mình.
“Cái chết” của đoàn TTVN đã được dự báo từ sớm bởi chúng ta lỗi ngay từ vạch xuất phát. Việc chuẩn bị quá hời hợt, tham dự với tư tưởng góp mặt là chính, tất cả đã tạo nên một hình ảnh đoàn TTVN thi đấu với những khuôn mặt thiếu tự tin tại Olympic lần này.
Trong mỗi thất bại, luôn có nhiều yếu tố và đáng buồn thay, khâu chuẩn bị không phải là yếu tố duy nhất còn thiếu của đoàn TTVN lần này...