Việt Nam mới chỉ có 76 nhà cung ứng linh kiện lắp ráp ô tô con
Chuỗi sản xuất lắp ráp xe chở người hạng nhẹ (xe ô tô con, xe cá nhân) tại Việt Nam hiện chỉ có 10 nhà sản xuất gốc và 68 nhà cung cấp cấp dưới.
Lắp ráp xe sedan tại nhà máy Thaco Mazda ở Khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, tại Việt Nam, dòng xe cá nhân (xe con) hiện có 10 nhà sản xuất gốc (OEM) tham gia thị trường gồm: Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Ford, MBV, Thaco, TC Motor, VinFast.
Trước đây có thêm Nissan nhưng hiện thương hiệu này đã ngưng sản xuất ở nhà máy TCIE tại Đà Nẵng.
Các nhà sản xuất OEM thực hiện lắp ráp ô tô dạng CKD trên dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Một số hãng có thêm công đoạn dập thân vỏ xe như Toyota, VinFast, Thaco...
Trong chuỗi cung ứng, có 18 nhà cung cấp phụ tùng ô tô (nhà cung cấp cấp 1) và 58 nhà cung cấp cấp 2 + 3 cung cấp các cụm chi tiết đơn giản, cồng kềnh như ghế, ắc quy, chi tiết nhựa cỡ lớn...
Một số nhà cung cấp cấp 2 sản xuất cả phụ tùng xe máy lẫn ô tô, như các nhà cung cấp cho Honda, Suzuki.
Mặc dù các nhà sản xuất lắp ráp ô tô con tại Việt Nam đều nhập các cụm chi tiết để lắp ráp dạng CKD, nhưng một số doanh nghiệp vẫn lập trung tâm R&D (nghiên cứu phát triển) như VinFast, Thaco... chủ yếu để nghiên cứu về những đặc tính riêng của thị trường trong nước, đề xuất những điều chỉnh nhỏ cần thiết cho các mẫu xe lưu hành trong nước, hoặc tập trung vào nghiên cứu về cải tiến (kaizen).
Về động cơ ô tô xe cá nhân, các doanh nghiệp đều nhập nguyên cụm chi tiết động cơ về lắp ráp. Với một vài dòng xe của một doanh nghiệp OEM, động cơ được nhập dạng CKD và lắp ráp tại Việt Nam.
Đối với hệ thống phanh, tuy không sản xuất được hệ thống hoàn chỉnh, một số chi tiết của hệ thống đã được sản xuất tại Việt Nam, gồm ống phanh, đĩa phanh, trống phanh và bàn đạp chân phanh. Các chi tiết còn lại được nhập khẩu để lắp ráp hệ thống phanh trong nước.
Về khuôn, với các loại khuôn nhỏ, đơn giản để dập các chi tiết nhỏ thì các doanh nghiệp trong nước có năng lực để cung cấp, và kiểm tra sửa chữa. Nhưng với các loại khuôn lớn, phức tạp thì vẫn phải nhập khẩu, và gửi ra nước ngoài để sửa chữa.
Hơn nữa, do quy mô thị trường ô tô trong nước còn nhỏ nên các nhà lắp ráp cũng khó có thể phát triển hệ thống nhà cung ứng trong nước để tăng tỉ lệ thu mua trong nước. Các doanh nghiệp chế tạo khuôn và gia công các sản phẩm dập hiện nay chủ yếu để phục vụ công nghiệp xe máy và các ngành công nghiệp cơ khí khác.
Về đúc, một số doanh nghiệp FDI có đủ năng lực đúc và cung cấp cụm chi tiết bánh xe, nhưng do quy mô thị trường trong nước còn quá nhỏ, nên hầu hết các doanh nghiệp này mới chỉ phục vụ các doanh nghiệp xe máy là chủ yếu, và chỉ thực hiện các đơn hàng đúc bánh xe ô tô với quy mô hạn chế.
Về công nghệ xử lý bề mặt, năng lực mạ, xử lý bề mặt tại Việt Nam đã khá phát triển để phục vụ công nghiệp xe máy. Tuy hiện nay công nghiệp ô tô chưa sử dụng nhiều do chủ yếu lắp ráp CKD, nhưng khi quy mô thị trường đủ lớn, hệ thống nhà cung cấp phát triển thì năng lực xử lý bề mặt kim loại cũng sẽ phát triển đáp ứng nhu cầu của ngành.
Ắc quy là phụ tùng đơn giản, không đòi hỏi công nghệ phức tạp và có tỉ lệ thay thế khá lớn, nên ngoài việc cung cấp trực tiếp cho nhà lắp ráp ô tô, ắc quy còn cung cấp cho các đại lý bảo hành, bảo dưỡng.
Do vậy, nhu cầu về ắc quy lớn hơn nhiều so với quy mô thị trường xe ô tô. Hiện nay, tại Việt Nam có một số doanh nghiệp, cả FDI và doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung cấp ắc quy cho các nhà sản xuất ô tô, như GS, Pinaco, Le Long trong miền Nam, và Tibaco ở miền Bắc.
Cụm dây điện là sản phẩm mà các doanh nghiệp lắp ráp ô tô có thể thu mua trong nước, và cũng là sản phẩm Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Mexico... với kim ngạch xuất khẩu lớn.
Nhà cung cấp cụm dây điện chủ yếu là các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản như tập đoàn Sumitomo với 5 nhà máy đặt tại các tỉnh khác nhau tại miền Bắc, và công ty Yazaki tại Hải Phòng.
Ghế ô tô là sản phẩm cồng kềnh nên hầu hết các nhà lắp ráp đều tiến hành nội địa hoá cụm chi tiết ghế sớm nhất. Với các linh kiện phức tạp của ghế như các chi tiết lò xo, sensors... các nhà cung cấp cấp 1 vẫn phải nhập khâu, nhưng với các linh kiện cơ khí đơn giản thì hầu hết đều có thể thu mua trong nước.
Có nhà cung cấp cấp 1 tổ chức một phòng trưng bày toàn bộ chi tiết rời của ghế, đánh dấu những chi tiết đã nội địa hoá và những chi tiết đang tìm nhà cung cấp. Ngoài các chi tiết cơ khí, các ngành dệt may, thuộc da cũng rất cần thiết để sản xuất ghế ô tô.
Đáng tiếc là cho đến nay, nhà cung cấp này vẫn chưa tìm được nhà cung cấp cấp 2 nào có thể cung cấp được vải và da đáp ứng yêu cầu của mình.
Về các linh kiện nội thất, tuy chưa sản xuất được toàn bộ nhưng một số chi tiết các nhà lắp ráp hoặc các nhà cung cấp cấp 1 đã có thể tìm được nhà cung cấp nội địa một số chi tiết nhựa, ăng ten, bộ dụng cụ tháo lắp bánh xe...
Theo Bộ KHĐT, tới đây Chính phủ sẽ đặt ra những mục tiêu cụ thể nhằm thu hút nguồn vốn chuyển dịch đầu tư để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô, đáp ứng cơ bản cho hoạt động sản xuất trong nước (năm 2025, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và đến năm 2030 con số này sẽ là 70%).
Nguồn: [Link nguồn]
Hãng xe Nhật khá kín tiếng khi đề cập đến việc ra mắt Isuzu mu-X thế hệ thứ 2. Nhưng một số nguồn tin đã tiết lộ...