Mua 2 bảo hiểm cho một xe, khi tai nạn có được bồi thường gấp đôi?
Nhiều người do vô tình mua bảo hiểm 2 lần cho một phương tiện, vậy doanh nghiệp bảo hiểm có bồi thường gấp đôi nếu xảy ra sự cố?
Theo chuyên gia bảo hiểm Đỗ Hồng Sơn (Công ty CP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam) đây là tình huống hợp đồng bảo hiểm trùng, được quy định tại khoản 1 điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm: “Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với 2 doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm”.
Nếu mua bảo hiểm trùng loại bảo hiểm TNDS bắt buộc, bên bán bảo hiểm trước sẽ bồi thường, bên bán sau sẽ hoàn phí cho người mua
Theo ông Sơn, bảo hiểm trùng (Double Insurance) là hợp đồng bảo hiểm có phạm vi áp dụng với các đối tượng là tài sản và trách nhiệm dân sự, không áp dụng đối với chủ thể là con người.
Pháp luật hiện hành không cấm bên tham gia bảo hiểm mua bảo hiểm trùng cho đối tượng là tài sản.
“Trong thực tế có nhiều người do vô tình mua bảo hiểm trùng, nhất là với loại hình bảo hiểm bắt buộc TNDS của người đi mô tô, xe gắn máy hoặc xe máy điện”, ông Sơn nói.
Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ số tiền bảo hiểm trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Ví dụ: Anh A là lái xe công ty, chiếc xe có giá trị thị trường là 700 triệu đồng, chiếc xe này đã được anh A mua bảo hiểm vật chất xe tại công ty bảo hiểm X với giá trị bảo hiểm 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do vô tình chị kế toán công ty lại mua bảo hiểm vật chất cho xe tại công ty bảo hiểm Y, với giá trị bảo hiểm là 650 triệu đồng.
Đặt trong trường hợp hai công ty bảo hiểm có điều kiện bảo hiểm như nhau, xe của công ty đã mua bảo hiểm trùng với tổng số tiền được bảo hiểm tại 2 đơn vị bảo hiểm là 1,35 tỷ đồng.
Khi xảy ra sự kiện tổn thất, phải bồi thường 300 triệu đồng, hai công ty bảo hiểm X, Y có trách nhiệm bồi thường tổng cộng 300 triệu đồng cho ô tô của công ty anh A, số tiền mỗi công ty phải trả tương ứng với tỷ lệ giá trị bảo hiểm đã ký trên tổng số tiền bảo hiểm trùng.
Như ví dụ trên, công ty bảo hiểm X phải bồi thường 156 triệu đồng (52% số tiền 300 triệu đồng), công ty bảo hiểm Y bồi thường 144 triệu đồng (48% số tiền 300 triệu đồng).
Chuyên gia Đỗ Hồng Sơn cũng lưu ý một điểm đặc biệt, đó là với bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới, khi phát sinh bảo hiểm trùng thì doanh nghiệp bảo hiểm nào phát sinh hiệu lực giấy chứng nhận bảo hiểm trước sẽ phải chi trả bồi thường.
Doanh nghiệp bảo hiểm bán sau không phải chi trả bồi thường, nhưng phải hoàn trả lại phí bảo hiểm.
VinFast Fadil lần thứ ba liên tiếp dẫn đầu, Vinfast Lux A2.0 trở lại cuộc đua sau nhiều tháng vắng bóng.
Nguồn: [Link nguồn]