Lắp cản trước và sau cho ô tô: Yêu xe hay yêu người?
Đó là một mệnh đề so sánh khá thú vị đang được chia sẻ rộng rãi trên một số diễn đàn gần đây. Về tình, xe gắn thêm cản sau tăng độ an toàn, tránh trầy xước nhưng về luật lại không được phép.
Lắp cản trước cho xe được nhiều người dùng để bảo vệ cho "xế yêu"
Câu truyện của tình hay lý?
Tại một showroom trên phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội, loại cản sau xe đang bán khá chạy ở đây có giá lên tới gần 20 triệu đồng, được sản xuất tại Thái Lan, chuyên lắp cho dòng xe bán tải Ford Ranger. Chỉ với khoảng 2 tiếng đồng hồ chờ đợi, khách hàng đã có thể “ring” bộ giáp bảo vệ khá hầm hố và hiện đại cho xế cưng.
Về thực tế này, luật sư Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội), Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Mặt khác tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có định nghĩa cải tạo xe cơ giới như sau:
“Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe cơ giới. Trường hợp thay thế hệ thống, tổng thành bằng hệ thống, tổng thành khác cùng kiểu loại, của cùng nhà sản xuất (cùng mã phụ tùng) thì không phải là cải tạo”.
Như vậy, việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí bộ phận của xe cơ giới như đã nêu trên thì chủ xe phải thực hiện trình tự, thủ tục cải tạo tại Cơ quan đăng kiểm theo hướng dẫn tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT để làm thủ tục cải tạo xe cơ giới. Xe cơ giới sau khi cải tạo phải được đơn vị kiểm định cấp giấy chứng nhận cải tạo.
Trường hợp chủ xe gắn thêm khung bảo vệ cản sau khi chưa được Cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận cải tạo mà vẫn lưu thông trên đường bộ là vi phạm quy định về cải tạo xe và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định ở nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
Các xe lắp thêm cản trước và sau sẽ bị từ chối đăng kiểm và xử phạt theo luật giao thông
Đã thấu tình đạt lý?
Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, mọi hành vi can thiệp làm thay đổi kích thước và tính năng hoạt động của xe đều là vi phạm quy định về cải tạo xe, không đủ tiêu chuẩn để được phép đăng kiểm. Trong đó, có bao gồm lỗi lắp cản trước và sau cho xe ô tô.
“Không thể phủ nhận, với nhiều dòng xe, việc lắp thêm hệ thống bảo vệ nhiều khi còn tăng thêm tính thẩm mỹ cho xe nguyên bản. Tuy nhiên, khi lắp vào vô tình người sử dụng đã làm thay đổi khíc thước tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Dù không đáng kể, nhưng chiểu theo luật, cứ vượt quá 4cm là không đủ tiêu chuẩn đăng kiểm", ông Trí nói.
Trả lời cho câu hỏi tại sao không được lắp cản? Ông Trí giải thích, trong thiết kế của xe, người ta đã có tính toán chi tiết phần nhựa trước của đầu xe hoặc góc vát của xe là để khi nếu có va chạm, sự cố như húc phải một người nào đó thì phần nhựa này sẽ có tác dụng nâng người bị va chạm lên, giảm thiểu thương tổn. Nhựa nhẹ, có độ lún nhất định. Thứ hai nữa là về góc vát sẽ có tác dụng nâng người ta lên chứ không đè xuống. Quan trọng nhất là những ảnh hưởng về động học phức tạp hơn rất nhiều của xe.
Cũng theo ông Trí, về trang bị thêm cho xe, người dân cũng phải tuân thủ theo quy chuẩn của Thông tư 85 của bộ GTVT. Ví dụ như dán, bảo vệ xe bằng một lớp polyeste mỏng hoặc dán 1-2 cái đề can nhỏ, 1 cái mác, logo của hãng lên đầu xe thì không sao. Nhưng những phần độ khác như pô, lắp phụ tải, đèn,… thì phải xem xét. Mỗi chiếc xe được sản xuất và lưu hành trên đường đều phải tuân thủ 2 yêu cầu của nhà sản xuất và quy định của luật.
Trên thực tế còn có thực trạng "người mua xe độ thêm thiết bị điện, thời gian trước cũng xảy ra nhiều trường hợp chập cháy trong xe. Nhà sản xuất có phương án cho người dùng lắp thêm phụ tải hay không? Khi lắp, có đảm bảo không vượt quá công suất cho phép của xe hay không? Thực tế, quá trình đi dây và đường điện không đảm bảo có thể đi qua những vùng nhiều nhiệt có thể phát sinh cháy. Hoặc như độ pô làm thay đổi tính chất thải của xe, làm ô nhiễm âm thanh. Hay như đèn, công suất không đảm bảo sẽ gây cháy hoặc không đảm bảo độ sáng, độ chụm, độ chiếu xa… Nếu tay nghề thợ không tốt thì hậu quả khó lường”, ông Trí cho biết thêm.