Xịt sơn lên xe đậu trước nhà có thể bị truy cứu tội hủy hoại

Hành vi xịt sơn lên xe là vi phạm pháp luật mặc dù nguyên nhân dẫn đến có thể do lỗi của chủ xe đậu sai quy định.

Thời gian vừa qua, cư dân mạng xôn xao về việc một chiếc ô tô con đậu dưới lòng đường nhưng trước cổng nhà của một người dân. Do bức xúc vì hành vi đậu xe, chủ nhà đã xịt sơn vào phần mui xe để cảnh cáo với dòng chữ “có thấy cửa nhà không?”.

Hành vi này khiến nhiều người tỏ ra bức xúc vì chủ xe đã đậu xe nhưng không quan sát là trước cổng nhà người khác. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng hành vi của chủ nhà là quá quắt.

Thành viên có tên Nguyễn Lộc chia sẻ: “Chủ xe có sai thì trật tự đô thị phạt. Còn chủ nhà chơi như vậy là ác với người ta, cố ý hủy hoại tài sản của người khác”.

Hay một người khác cho rằng, biết là chủ xe đậu chưa có ý thức, nhưng có cần phải chơi phun sơn vậy không, ghi giấy thông báo cũng được mà.

Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Ảnh: TN

Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Ảnh: TN

Theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, xét riêng về hành vi xịt sơn lên xe người khác thì đó là tội cố ý phá hỏng tài sản. Dù người đậu xe có lỗi, nhưng từng hành vi của mỗi người sẽ bị pháp luật điều chỉnh riêng. Như vậy hành vi xịt sơn đã vi phạm pháp luật mặc dù nguyên nhân dẫn đến có thể do lỗi của chủ xe.

Cụ thể, hành vi của người xịt sơn lên xe có thể sẽ cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản tại điều 178 BLHS 2015. Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 BLHS 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính. Theo đó, người này có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi đậu xe dưới lòng, lề đường căn cứ theo quy định tại Điều 18, 19 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

Theo đó, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đố.

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: bên trái đường một chiều, trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất, trên cầu, gầm cầu vượt, che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây: phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Dừng, đỗ xe sai quy định và gây tai nạn có thể bị tước bằng lái tới 4 tháng

Căn cứ vào Nghị định 100/2019, người điều khiển xe gắn máy dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ bị phạt tiền từ 200-300 ngàn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính…

Đồng thời, nếu hành vi vi phạm gây ra tai nạn giao thông thì giấy phép lái xe của đối tượng vi phạm có thể sẽ bị tước quyền sử dụng từ 2-4 tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

5 chính sách mới về ô tô có hiệu lực từ năm 2021

Những quy định và chính sách mới về ô tô sắp được triển khai, mọi người nên tham khảo để nắm rõ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY NHUNG ([Tên nguồn])
Ô tô bị sơn chữ "NGU" lên thân xe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN