Thị trường ô tô lao dốc, có nên tiếp tục giảm phí trước bạ?
Dịch Covid-19 bùng phát khiến thị trường ô tô biến động ngoài dự báo. Các doanh nghiệp ô tô đang rất cần sự hỗ trợ để khôi phục thị trường.
Nguy cơ sụt giảm doanh số tới 17%
Dịch bệnh tái bùng phát đã tác động mạnh tới toàn nền kinh tế nói chung, cũng như gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới ngành công nghiệp ô tô nói riêng ở cả 2 phương diện quan trọng nhất là gián đoạn chuỗi cung ứng và làm sụt giảm nhu cầu thị trường.
Thị trường ô tô trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức
Theo các chuyên gia, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 5,64%, cao hơn mức tăng 1,82% cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, mức tăng vẫn rất khiêm tốn so với 7,05% và 6,77% cùng kỳ các năm 2018 và 2019. Mức tăng này chưa phản ánh được hết tình hình kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021, nhất là trước việc bùng phát dịch bệnh lần thứ tư trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, thị trường ô tô 6 tháng đầu năm 2021 có tăng trưởng dương, nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn và không phản ánh được hết bối cảnh thực chất và phức tạp của thị trường. Dù 6 tháng đầu năm tăng trưởng nhưng vẫn âm 24% nếu so với 6 tháng liền kề trước đó (tính riêng xe du lịch). Còn phân khúc xe khách/ xe buýt cũng chịu tác động nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm 2020 và 2021, khi sụt giảm lần lượt 80% và 21% so với cùng kỳ năm 2019 và 2020.
Thêm vào đó, dịch bệnh đã khiến tài chính người tiêu dùng sụt giảm, khiến tâm lý tích trữ tiết kiệm gia tăng, người tiêu dùng chuyển hướng quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn là xa xỉ phẩm như ô tô.
Dự báo với tình hình phức tạp và mức độ lây lan khó kiểm soát của dịch bệnh như hiện nay (đặc biệt tại khu vực phía Nam), toàn thị trường đến cuối năm sẽ sụt giảm từ 5 - 17% tùy theo diễn biến thực tế cũng như các biện pháp đối phó nhằm phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến nhiều nhà máy sản xuất và cung ứng linh kiện ô tô trên toàn thế giới vẫn tiếp tục phải đóng cửa, hạn chế giao thương… ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp trong nước. Điển hình như việc thiếu chất bán dẫn ảnh hưởng tới nguồn cung linh kiện chip điện tử đến nay đang là bài toán nan giải với rất nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức thì sản lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng trưởng đột biến lên tới 99,6% về lượng và 102,5% về giá trị, tính 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020.
Nhìn lại diễn biến thị trường năm 2020, tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc lên tới 41% trong nửa đầu năm, đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy vậy, nhờ Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 31/12/2020 ban hành kịp thời, chỉ tính riêng từ ngày 28/6 – 31/12/2020, tỷ trọng xe ô tô nhập khẩu giảm về mức 27%, bảo đảm tương quan tỷ trọng.
Sang tới nửa đầu năm nay, tỷ lệ này đã tăng lên 34%. Trong bối cảnh đó, nếu không có những can thiệp kịp thời và quyết liệt từ Chính phủ thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu thương mại.
Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách
Có nên tái áp dụng giải pháp giảm lệ phí trước bạ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng tiết lộ, VAMA đang nghiên cứu để tái đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô đăng ký mới.
Trước đó vào tháng 3/2021, VAMA cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan, trong đó đề xuất cân nhắc ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký mới. Tuy nhiên khi đó, dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp như hiện nay, qua tổng kết, rà soát các chính sách hỗ trợ, Bộ Tài Chính thấy rằng đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô đăng ký mới là không phù hợp với bối cảnh.
Trước đó, TC Motor cũng đã có văn bản, kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cụ thể là tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo một số chuyên gia, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tác động trực tiếp tới thu ngân sách Nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước vẫn đang bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhìn lại kết quả mà chính sách này đã mang lại trong nửa cuối năm 2020, theo Báo cáo của Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính), quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tình trạng thiếu nguồn cung tại Mỹ đã khiến mẫu xe giá rẻ như Mitsubishi Mirage bị bán kênh giá cao hơn so với mức niêm...