Olympic nhìn từ cách kiếm huy chương
Giáo sư Stefan Szymanski thuộc Trường ĐH Michigan (Mỹ) nhận xét qua công trình nghiên cứu về thể thao của mình: “Hai yếu tố giàu có và đông dân đóng vai trò quyết định trong việc gặt hái thành công lâu dài ở Olympic”.
1. Đây chỉ là nhận xét của một cá nhân trên cơ sở nghiên cứu riêng nhưng con số thống kê cũng cho thấy phần nào thực tế này: các quốc gia châu Âu đoạt 60% huy chương Olympic từ trước đến nay, Mỹ chiếm 15% và tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại chia nhau 25%. Mức chi cho mỗi huy chương vàng của từng quốc gia cũng chứng minh nhận định này: Italia chi cho vận động viên đoạt huy chương vàng 182.400 USD, Nga chi 135.000 USD, Pháp chi 65.200 USD, Mỹ chi 25.000 USD… Đó là chưa tính đến chi phí đầu tư cho vận động viên, huấn luyện viên, cơ sở tập luyện… để có khả năng đạt thành tích cao của mỗi nước. Chi phí này chưa được thống kê cụ thể, nhưng cũng là một cuộc chạy đua mà chắc chắn các nước nghèo, kém phát triển luôn ngậm ngùi tụt lại phía sau.
2. Nhưng nói về “khát vọng” độc chiếm ngôi vị Olympic có lẽ không nước nào vượt qua được Trung Quốc. Vụ việc VĐV Ngô Mẫn Hà sau khi đoạt huy chương tại Olympic London mới được thông báo tin ông bà mình mất một năm trước khiến báo chí đổ xô đi tìm lời lý giải. Ngay sau đó là hình ảnh những đứa trẻ tập luyện một cách hà khắc xuất hiện đồng loạt trên báo chí.
Người ta nhận ra rằng ngay từ năm 1984 Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh chương trình đào tạo vận động viên cho các kỳ Olympic. Hiện nay có hơn 3.000 lò luyện vận động viên Olympic ở khắp đất nước này. Hàng trăm ngàn đứa trẻ từ tuổi mẫu giáo được các trường, địa phương chọn lựa, giới thiệu để đưa vào lò luyện. Đa số những đứa trẻ bị cách ly và được dạy rằng chúng chỉ có một mục đích duy nhất là đoạt huy chương vàng Olympic. Và cứ thế, bảng tổng sắp huy chương các kỳ Olympic gần đây luôn gắn với vị trí đứng đầu của Trung Quốc.
Khổ luyện
Khổ luyện trong thể thao là đều phải có nếu muốn đạt thành tích nhưng ranh giới giữa khổ luyện và sự hà khắc vẫn còn là điều gây tranh cãi. Cho đến khi cặp đôi cầu lông Trung Quốc bị loại khỏi Olympic do thi đấu không hết sức, xem thường khán giả để né đồng đội ở bán kết, mọi người mới nhận ra rằng “khát vọng” huy chương vàng khiến người ta không từ một cách thức nào!
3. Sau 32 năm tham gia đấu trường Olympic kể từ lần đầu tiên dự Olympic Mátxcơva 1980 với tư cách khách mời, Việt Nam chỉ có 2 tấm huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân (Sydney 2000) và Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008). Tại London lần này, hết niềm hy vọng này đến niềm hy vọng khác gây… thất vọng. Người ta lý giải do tâm lý vận động viên yếu, do đối thủ quá mạnh, do đầu tư chưa cao… Nói chung, phải có lý do gì đó để giải thích cho thất bại tại Olympic mà ai cũng thấy đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng có những lý giải hơi buồn cười, bởi với Tiến Minh thuộc tốp 10 thế giới, liên tục dự các giải đấu cao nhất thế giới thì không thể nói thất bại là do tâm lý thi đấu. Thành tích cũng như những bước đi qua từng giải đấu cho thấy thể thao Việt Nam phát triển quá chậm, thậm chí là thụt lùi so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta chưa giàu, cũng không chọn lối huấn luyện hà khắc nhưng dân số và các điều kiện khác đều rất thuận lợi cho sự phát triển thể thao, vậy vì sao vẫn tiếp tục thụt lùi? Bệnh “đẽo cày giữa đường”, thiếu chiến lược, bệnh thành tích, tự mãn… đã từng ngày kéo lùi nền thể dục thể thao nước nhà so với thế giới.
Vì vậy, hãy xây dựng một lần để có gốc vững mà phát triển, hơn là cứ lấy thành tích từng mùa ra làm mục tiêu thì sẽ có lỗi với thế hệ mai sau.