Thể thao Việt Nam: 18 suất đến Olympic London

Thứ Bảy, ngày 16/06/2012 05:26 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại Olympic 2012 Lâm Quang Thành vừa ký xác nhận đồng ý cử hai VĐV Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Ánh Viên đến dự Olympic London theo suất đặc cách mà Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) dành cho các quốc gia chưa có chuẩn A Olympic. Như vậy đến thời điểm này, TTVN đã chính thức có 18 VĐV đến dự Olympic 2012.

Theo lý giải của ông Lâm Quang Thành, sở dĩ Tổng cục TDTT quyết định chọn Quý Phước và Ánh Viên mà không chờ đến khi FINA xét chuẩn B là để thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ có 2 VĐV tốt nhất đến Olympic 2012 thay vì phải chờ đợi việc xét chuẩn B, vốn không mấy chắc chắn. Trong khi số lượng VĐV tối đa mà FINA lựa chọn là 900 người, thì hiện nay đã có khoảng gần 700 VĐV vượt qua chuẩn A Olympic ở 34 nội dung thi đấu của môn bơi lội. Như vậy, tổng số VĐV đặc cách và VĐV qua cửa chuẩn B sẽ là hơn 200 người, nhưng ưu tiên sẽ được dành cho các VĐV đặc cách, còn VĐV có thể đến Olympic qua cửa đạt chuẩn B là rất ít và chỉ những VĐV có thành tích tiếp cận chuẩn A Olympic mới mong có cơ hội được chọn. Hiện nay, cả Quý Phước và Ánh Viên đều không nằm trong số này. Quý Phước hiện đứng thứ 16 trong số các VĐV đoạt chuẩn B ở nội dung 100m bơi bướm nam, còn Ánh Viên nằm ngoài tốp 20 ở nội dung 200m bơi ngửa nữ. Do vậy, cơ hội đến Olympic qua cửa xét chuẩn B là rất khó và mạo hiểm.

Thể thao Việt Nam: 18 suất đến Olympic London - 1

Kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật (thứ hai từ trái sang) sẽ là người cầm cờ cho Đoàn TTVN tại Olympic London 2012

Điểm khác biệt giữa việc tham dự Olympic qua diện đặc cách và qua cửa xét chuẩn B là VĐV đặc cách sẽ chỉ được tham dự một nội dung mạnh nhất. Đối với Quý Phước, điều này không phải là vấn đề lớn, bởi cả 2 lần vượt chuẩn B Olympic của anh đều diễn ra ở nội dung 100m bơi bướm. Còn Ánh Viên tuy đã 3 lần giành chuẩn B Olympic ở nội dung 200m bơi ngửa và 200m cá nhân hỗn hợp, nhưng thành tích ở nội dung sau của cô chỉ vượt chuẩn B Olympic rất ít. Thế nên, chắc chắn cô gái Cần Thơ vẫn sẽ tập trung cho nội dung mạnh nhất của mình là 200m bơi ngửa.

Theo ông Lâm Quang Thành, việc chọn đến Olympic qua cửa đặc cách không có nghĩa là cửa xét chuẩn B Olympic với các VĐV còn lại đã đóng chặt. Các VĐV như Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phạm Thành Nguyện vẫn có cửa được đến Olympic nếu vượt chuẩn B trong thời gian tới. Ngoài 2 suất đặc cách của môn bơi lội, ông Lâm Quang Thành cũng cho biết Việt Nam đã xin một suất đặc cách ở môn rowing nam. Tuy nhiên, khi xét duyệt thì Myanmar lại được chọn với lý do Việt Nam đã có 2 VĐV đến Olympic, trong khi Myanmar chưa có VĐV nào.

Như vậy, ngoài số 18 VĐV hiện tại, TTVN chỉ còn tối đa một suất đặc cách nữa ở môn điền kinh nội dung nam. Theo ông Thành, trong trường hợp Trương Thanh Hằng, Dương Thị Việt Anh giành chuẩn B Olympic ở giải Ngôi sao Châu Á sắp tới thì suất đặc cách này sẽ không còn. Ngược lại, nếu các VĐV không giành thêm chuẩn B Olympic thì người được lựa chọn đại diện cho suất đặc cách của điền kinh nam là Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), người có thành tích gần chuẩn B Olympic nhất trong số các VĐV nam.

VĐV được chọn đại diện cho đoàn TTVN cầm cờ ở Olympic 2012 là VĐV đấu kiếm Nguyễn Tiến Nhật. Việc chọn lựa người cầm cờ dựa trên nhiều tiêu chí, ngoài thành tích, đạo đức còn phải kể đến yếu tố ngoại hình. Tiến Nhật là VĐV đấu kiếm đầu tiên của Việt Nam vượt qua vòng loại Olympic và cũng là VĐV hiếm hoi trong đoàn cao trên 1m80.

Chia sẻ
Theo Tuấn Dũng (Hà Nội Mới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN