Ngân Thương cháy hết mình cùng Olympic 2012
Olympic 2012 sẽ là đích đến cuối cùng của Đỗ Thị Ngân Thương trước khi giã từ sự nghiệp thể dục dụng cụ của mình. Đây là cơ hội cuối để cô bé búp bê tài năng tỏa sáng trên đấu trường quốc tế – Thế vận hội OLympic London 2012.
Năm 2008, sau khi trở về từ Olympic Bắc Kinh, Ngân Thương đã khóc tại sân bay Nội Bài, những giọt nước mắt của sự tiếc nuối, hối lỗi. Những câu hỏi xung quanh chuyện “sử dụng chất cấm”, dương tính với doping tưởng như đã làm Ngân Thương gục ngã. Nhưng rồi, cô gái năm đó mới bước sang tuổi 20 đã đứng lên ngay ở chỗ vấp ngã để 4 năm sau, Thương lại một lần nữa có dịp góp mặt ở Olympic 2012.
Ngân Thương đã có 15 năm tập thể dục dụng cụ (TDDC) và 10 năm thi đấu đỉnh cao. Nhắc đến cô gái người Hà Nội này, người ta sẽ nhớ đến buổi đầu Thương rực sáng ở SEA Games 22 năm 2003 rồi tiếp tục duy trì phong độ đỉnh cao ở SEA Games 23, 24. Biệt danh “búp bê” cũng có từ ngày ấy với những tình cảm trìu mến nhất mà người hâm mộ, đồng đội và các HLV dành cho cô.
Ngân Thương hy vọng sẽ có một kỳ Olympic đáng nhớ để khép lại sự nghiệp thi đấu của mình
Năm 2008, Thương được đặc cách dự Olympic Bắc Kinh và là VĐV duy nhất của khu vực Đông Nam Á có vinh dự này vì cô là VĐV giàu thành tích nhất khu vực. Đến Bắc Kinh năm đó, dù dày dạn kinh nghiệm thi đấu nhưng trong cuộc sống, “búp bê” vẫn là cô bé ngây thơ nên vướng vào chất cấm.
Ngân Thương bị cấm thi đấu nhưng hầu hết đều hiểu và thông cảm với cô. Dẫu vậy, nhiều người đã nghĩ có lẽ sự nghiệp thi đấu của Ngân Thương đã khép lại sau bản án cấm thi đấu 1 năm, rồi tiếp đó, SEA Games 25 năm 2009, TDDC lại không có tên trong các môn thi đấu. Ngân Thương cũng đã từng nghĩ đến việc chia tay TDDC.
Olympic 2008 đã trở thành bước ngoặt định mệnh trong cuộc đời Ngân Thương. Không ai tưởng tượng được rằng sau cú sốc nặng và “bản án” doping, cô lại đứng dậy mạnh mẽ đến thế. Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Trưởng Bộ mônthể dục dụng cụ, cho biết: “Thực ra, không phải đến SEA Games 26 với 2 HCV, Thương mới trở lại. Quá trình tập luyện trước đó của Thương khiến chúng tôi tin rằng cô vẫn chưa chạm cột mốc đỉnh cao của đời VĐV”.
Rồi chính đấu trường Olympic một lần nữa lại là nơi đưa Thương trở thành cái tên được chú ý nhiều nhất. Không nhiều VĐV trong đoàn Việt Nam có vinh dự 2 lần góp mặt ở thế vận hội. Hôm đoàn thể thao Việt Nam tổ chức lễ xuất quân, trong một góc nhỏ, Ngân Thương lặng lẽ thủ thỉ rằng: “Tôi còn nợ Olympic và nợ chính bản thân mình. Lần này đến London, tôi muốn tìm lại những gì đã mất của 4 năm trước”.
Bốn năm qua nhiều trải nghiệm với cả nước mắt hòa trong nụ cười, cô hiểu rằng phía trước là thử thách lớn lao. Chìa cho tôi xem bàn tay chai sạn giống như 4 năm trước, khi lên đường dự Olympic Bắc Kinh, Thương không hứa hẹn mà chỉ nói ngắn gọn: “Tôi quyết tâm đem tất cả những gì mình có để thực hiện bài thi. Dù có thế nào thì tôi cũng không bao giờ phải hối tiếc”.
Ngân Thương là tấm gương vượt khó cho các VĐV thể thao Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng
Hy vọng từ những ngôi sao nhỏ
So về tầm vóc, 3 VĐV TDDC là Đỗ Thị Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng “nhí” nhất so với 15 VĐV còn lại của đoàn Việt Nam dự Olympic lần này. Dù vậy, họ lại là một trong những đội tuyển được kỳ vọng nhiều nhất. Những tấm vé đến Olympic London của TDDC đều rất thuyết phục khi các VĐV đã xuất sắc vượt qua vòng loại bằng phong độ chói sáng. Họ cũng đánh mốc son mới cho TDDC Việt Nam sau kỳ SEA Games 26 giành tới 9 HCV, đó là lần đầu tiên một môn của Việt Nam có tới 3 VĐV tranh tài ở Olympic và sở hữu một VĐV giữ HCĐ thế giới là Phan Thị Hà Thanh.
Với quyết tâm cao nhất, TDDC là đội tuyển lên đường sớm nhất tới Vương quốc Anh. Tại Anh, dù đang gặp khó khăn do thiếu trang thiết bị tập luyện nhưng Ngân Thương, Hà Thanh, Phước Hưng vẫn là những niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam.