Vì sao hãng ô tô từ chối bảo hành khi chủ xe không đổ đúng dầu 0,001S-V?

Chuyên gia cho rằng các hãng từ chối bảo hành khi chủ xe đổ sai loại dầu 0,001S-V mà hãng yêu cầu là đúng, do đó các chủ xe cần biết để đổ loại dầu đúng.

Mới đây câu chuyện về một chủ xe bị từ chối bảo hành ô tô do sử dụng sai loại dầu theo đề nghị của hãng xe cũng đang gây ra nhiều sự quan tâm của dư luận.

Được biết đó là một mẫu xe yêu cầu tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và hãng yêu cầu trong thời gian bảo hành, bảo dưỡng xe phải đổ loại dầu 0,001S-V mới đúng quy định bảo hành. Tuy nhiên, một lần về tỉnh, chủ xe đã đổ không đúng loại dầu và bị từ chối bảo hành.

Việc tại các cây xăng ở nước ta có bán loại dầu 0,001S-V khá hiếm. Được biết chỉ có tại các cây xăng của Petrolimex và đa số ở các thành phố lớn. Do đó, nhiều chủ xe cũng khá bức xúc khi hãng từ chối bảo hành nếu chủ xe không đổ đúng loại dầu theo quy định.

Các chủ xe cần tìm hiểu loại dầu đúng, chất lượng để đổ cho xe. Ảnh: TN

Các chủ xe cần tìm hiểu loại dầu đúng, chất lượng để đổ cho xe. Ảnh: TN

Trao đổi với PLO, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết trong kỹ nghệ chế biến dầu thô phân biệt chia hai loại dầu chua và dầu ngọt. Trong đó, dầu chua tức là hàm lượng lưu huỳnh cao vì nó sinh ra axit, còn dầu ngọt thì nó có ít lưu huỳnh và giá của hai loại cũng khác nhau.

“Ở Việt Nam, đa số các cây xăng có loại dầu là 0,052S và 0,005S, hiện cũng hiếm thấy loại dầu 0,001S. Số càng cao biểu hiện hàm lượng lưu huỳnh cao, do đó tác động đến động cơ nhiều thứ về động cơ, khí thải”- PGS-TS Dũng cho hay.

Theo PGS-TS Dũng, lưu huỳnh kết hợp với hydro để tạo thành một chất cực kỳ độc là Sulfuahydro, chất này ăn mòn cực lớn, nó có thể làm oxy hóa bơm nhiên liệu, kim phun và mục ngay cả thép cứng.

Khi vào trong buồng đốt, nó cháy sẽ tạo thành sulfurơ, SO2, SO3, tạo ra axit Sulfuric (H2SO4) đi qua khe hở lẫn vào trong nhớt, xảy ra vấn đề. Thông thường trong nhớt có chất phụ gia nhằm mục đích nhớt lâu hư. Nếu không có phụ gia này sẽ làm hàm lượng axit trong nhớt tăng nhanh. Trong khi đó, nhớt vừa là chất bôi trơn, vừa làm mát đi khắp chi tiết động cơ, nếu lượng lưu huỳnh cao sẽ làm ăn mòn các chi tiết đó nhanh như piston, xilanh…

“Khi lưu huỳnh lẫn trong nhớt nhiều nó sẽ gây ra tụ những chất keo, dính kim phun. Do đó, các xe Việt Nam khi về một số tỉnh, thành (xe phun dầu điện tử) đổ dầu hàm lượng lưu huỳnh cao sẽ gây ra dính kim phun. Sau 1 tuần, phải thay thế kim phun ngay chứ không thể sử dụng”- vị PGS-TS phân tích.

Đồng thời vị này cũng cho biết, khi hàm lượng lưu huỳnh trong nhớt cao cũng tác động đến khí thải. Tất cả những động cơ diesel ngày nay để đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 phải đáp ứng bộ xúc tác SCR (Selective Catalytic Reduction).

“Chúng ta có thể quan sát ở các cây xăng có bán dung dịch Sblue màu xanh để phun vào bình chứa SCR để khử hàm lượng chất NOx. Vì khi hàm lượng lưu huỳnh nhiều trong dầu tạo sản phẩm cháy làm hư lọc nguội. Trong bầu khói lọc bụi than nhờ bầu lọc này”- PGS-TS Dũng cho biết nguyên lý khi lưu huỳnh sau khi đốt cháy ra ngoài pô làm nghẹt lọc, tạo tinh thể làm nghẹt lọc này.

Do đó, theo ông Dũng thông thường bộ lọc SCR có thể sử dụng 5 năm nhưng nếu dầu không chất lượng thì khoảng1 năm sẽ hư bầu lọc, rớt đăng kiểm.

“Việc các hãng từ chối bảo hành và yêu cầu như vậy là đúng. Nên các chủ xe cần biết để đổ dầu đúng”- vị PGS-TS nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 - Euro 5 từ ngày 1-1-2022.

Từ đầu năm 2022, khi các hãng xe cũng có kế hoạch đưa các mẫu xe đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5 ra thị trường. Đồng thời, các hãng cũng chú trọng nhân viên bán hàng và đội ngũ kỹ thuật đã được đào tạo của các hãng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tư vấn và hỗ trợ khách hàng tìm hiểu và nắm rõ các khuyến cáo quan trọng về việc sử dụng xe và nhiên liệu nhằm giảm thiểu rủi ro.

Nguồn: [Link nguồn]

Cập nhật giá niêm yết và lăn bánh xe Toyota Innova mới nhất đầy đủ các phiên bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY NHUNG ([Tên nguồn])
Hỏi - Đáp Luật Giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN