Những mẫu xe hơi tiên phong thử nghiệm công nghệ an toàn
Những chiếc xe hơi dưới đây đã mở đầu và giúp việc ứng dụng ý tưởng công nghệ an toàn mới trên ô tô ngày càng được hoàn thiện hơn.
Hệ thống khởi động điện trên Cadillac (1912)
Động cơ đốt trong về cơ bản hoạt động với một hệ thống phản hồi dựa trên quán tính từ mỗi chu kỳ để bắt đầu chu kỳ kế tiếp. Vì lý do này, những chiếc xe ô tô đời đầu cần thao tác quay để khởi động động cơ. Việc này vừa mất sức, lại bất tiện, nên các kỹ sư lại loay hoay tìm cách khác hiệu quả hơn.
Cadillac Model Thirty được lắp đặt bộ khởi động điện đầu tiên trên thế giới
Bộ khởi động điện đầu tiên được phát triển tại Anh vào năm 1896 bởi H. J. Dowsing. Những chiếc xe đầu tiên được lắp đặt bộ khởi động điện được sản xuất bởi Cadillac vào năm 1912. Công nghệ khởi động này dần được áp dụng trên nhiều mẫu xe khác và giúp việc khởi động ô tô trở nên dễ dàng và ít nguy hiểm hơn.
Những chiếc tay quay khởi động động cơ vẫn được sử dụng khá phổ biến vào những năm 1920, thậm chí còn tồn tại cho mãi về sau trên những chiếc xe như Citroen 2CV (1948-1990). Chúng được sử dụng như một trang bị dự phòng cho trường hợp bộ khởi động bằng điện trục trặc.
Cửa sổ điện ô tô trên Lincoln Custom (1940)
Cửa sổ điện đầu tiên xuất hiện vào những năm 1940, khi nó được bổ sung như một tính năng sang trọng của dòng xe Packard 180 đời 1940.
Năm 1941, Ford Motor Company ra mắt cửa sổ chỉnh điện đầu tiên trên Lincoln Custom (chỉ dành cho xe limousine và sedan 7 hành khách).
Cửa sổ chỉnh điện đầu tiên trên Lincoln Custom
Sau này, nhiều hãng xe tạo ra loại cửa sổ chỉnh điện hiện đại hơn như General Motor, Buick, Volvo, Mazda... sử dụng công tắc nằm ở bảng điều khiển trung tâm.
Hiện nay, cửa sổ chỉnh điện trên xe ô tô được coi là an toàn hơn rất nhiều so với cửa sổ chỉnh tay trước kia.
Hệ thống trợ lực lái trên Chrysler Imperial (1951)
Hệ thống trợ lực tay lái đầu tiên được lắp đặt trên ô tô vào năm 1876 bởi một người thợ máy được biết đến với tên Fitts. Thế hệ tiếp theo đã được bố trí trên một chiếc xe tải hiệu Colombia tải trọng 5 tấn.
Hệ thống trợ lực lái lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc xe Chrysler Imperial
Robert E. Twyford, một cư dân ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania Hoa Kì đã đăng kí bằng sáng chế cho cơ cấu trợ lực cơ khí vào tháng 4 năm 1900 (bằng sáng chế số 646.477 U.S) và sử dụng nó trên chiếc xe đầu tiên có hệ thống dẫn động toàn phần.
Dù hệ thống này đã có từ lâu, nhưng chỉ đến khi Kỹ sư Francis W. Davis của Chrysler xuất hiện và ra mắt phiên bản dành xe hơi thương mại thì hệ thống này mới thật sự phổ biến.
Hệ thống trợ lực lái lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc xe Chrysler Imperial được đặt tên là “Hydraguide”.
Phanh đĩa trên xe Citroen DS (1955)
Cho đến thập niên 1950, phanh đĩa chỉ được dành cho những ứng dụng hiệu suất cao, thậm chí những mẫu xe đua thời đó vẫn sử dụng phanh tang trống lỗi thời.
Citroen DS vinh dự là chiếc xe đầu tiên trên thế giới sở hữu hệ thống phanh đĩa
Đến khi Citroen cho ra mắt mẫu DS vào năm 1955 với hệ thống phanh đĩa, các hãng xe khác mới bắt đầu làm theo và trang bị này dần trở nên phổ biến.
Hệ thống kiểm soát hành trình trên xe Chrysler Imperial (1958)
Hệ thống kiểm soát hành trình được phát minh vào năm 1945 bởi kỹ sư cơ khí khiếm thị Ralph Teetor. Ý tưởng của ông nảy sinh từ sự thất vọng khi ngồi trong xe do luật sư của mình lái quá chán.
Kỹ sư cơ khí khiếm thị Ralph Teetor là người phát minh ra hệ thống kiểm soát hành trình trên ô tô
Chiếc xe sử dụng hệ thống do Teetor phát minh đầu tiên là Chrysler Imperial năm 1958. Đến năm 1960, nó đã trở thành một tính năng tiêu chuẩn trên tất cả các chiếc xe Cadillac.
Dây đai an toàn trên xe Volvo PV54 (1959)
Mẫu xe đầu tiên được vinh dự áp dụng là Volvo PV54. Với chiếc dây đai này, hầu như mọi điểm yếu đã được phát hiện khi sử dụng dây đai an toàn 2 điểm đều được khắc phục như khả năng giữ chặt được ngực, vai, xương chậu, giúp người ngồi không bị lao về phía trước hay văng ra ngoài.
Dây đai 3 điểm hiện nay vẫn là tiêu chuẩn an toàn của một chiếc ô tô
Volvo ban đầu cũng chỉ lắp đặt dây đai 3 điểm ở ghế trước, và phải tới năm 1967 thì họ mới bổ sung chúng vào ghế phía sau.
Sau này, Volvo quyết định tặng miễn phí bằng sáng chế cho các nhà sản xuất ô tô khác, vì biết rằng nó sẽ cứu được nhiều tính mạng. Kể từ đó, tiêu chuẩn an toàn của một chiếc ô tô bắt buộc phải có dây đai an toàn.
Việc thắt dây an toàn trở thành bắt buộc đối với tất cả trẻ em từ năm 1989 và đối với hành khách ở ghế sau từ năm 1991.
Cần gạt nước trên xe Ford Galaxie (1964)
Robert William Kearns (sinh ngày 10/3/1927 – mất ngày 9/2/2005) là nhà phát minh hệ thống gạt nước không liên tục mà được dùng hầu hết trên các xe hơi từ năm 1969 đến nay. Bằng sáng chế đầu tiên của ông được đăng ký vào ngày 1/12/1964.
Robert Kearns cho biết nguyên nhân sâu xa phát minh của ông là một tai nạn xảy ra trong đám cưới của ông năm 1953, khi một nút bật chai rượu sâm banh bắn trúng mắt trái của ông, khiến về sau hầu như con mắt này mù hẳn.
Tai nạn mù mắt này đã khiến Kearns gặp khó khăn khi lái xe đặc biệt trong những cơn mưa. Sự chuyển động liên tục của các cần gạt nước làm ông không thể thấy được gì.
Ít ai biết để có được bằng sáng chế cần gạt nước ô tô, Robert William Kearns đã trải qua rất nhiều gian nan
Ông đã nghiên cứu và đưa ra mô hình hệ thống gạt nước không liên tục theo cơ chế mắt người thường chớp trong vài giây chứ không gạt liên tục từ trái sang phải rồi từ phải sang trái như cần gạt nước vào thời đó.
Kearns đăng ký bằng sáng chế, lắp đặt hệ thống gạt nước lên chiếc xe Ford Galaxie đời 1962 và lái đến trụ sở chính của Ford. Tại đây các kỹ sư của Ford đã xem xét xe hơi của ông, từ chối phát minh của ông và cho rằng ông đang điều khiển các cần gạt bằng một phím bấm trong túi áo ông.
Lúc đó các kỹ sư Ford đang thí nghiệm hệ thống cần gạt làm việc theo nguyên tắc chân không, trong khi Kearns là người đầu tiên phát minh cần gạt không liên tục làm việc bằng một động cơ điện. Sau một thời gian không thấy Ford trả lời, Kearns tiếp tục công việc một mình.
Kearns kiện Công ty Ford Motor năm 1978 và Công ty Chrysler vào năm 1982 về việc vi phạm bằng sáng chế. Trường hợp kiện Ford được đưa ra xử vào năm 1990 và đã có hai lần xử như vậy. Ford thua, tuy nhiên tòa án công bố sự vi phạm của Ford là không cố tình và Ford chỉ phải trả cho Kearns 10,1 triệu USD với thỏa thuận không kháng cáo.
Túi khí tiêu chuẩn trên xe Porsche 944 (1970)
Trước khi có sự xuất hiện của Porsche 911, túi khí đã có trên ô tô từ khá lâu. Nó được phát minh vào thập niên 1950, nhưng mãi đến thập niên 1970 mới được áp dụng thương mại, tuy nhiên vẫn ở dạng tùy chọn đắt tiền.
Porsche 944
Porsche 944 là mẫu xe thương mại đầu tiên được trang bị túi khí tiêu chuẩn cho cả người lái và hành khách, một bước đi mang tính cách mạng và tầm nhìn vượt thời đại.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên xe Chrysler Imperial (1970)
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS hoặc Hệ thống chống bó cứng phanh, là một công nghệ thông minh giúp ngăn bánh xe bị bó cứng trong quá trình phanh gấp, tránh trượt bánh.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên Chrysler Imperial
Ban đầu nó được sử dụng trên tàu hỏa và máy bay Concorde, trước khi phát triển trên chiếc Chrysler Imperial với tên gọi Sure-Brake (ABS 3 kênh). Cùng năm, Toyota giới thiệu hệ thống phanh chống trượt điều khiển điện tử trên Toyota Crown.
Phanh khẩn cấp tự động - Honda Inspire (2003)
Cả Mercedes-Benz S-Class và Honda Inspire đều được áp dụng hệ thống phanh khẩn cấp tự động vào năm 2003. Nhưng mẫu xe của Honda là một lựa chọn dễ tiếp cận hơn nhiều, điều này cũng góp phần giúp mẫu Inspire gặt hái được thành công.
Honda Inspire
Gần 20 năm kể từ khi ra mắt, hệ thống phanh khẩn cấp tự động đã cứu rất nhiều người, tuy nhiên đến nay nó vẫn là một tính năng tùy chọn, chứ chưa phải là tiêu chuẩn.
Honda City lần đầu chiếm ngôi đỉnh bảng.
Nguồn: [Link nguồn]