'Mượn xe của sếp vượt 15 chiếc đèn đỏ': Ai là người bị xử phạt?
Luật sư Võ Đan Mạch phân tích quy định của pháp luật hiện hành, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người bị xử phạt có thể là chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện.
Đã hơn 10 ngày kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe) chính thức có hiệu lực, các mức xử phạt và các câu chuyện liên quan đến các quy định mới này vẫn được nhiều người nhắc tới.
Đặc biệt những ngày gần đây, nhiều trang mạng xã hội truyền tay nhau tình huống vì giận sếp hoặc giận chồng nên người phụ nữ mượn xe của họ để vượt 15 cái đèn đỏ. Dù biết rằng đây cũng chỉ là tình huống mà các trang mạng xã hội đưa ra để vui đùa, tuy nhiên vấn đề về quy định của luật có thể nhiều người chưa biết.
Những tình huống "trớ trêu" được cư dân mạng mang ra phân tích. Ảnh: MXH
Vấn đề pháp lý đang được đặt ra ở đây là ai người bị xử phạt và bị phạt 15 lần hay như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người bị xử phạt có thể là chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện.
1. Trường hợp phát hiện và xử phạt vi phạm trực tiếp
Khoản 8, khoản 9 Điều 2 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ bao gồm: Người điều khiển xe cơ giới, người điều khiển xe thô sơ, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Điểm c khoản 7, điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định số 168/2024 quy định: Đối với người điều khiển xe (có thể là chủ phương tiện nếu trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông hoặc người khác được chủ phương tiện giao xe) có hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị trừ điểm giấy phép lái xe 4 điểm.
Ngoài ra, điểm b khoản 6 Điều 47 Nghị định số 168/2024 cũng quy định: Trường hợp người điều khiển phương tiện là chồng (vợ) của cá nhân đứng tên trong chứng nhận đăng ký xe thì người điều khiển phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện.
Như vậy, theo tình huống trên, đối với hành vi vượt đèn đỏ bị phát hiện và xử phạt trực tiếp thì chủ thể bị xử phạt là người điều khiển xe. Chủ phương tiện không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM
2. Trường hợp phát hiện vi phạm thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà chưa xử lý ngay thời điểm vi phạm (hay còn được hiểu là “phạt nguội”):
Khoản 8 Điều 47 Nghị định số 168/2024 quy định đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý thì thực hiện như sau:
- Cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để giải quyết vụ việc vi phạm. Việc thông báo được thực hiện bằng văn bản hoặc thực hiện thông báo bằng phương thức điện tử thông qua ứng dụng giao thông trên thiết bị di động dành cho công dân do Bộ Công an xây dựng, quản lý, vận hành khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin; đồng thời cập nhật thông tin về phương tiện vi phạm trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông.
- Chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
- Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
Theo quy định trên, khi cho mượn xe và hoặc hình thức khác để giao xe cho người khác, mà bị phạt nguội thì chủ xe, tức người đang đứng tên trên giấy tờ xe sẽ bị mời lên để làm việc. Khi đó, chủ xe phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định ai là người đã điều khiển xe và thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển xe vi phạm giao thông thì chủ xe sẽ bị xử phạt đối với hành vi bị phạt nguội.
Ngược lại, nếu chủ xe có “chứng cứ ngoại phạm”, chứng minh được người mượn xe đã thực hiện hành vi vi phạm thì người mượn xe đó sẽ là người bị phạt.
Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM
Ngoài ra, trong trường hợp chủ xe biết người điều khiển xe chưa đủ điều kiện lái xe theo quy định (ví dụ như chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe...) nhưng vẫn giao xe cho người lái xe điều khiển xe của mình còn bị xử phạt giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe.
Về việc xử phạt hành vi vượt đèn đỏ nhiều lần Tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020 và năm 2024) quy định: Một người vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Theo đó, mỗi lần vượt đèn đỏ (không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông) được xem là một lần vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt về từng lần vi phạm. Nếu người điều khiển xe thực hiện hành vi vượt đèn đỏ 15 lần thì sẽ bị xử phạt tương ứng là 15 lần (Nghị định số 168/2024 không quy định đây là tình tiết tăng nặng). |
Tuân thủ quy định giao thông không chỉ bảo vệ bạn mà còn đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Dưới đây là các hình thức và mức xử phạt dành cho vi phạm tốc...
Nguồn: [Link nguồn]
-13/01/2025 17:00 PM (GMT+7)