Thị trường ô tô bất ngờ trầm lắng dịp cuối năm
Cơ hội “chạy” doanh số cuối năm của đại lý ô tô đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ lãi suất vay mua xe và giá bán nhiều dòng xe tăng mạnh.
Cơ hội “chạy” doanh số cuối năm của các đại lý ô tô đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ lãi suất vay mua xe trả góp và giá bán nhiều dòng xe tăng mạnh.
Khách mua giảm mạnh
Ngày 22/12, PV có mặt tại một đại lý Hyundai ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Theo quan sát, lượng khách đến xem xe khá thưa thớt. Nhân viên kinh doanh tại đây cho hay, cùng thời điểm này năm ngoái, trung bình mỗi ngày có vài chục lượt khách đến showroom thì hiện tại chỉ còn không tới 10 lượt.
Lượng khách tới đại lý xem xe giảm mạnh trong giai đoạn cuối năm
“Thông thường, lượng xe bán ra quý IV ít cũng chiếm tới 50%, thậm chí ngang bằng kết quả kinh doanh của cả 3 quý đầu, song năm nay sức mua giảm rõ rệt. Cùng kỳ năm ngoái, đại lý bán vài trăm xe nhưng hiện tại doanh số chỉ bằng khoảng 20%”, nhân viên này nói.
Bên cạnh việc lượng khách mua xe giảm mạnh do khó vay trả góp, theo lý giải của nhân viên này, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán… sau giai đoạn tăng trưởng mạnh đang bước vào chu kỳ suy thoái, dẫn tới nguồn tiền bị mắc kẹt, lượng tiền mặt không còn nhiều.
Vì vậy, nhiều người dừng mua sắm những mặt hàng thuộc diện tiêu sản như ô tô. Việc sụt giảm này bắt đầu thể hiện rõ nét trong những tháng cuối năm và ở các thành phố lớn – nơi nhu cầu đầu tư cao.
Thêm vào đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu linh kiện cũng khiến một số dòng ô tô ăn khách liên tục khan hàng. “Tình hình kinh doanh được trông đợi sẽ cải thiện hơn trong tháng 12 do là tháng cao điểm trước Tết, nhưng chắc chắn không thể bằng cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn đầu năm 2023 nhiều khả năng vẫn rất khó khăn”, nhân viên này nhận định.
Anh Chính Trí, chủ một showroom ô tô cũ trên phố Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, một số ít ngân hàng vẫn đang chấp nhận giải ngân cho vay mua xe cũ, song hồ sơ vay cần rất đẹp. Đồng thời, lãi suất cũng hơn 10%/năm và cần mua thêm bảo hiểm hoặc số tài khoản đẹp với chi phí khoảng từ 2-3% giá trị khoản vay.
Hiện tại, khách mua ô tô cũ bình dân chủ yếu chọn phương án trả thẳng. Các dòng xe sang cũ giá từ 1-1,5 tỷ đồng trở lên rất khó bán do quá nửa lượng khách mua trả góp, nhiều showroom phải cắt lỗ từ 100-200 triệu đồng/xe. “Lượng ô tô cũ bán ra của cửa hàng giảm đến hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái”, anh Trí nhận định.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường tháng 11 chỉ đạt 36.371 xe, thấp hơn tháng trước 189 xe. Kết quả này trái ngược năm 2021 khi lượng ô tô bán ra cùng kỳ tăng mạnh 30% so với tháng 10, đạt 38.656 xe.
Tuy cộng dồn đến hết tháng 11, người Việt đã tiêu thụ gần 370.000 ô tô các loại - cao nhất từ năm 2015 tới nay nhưng theo đại diện VAMA, thị trường cuối năm nhiều khả năng còn sụt giảm so với cùng kỳ của 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Khó vay mua xe, giá xe liên tục tăng
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, một cán bộ tín dụng Techcombank cho hay, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng chưa có tên trong quyết định mới nhất của NHNN. Do vậy, vay mua xe ô tô với mục đích tiêu dùng cá nhân lúc này chưa khả thi.
Trong khi đó, theo một nhân viên kinh doanh đại lý Toyota tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), lãi suất vay mua ô tô trả góp của đa số ngân hàng vẫn ở khoảng 10%/năm trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo có thể lên tới hơn 14%. Mức này không thay đổi nhiều so với cuối tháng 11, đồng thời cao hơn đáng kể giai đoạn giữa năm khi lãi suất chỉ từ 7-8%/năm.
“Hầu hết khách hàng mua xe ở thời điểm hiện tại là những người có đủ điều kiện kinh tế và lựa chọn phương án trả thẳng. Lượng khách mua ô tô trả góp chỉ bằng 20% hồi giữa năm.
So với những tháng cuối năm 2021, doanh số bán hàng của đại lý cũng giảm đến phân nửa do thiếu hụt nguồn cung một số mẫu xe, ngân hàng không có room vay và điều kiện vay cao”, nhân viên này cho hay.
Một yếu tố nữa khiến khách hàng có nhu cầu mua ô tô phải cân nhắc khi các mẫu xe liên tục tăng giá do nguồn cung chip bán dẫn thiếu hụt, tỷ giá ngoại tệ biến động. Trong đó tại phân khúc phổ thông, hàng loạt mẫu xe Hyundai, Toyota, Kia, Mazda hay Peugeot có giá bán cao hơn bắt đầu từ quý IV.
Như Mazda6, CX-5, CX-8 và BT-50 được điều chỉnh giá niêm yết tăng từ 10-40 triệu đồng hồi đầu tháng 10.
Toyota cũng tăng giá các phiên bản Fortuner 2.7 nhập khẩu thêm 42 triệu đồng và bổ sung một số hệ thống an toàn. Trước đó vào tháng 5, hãng từng thông báo 10 dòng xe (gồm Vios, Yaris, Corolla Cross, Innova, Raize, Camry, Fortuner, Alphard, Land Cruiser, Land Cruiser Prado) có giá mới cao hơn từ 5-53 triệu đồng.
Tương tự Toyota, Kia cũng nhiều lần điều chỉnh giá xe trong năm 2022. Ở lần tăng giá mới nhất vào tháng 11, ngoại trừ Carens vừa ra mắt, những mẫu ô tô Kia còn lại gồm Morning, K3, K5, Sonet, Seltos, Sportage, Sorento, Carnival đều tăng giá từ 10-70 triệu đồng tuỳ phiên bản.
Cũng trong tháng 11, Hyundai Creta tăng giá từ 10-20 triệu đồng, Hyundai Tucson tăng từ 20-35 triệu đồng trong khi mẫu SUV hạng D Santa Fe tăng từ 25-35 triệu đồng.
Không riêng phân khúc phổ thông, nhiều mẫu ô tô cao cấp và hạng sang cũng tăng giá mạnh trong giai đoạn cuối năm, cao nhất lên đến hàng trăm triệu đồng.
Do có nhiều biến động nên theo nhận định, thị trường ô tô tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn.
Theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện nay tỷ lệ nội địa hoá ô tô thấp nên phần lớn linh kiện đều phải nhập khẩu. Với các doanh nghiệp nhập khẩu bằng USD, khi giá USD tăng, chắc chắn chi phí đầu vào sẽ tăng và dẫn đến đầu ra cũng phải tăng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hãng xe thể thao Đức Porsche đã có mặt tại thị trường 15 năm với nhiều cột mốc đáng nói.