Phân biệt xe SUV, CUV và MPV, điểm khác biệt và mục đích sử dụng
SUV, CUV và MPV là ba dạng xe đa dụng và phổ biến nhưng dễ gây nhầm lẫn với nhiều người.
Các nhà sản xuất động cơ sử dụng nhiều thuật ngữ để mô tả loại phương tiện. Do đó, thường có sự nhầm lẫn về ý nghĩa của một số tên và từ viết tắt. Sự nhầm lẫn này được giải quyết bởi tên gọi khác nhau được sử dụng để gọi các loại xe.
Cùng tìm hiểu khái niệm, sự khác biệt và mục đích sử dụng của xe SUV, CUV và MPV.
Khái niệm
SUV (Sport Utility Vehicle) là một loại xe gia đình với khung xe là khung xe tải nhẹ. Người dùng thích chọn xe SUV vì gầm xe cao, đi được nhiều địa hình. Dòng xe này có các lựa chọn phổ biến như Ford Everest, Land Rover Range Rover, Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero…
CUV (Crossover Utility Vehicle) loại xe ôtô được thiết kế theo kiểu việt dã thể thao nhưng nhỏ hơn, gầm xe thấp hơn. CUV hay còn gọi là Crossover SUV, mẫu xe này có cấu trúc thân xe liền khối với khung gầm và hệ thống truyền động. Ví dụ, Mazda CX-5, Honda CR-V, Kia Sorento...
MPV (Multiple-Purpose Vehicle) là loại xe đa dụng. Dòng xe này được thiết kế rộng rãi với nhiều chức năng, đặc biệt có thể chuyển đổi giữa việc chở người và chở hàng hóa thông qua việc sắp xếp các hàng ghế hành khách phía sau. Ở Việt Nam dòng xe này phổ biến có Toyota Sienna, Ford Tourneo, Kia Sedona…
Đối với dòng MPV cấu hình lớn hơn 9 - 16 chỗ (được gọi là xe van), xe thường được dùng để kinh doanh vận tải hành khách hoặc sử dụng trong các doanh nghiệp. Những cái tên thông dụng gồm có Hyundai Grand Starex (9 chỗ), Toyota Hiace (16 chỗ), Ford Transit (16 chỗ), Mercedes-Benz Sprinter (16 chỗ).
Mục đích sử dụng
Vận tải, chở người: SUV và CUV cùng sở hữu gầm cao, không gian rộng, khả năng chạy những địa hình khó nên thường được lòng các gia đình không quá đông người. CUV và SUV thường có cấu hình 5 chỗ trong khi MPV có đa dạng cấu hình 5 - 7 - 9 - 10 chỗ và thậm chí 16 chỗ. Do đó, những chiếc MPV thường được mua để phục vụ mục đích kinh doanh vận tải hay những gia đình nhiều thành viên.
CUV có khung gầm liền với vỏ xe nên xe gọn nhẹ giống sedan nên không gian hữu dụng lớn hơn so với khung tải của SUV vốn nặng, cồng kềnh và bị hạn chế không gian chuyên chở. Tuy nhiên, nhược điểm của khung gầm liền khối là tiếng ồn, rung từ lốp vọng vào khoang người ngồi nghe rõ hơn SUV, điều này cũng xảy ra tương tự với xe MPV.
MPV là dòng xe có không gian chuyên chở tốt nhất nhờ việc có thể gập gọn linh hoạt các hàng ghế sau để chuyển từ chở khách sang chở hàng hóa.
Off-road/vượt địa hình: SUV có nhiều tính năng hỗ trợ off-road hơn CUV, ví dụ như chức năng gài cầu, khóa vi sai, hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian, với cầu chủ động tiêu chuẩn là cầu sau. Còn xe CUV đa phần là hệ dẫn động cầu trước, một số xe có tùy chọn dẫn động 4 bánh toàn thời gian nhưng nhiệm vụ dẫn động chính vẫn là 2 bánh trước.
Bên cạnh đó, nhờ vào cấu trúc khung xe giúp tránh vặn xoắn trên địa hình khó, tăng khả năng chịu tải, giảm thiểu độ ồn và tác dụng của mặt đường lên khoang xe, SUV có khả năng vận hành tốt hơn trong việc chở tải, kéo theo tải và vượt địa hình off-road so với CUV. Tuy nhiên, khả năng vượt địa hình của CUV lại hơn hẳn MPV. Thực tế, với đặc điểm thân xe dài, nhiều chỗ ngồi, gầm thấp, MPV khó lòng có thể vượt địa hình tốt.
MPV cỡ nhỏ (ví dụ: Xpander, Ertiga) thì có hệ dẫn động cầu trước, xe cỡ trung và lớn (ví dụ: Innova, Transit) có hệ dẫn động cầu sau. Tuy nhiên, vì kích thước lớn và không có hệ dẫn động 4 bánh nên nhìn chung, xe MPV không thực sự tối ưu khi đi offroad.
Cập nhật giá niêm yết và lăn bánh mới nhất xe Toyota Avanza đầy đủ các phiên bản.
Nguồn: [Link nguồn]