Tạm giữ giấy phép lái xe và bị tước bằng lái trên VNeID, cái nào vẫn được lái xe ra đường?

Sự kiện: Luật giao thông

(PLO)- Nhiều người dân thắc mắc việc tạm giữ giấy phép lái xe và bị tước bằng lái xe thì hình thức nào vẫn có thể lái xe. 

Mới đây trên một trang mạng xã hội về ô tô, xe máy nhiều người tỏ ra hoang mang khi không phân biệt được hình thức tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) và tước GPLX thì cái nào vẫn được điều khiển xe.

Một thành viên đặt câu hỏi: “Bị tạm giữ GPLX trên VNeID thì có được phép lái xe hay không? Tôi bị tạm giữ chứ không phải bị tước GPLX”.

Phía dưới phần bình luận cũng nhận được tư vấn của các thành viên khác. Trong đó, nhiều người vẫn hiểu sai rằng tạm giữ GPLX và tước GPLX là giống nhau, đồng nghĩa với việc người này không được điều khiển xe.

Bên cạnh đó thì thì một số ý kiến cũng cho rằng tạm giữ GPLX là để chủ phương tiện chấp hành quy định xử phạt, khi nào tước GPLX mới không được lái xe.

Tạm giữ GPLX và bị tước GPLX trên VNeID có khác nhau? Ảnh: MINH HOÀNG

Tạm giữ GPLX và bị tước GPLX trên VNeID có khác nhau? Ảnh: MINH HOÀNG

Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Trần Văn Giới, Đoàn LS TP.HCM cho biết, tạm giữ GPLX và tước quyền sử dụng GPLX đều là các hình thức xử lý vi phạm hành chính được cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền áp dụng khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

“Nhiều người nhầm lẫn hai thủ tục này là một, tuy nhiên nội dung, thời hạn và hệ quả pháp lý theo quy định pháp luật của hai hình thức xử lý này là hoàn toàn khác nhau”- LS Giới cho hay.

Theo LS Giới, tước quyền sử dụng GPLX là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 82 Nghị Định số 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021).

“Tước quyền sử dụng GPLX là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép. Về thời hạn, thời hạn tước quyền sử dụng GPLX là từ 1 tháng đến 24 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành, thời hạn tước quyền sử dụng sẽ được quy định cụ thể cho mỗi hành vi vi phạm”- LS Giới cho hay.

LS cũng lưu ý, hệ quả pháp lý của hình thức này là trong thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX. Theo đó, người bị tước giấy phép không được điều khiển các phương tiện tham gia giao thông quy định trên giấy phép. Nếu người bị tước giấy phép tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Khi bị tạm giữ GPLX, người này vẫn có thể điều khiển xe được. Ảnh: MXH

Khi bị tạm giữ GPLX, người này vẫn có thể điều khiển xe được. Ảnh: MXH

Riêng về hình thức tạm giữ GPLX, LS Giới phân tích đây là biện pháp bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 83 Nghị định số 100/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021).

“Tạm giữ GPLX là biện pháp được áp dụng để đảm bảo người có hành vi phạm hành chính sẽ thi hành quyết định xử phạt. Thời hạn tạm giữ GPLX thông thường không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ”- LS Giới cho hay.

Cũng theo LS, trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Đối với các vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn tạm giữ GPLX có thể được kéo dài nhưng không quá 2 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Về hệ quả pháp lý: Việc tạm giữ GPLX trong thời gian chờ ra quyết định xử phạt hành chính không làm ảnh hưởng quyền sử dụng GPLX của người bị tạm giữ.

“Tuy nhiên, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính. Người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”- LS Giới nói thêm.

Tước GPLX bản chính hay VneID đều không được chạy xe

Một vị CSGT tại TP.HCM cho biết, trường hợp người dân vi phạm giao thông mà bị tước GPLX sẽ được ghi rõ nội dung trong biên bản xử phạt là vi phạm điều khoản trong Luật giao thông đường bộ và hình thức xử phạt bổ sung tước GPLX trên hệ thống VNeID.

Biên bản sẽ được cập nhật trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, nhập quyết định xử phạt với hình thức xử phạt bổ sung tước GPLX trên VNeID. Khi nhập thông tin này thì CSGT cả nước sẽ đều tra cứu được thông tin này.

“Dù đi tỉnh nào thì CSGT cũng sẽ nhận biết được người này đang bị giữ GPLX trên VNeID. Điều này tương đương với việc người điều khiển xe đang không có GPLX, nếu người này cố tình chạy xe thì sẽ bị giữ xe”- vị CSGT cho hay.

Cũng theo vị này, trên hệ thống VNeID cũng thể hiện thông tin người bị tạm giữ GPLX từ ngày tháng nào, đến ngày tháng nào và tại đơn vị CSGT nào. Nếu bằng lái tích hợp mà người dân đã đăng nhập trên VneID thì hệ thống cũng thể hiện rõ người dân đang bị tạm giữ GPLX xe máy hay ô tô. Tương đương với việc GPLX còn lại vẫn còn hiệu lực sử dụng.

“Từ 1-7, dù người dân đưa GPLX bản chính hay VNeID thì CSGT cũng đều tra cứu thông tin để đối chiếu. Vì vậy dù bị tước GPLX trên VNeID thì bản chính cũng không còn hiệu lực sử dụng”- vị này cho biết thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Thông tin hướng dẫn thi hành việc kiểm soát thông tin GPLX trên môi trường điện tử được quy định tại Thông tư 28/2024/TT-BCA

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY NHUNG ([Tên nguồn])
Luật giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN