Những điều nên lưu ý khi sử dụng xe ô tô điện vào mùa đông
Mùa đông điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn cho các mẫu xe điện.
Khác với xe động cơ đốt trong ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ bên ngoài, xe điện có thể giảm tầm hoạt động tới 40%, kèm theo nhiều thay đổi khác, đồng nghĩa người dùng cần lưu tâm một số vấn đề khi sử dụng loại phương tiện này trong thời tiết giá lạnh.
Pin xe điện "vất vả" hơn khi nhiệt độ thấp, và có thể tự tiêu hao năng lượng khi trời chuyển lạnh. Tương tự như điện thoại thông minh, pin lithium phổ biến trên xe điện có dải nhiệt vận hành tối ưu 20-25 độ C. Trong khi đó, pin NiMH (thường thấy trên xe hybrid) có khả năng chống chịu nhiệt độ thấp tốt hơn. Để hạn chế tối đa tác động không mong muốn, người dùng nên hạn chế đỗ xe điện ngoài trời qua đêm. Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, nên giữ cho pin ở mức trên 20%.
Cân đối phạm vi hoạt động
Ngoài nguyên nhân đến từ đặc tính vật lý của pin, còn có nhiều lý do để phạm vi di chuyển mỗi lần sạc của xe điện suy giảm trong mùa đông. Ví dụ, sau một đêm dài buốt giá, xe phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để làm ấm pin, nhất là trong quá trình khởi động. Mật độ không khí tăng lên khi nhiệt độ hạ thấp cũng khiến xe tiêu tốn nhiều điện hơn cho việc di chuyển, nhất là ở tốc độ cao.
Theo những đánh giá mới của Hiệp hội ô tô Hoa Kỳ (AAA), xe điện có thể “mất” khoảng 12% phạm vi hoạt động trong điều kiện lạnh giá, chưa tính tới sự gia tăng sử dụng điện cho sưởi ấm, quạt gió… Thậm chí, khi nhiệt độ giảm xuống -6 độ C, tùy vào từng dòng xe mà phạm vi di chuyển có thể suy giảm tới 41% (so với mức nhiệt 23 độ C). Vì thế, người dùng cần luôn để mắt tới trạng thái của pin xe.
Thời gian sạc của xe điện vào mùa đông dài hơn đáng kể. Trong một số trường hợp, thời gian có thể lâu gấp đôi hoặc gấp ba lần bình thường. Trên thực tế, hệ thống quản lý pin (BMS) – chịu trách nhiệm tương tác với trạm sạc và thay đổi công suất sạc của xe - luôn tính đến nhiệt độ của bộ pin.
Nhiệt độ linh kiện này càng rời xa mốc lý tưởng 20-25°C, khác biệt giữa tốc độ sạc thực tế và tốc độ sạc lý thuyết càng lớn. Vì thế, các chủ xe cần tính toán thời gian sạc sao cho phù hợp trong suốt lộ trình.
Nếu có thể, hãy chọn thời gian sạc kéo dài tới sát mốc dự kiến khởi hành, bởi phản ứng hóa học trong quá trình sạc sẽ sinh nhiệt giữ ấm cho pin và tránh tiêu hao điện trước khi xe lăn bánh. Một lưu ý khác là người dùng cần tính toán khoảng cách giữa các trạm sạc trên lộ trình, tránh tình huống "đứng đường" - vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời tiết lạnh giá.
Sử dụng hợp lý các hệ thống sưởi
Do không có nguồn nhiệt “tự nhiên” như xe sử dụng động cơ đốt trong, xe điện phải sử dụng điện để sinh nhiệt, và điều này đương nhiên ảnh hưởng tới phạm vi hoạt động. Để “xế cưng” lên đường trong trạng thái tốt nhất, người dùng nên bật sưởi xe khoảng 30 phút ngay khi đang cắm sạc. Bằng cách này, hệ thống sưởi sẽ không ảnh hưởng tới phạm vi hoạt động của xe.
Ngoài ra, trong quá trình di chuyển, tài xế có thể tiết kiệm điện bằng cách ưu tiên sử dụng sưởi vô lăng hoặc sưởi ghế thay vì đặt nhiệt độ hệ thống điều hòa toàn xe ở mức cao. Lưu ý, không cần hạn chế sử dụng các thiết bị an toàn như đèn hay cần gạt nước, vì những thành phần này tiêu thụ điện không nhiều. Việc chấp nhận rủi ro để đánh đổi vài kWh cũng không phải ý tưởng hay.
Cũng do đặc thù sử dụng điện để làm ấm như đã nêu ở trên, xe điện có hệ thống sưởi được trang bị bơm nhiệt (heat-pump) thay vì sưởi bằng điện trở thông thường, mức tiêu thụ điện sẽ giảm thiểu đáng kể. Trung bình, một máy bơm nhiệt trên xe điện có công suất từ 500 đến 750 watt trong khi hệ thống sưởi thông thường tiêu thụ từ 2.000 đến 4.000 watt.
Theo khảo sát, hệ thống bơm nhiệt được trang bị mặc định trên một số phiên bản của các dòng xe điện đời mới, đơn cử như Mercedes-Benz EQS, Tesla Model 3, Nissan Leaf hay Hyundai IONIQ 5/Kona EV…, trong khi một số mẫu như Porsche Taycan, Audi e-tron lại cung cấp thiết bị này dưới dạng tùy chọn.
Mẫu xe điện Ford Explorer mới đeo biển số châu Âu bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]