Mở cửa xe ô tô: Dễ nhưng không phải ai cũng biết

Mở cửa xe ô tô được cho là hành động khá đơn giản, nhưng nếu không đúng cách bạn có thể gây ra tai nạn thương tâm với người khác từ hành động này.

Những ngày cuối năm 2012 đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc tài xế mở cửa xe gây chết người. Trong đó có thể kể đến vụ tai nạn trên đoạn đường Trần Phú, TP Vinh (Nghệ An), khiến một người đi xe máy bị xe tải cán chết, do lỗi từ tài xế xe con mở cửa xe bất ngờ.

Mở cửa xe ô tô: Dễ nhưng không phải ai cũng biết - 1

Những tai nạn này nếu biết cách sẽ rất dễ tránh

Đầu tháng 1/2013 một người ngồi trên xe máy cũng bị ngã xuống đường, tử vong, một người khác bị thương nguy kịch do lỗi mở cửa xe không quan sát kỹ của tài xế.

Mới đây nhất là vụ tai nạn ở Nga, khi chiếc ô tô con đang đỗ ven đường thì tài xế bỗng dưng mở cửa để ra ngoài. Đúng lúc này, một người đàn ông điều khiển mô tô đi tới, va vào cửa ô tô, ngã xuống đường. Ngay lúc đó, có một chiếc ô tô khác di chuyển cùng chiều chiếc xe mô tô chạy qua, nhưng may mắn người điều khiển mô tô không bị chiếc xe kia chèn lên mà chỉ va quệt nhẹ.

Phần lớn những tai nạn này đều do tài xế ô tô khi mở cửa xe không quan sát kỹ gây tai nạn đáng tiếc cho người khác và rõ ràng đó là hành vi vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, hành động này cũng phải nhìn nhận từ phía người tham gia giao thông. Việc đi nhanh trong làn đường dành cho những chiếc xe đang dừng, đậu chắc chắn không phải là điều thông minh và an toàn, dù ở bất kỳ quốc gia nào.

Ở nước ta cũng đã ban hành điều 18 luật giao thông đường bộ, người điều khiển xe "không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn". Đó là chưa xét tới yếu tố việc dừng, đỗ xe trên đường của 2 xe có đúng quy định hay không. Đây là một trong những kiến thức rất sơ đẳng mà bất kỳ người lái xe ô tô nào cũng phải thuộc nằm lòng khi điều khiển xe.

Mời các bạn cùng theo dõi video sau

Điều 18 và 19, luật giao thông đường bộ về dừng và đỗ xe trên đường trong và ngoài đô thị:

1. Khi dừng xe, đỗ xe trên đường ngoài đô thị, người điều khiển phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì người điều khiển xe phải cho xe dừng, đỗ tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, người điều khiển chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn, nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy, phải đặt ngay báo hiệu để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Xe cơ giới khi dừng, người lái xe không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Trong đô thị:

a) Phải cho xe dừng, đỗ sát hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét;

b) Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

2. Cấm dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất các biển báo hiệu đường bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN