Sửa Nghị định 116, nhiều thuận lợi cho ô tô nhập khẩu

Sự kiện: Giá xe ô tô

Nghị định 17 đã gỡ bỏ một số quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu ô tô là kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận kiểu loại và đánh giá COP.

Nghị định 116 được sửa đổi giúp hoạt động nhập khẩu ô tô thuận lợi hơn. Ảnh Thanh Tùng

Nghị định 116 được sửa đổi giúp hoạt động nhập khẩu ô tô thuận lợi hơn. Ảnh Thanh Tùng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều kiện liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương. Nghị định này đã gỡ bỏ một số quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu ô tô là kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận kiểu loại và đánh giá COP.

Bỏ kiểm tra theo lô

Theo quy định mới, các loại xe nhập khẩu sẽ quay về kiểm tra theo kiểu loại và không cần Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) của nước xuất khẩu hoặc tổ chức có đủ thẩm quyền. Nghị định 17 cũng bỏ hình thức kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo lô đối với ô tô nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu đánh giá bảo đảm chất lượng ô tô (đánh giá COP) cũng chỉ áp dụng đối với một số quốc gia. Tuy nhiên, dù chứng nhận theo hình thức nào thì vẫn phải thử nghiệm kiểu loại tại Việt Nam. Nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, Giấy chứng nhận VTA sẽ có giá trị sử dụng tối đa 36 tháng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho hay, cơ quan quản lý sẽ không kiểm tra, thử nghiệm khí thải từng lô tại các trung tâm như hiện nay nhưng đối với mỗi lô xe nhập khẩu vẫn sẽ phải xác nhận xem có đúng kiểu loại đã được thử nghiệm hay không bằng hình thức lấy xác xuất 1 xe để đối chiếu và kiểm tra khí thải nhanh tại cảng.

Còn đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì sau khi đã kiểm tra, thử nghiệm mẫu đại diện với lô đầu tiên và được cấp giấy chứng nhận, những lô sau về nếu đầy đủ giấy tờ sẽ không phải kiểm tra, thử nghiệm lại, nhưng vẫn sẽ đánh giá thông qua hình thức thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường.

“Sắp tới, Bộ GTVT cũng sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP”.

Tăng lợi thế cho ô tô nhập khẩu

Theo ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm VN), thuận lợi lớn nhất khi sửa đổi Nghị định 116 là sẽ chuyển từ thử nghiệm theo lô sang thử theo kiểu loại, chỉ 1 lần và kết quả được sử dụng kéo dài lên tới 3 năm. Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm theo lô mà trước đây doanh nghiệp đã thực hiện theo Nghị định 116 cũng sẽ được sử dụng luôn. Ngoài ra, có một điểm mở cho hệ thống doanh nghiệp tự chứng nhận như của Mỹ, cũng đã nới ra cho thuận lợi hơn bởi Việt Nam đang đi theo hệ thống châu Âu, Mỹ.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, Trưởng phòng Pháp chế và Quan hệ Chính phủ (Ford Việt Nam) cho biết: “Ford Việt Nam là doanh nghiệp rất quan tâm đến Nghị định 116 nên khi gặp những khó khăn chúng tôi đã bám sát và có nhiều kiến nghị với Bộ GTVT và Chính phủ. Vì thế, chúng tôi đã rất mong chờ việc Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 116”.

Theo bà Phương, việc Nghị định 17 bãi bỏ quy định kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận VTA và đánh giá COP đối với một số quốc gia cho thấy Chính phủ và Bộ GTVT đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế. “Chẳng hạn như hiện nay khi thực hiện kiểm tra theo lô, thời gian từ khi xe nhập khẩu cập cảng đến khi thông quan có khi phải mất đến 1 tháng do số lượng xe kiểm tra phải xếp lượt. Điều này không chỉ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mà ảnh hưởng đến kế hoạch bán xe ra thị trường”.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết: “Trước đây, thời gian từ khi xe về cảng đến lúc thông quan thì mất khoảng 1 tuần nhưng sau khi ban hành Nghị định 116 sẽ kéo dài thời gian từ khoảng 2 - 3 tuần. Nhưng nay được sửa đổi thì thời gian sẽ lại được rút ngắn, có thể chỉ khoảng từ 1 tuần đến 10 ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chờ thông tư hướng dẫn sửa đổi Thông tư 03 của Bộ GTVT”.

Về câu hỏi liệu thủ tục thông thoáng với xe nhập khẩu có tạo sức ép lên xe sản xuất, lắp ráp trong nước, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, sửa đổi Nghị định 116 giúp doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian, thế nhưng chưa chắc lượng ô tô nhập khẩu về sẽ tăng mạnh. Bởi hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô hiện nay đều đã thực hiện, đáp ứng các quy định tại Nghị định 116 và thực hiện nhập khẩu bình thường.

Đại diện Ford Việt Nam cũng cho biết, dù có những tháo gỡ trong các thủ tục nhập khẩu ô tô nhưng Ford Việt Nam vẫn sẽ tăng cường hoạt đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Đầu năm 2020, xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam giảm mạnh

Lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam giảm mạnh từ đầu năm 2020. Theo ước tính, tháng 1/2020, lượng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tùng ([Tên nguồn])
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN