Lái xe đi chơi dịp lễ nên tránh những điều sau
Cách xử lý tình huống trên đường Cao tốc sao cho tốt nhất và nên tránh những điều sau.
Dịp lễ các cung đường trở nên đông đúc hơn, cao tốc cũng không ngoại lệ khi lượng xe ô tô ngày càng nhiều. Thế nên việc lái xe của các tài mới sẽ có phần khác biệt hơn so với những ngày thường đi phố. Từ lâu cao tốc là nơi để các phương tiện có tốc độ cao vận hành và không có sự xuất hiện của xe máy để đảm bảo thông suốt.
Nhưng đâu đó vẫn có một số ít các lái xe giữ lại các thói quen cũ giống như đi trong phố khiến các phương tiện khác phải khó chịu khi vô tình gặp phải. Nhất là trong thời gian gần đây số lượng xe hơi cá nhân tăng đột biến dẫn đến nhiều tình huống mới lạ trên cao tốc khiến không ít người bất bình bởi dễ dẫn đến các sự cố khó lường.
Bò trên cao tốc
Đây có lẽ là tình trạng gây bức xúc khó chịu nhất của nhiều người khi gặp phải xe phía trước đi với tốc độ tối thiểu mặc dù không có bất cứ trở ngại nào. Dù luật pháp không cấm, điều đó không sai nhưng đây lại thuộc về ý thức của người lái đặc biệt là những chiếc container, xe tải thậm và đa phần là xe dịch vụ với tâm lý sợ hao xăng.
Việc chạy chậm khiến cho giao thông trở nên ùn tắc theo hiệu ứng domino, nếu muốn chạy chậm thì hãy chạy làn bên phải để nhường làn trái cho xe khác vượt, điều này thể hiện sự văn minh của người lái đồng thời tạo cho mình sự an toàn khi lái xe.
Đi song song với xe khác
Trong luật giao thông cũng không cấm việc đi song song với xe khác trên cao tốc. Nhưng hành vi này vô tình lại là sự cản trở giao thông nếu xe khác có ý định muốn vượt, đồng thời nếu chẳng may có tình huống va chạm có thể dẫn đến sự cố tai nạn liên hoàn khó tránh được
Nên nhớ trên tốc độ của các phương tiện trên cao tốc không hề thấp tối thiểu từ 60 đến 120 km/h thế nên dù chỉ là một va chạm nhỏ cũng đủ dẫn đến những tai nạn với hậu quả khó nói trước.
Không giữ khoảng cách an toàn
Khác với đường quốc lộ, nội thị thì trên cao tốc bắt buộc các xe lưu thông phải giữ khoảng cách an toàn và hầu hết các sự cố tai nạn trên cao tốc đều có chung nguyên nhân đến từ việc không giữ khoảng cách an toàn.
Theo quy định thì nếu vận hành với vận tốc 80 km/h thì phải cách xe phía trước 55 m bởi đây là khoảng cách đủ để người lái xe phía sau có đủ thời gian để phản ứng nếu chẳng may xe phía trước gặp sự cố. Chính vì vậy để đảm bảo an toàn cho chính mình thì cần chủ động, thậm chí là giảm ga nếu xe phía trước có dấu hiệu chững lại, đồng thời gia tăng thêm khoảng cách an toàn nếu gặp tới tiết xấu và tầm nhìn bị hạn chế.
Nhập đường cao tốc quá sớm
Theo quan tính sau khi vào đường dẫn với tốc độ hạn chế, người lái thường tăng tốc để nhanh chóng nhập làn cao tốc. Tuy nhiên việc tập trung tăng tốc sẽ khiến việc tình huống va chạm từ phía sau sẽ không còn tính chính xác cao.
Để đảm bảo an toàn, cần cố gắng giữ tốc độ tối thiểu, quan sát đầy đủ đặc biệt là từ phía sau và nhập làn một cách dứt khoát với tốc độ vừa phải, đồng thời cũng nên dần hình thành thói quen này để tránh các sự cố đáng tiếc.
Không sử dụng đèn báo rẽ khi chuyển làn
Đây là một lỗi có thể bị xử phạt cũng là lỗi sơ đẳng mà nhiều tài xế thường gặp nhất. Theo một số người việc liên tục chuyển làn trên cao tốc là bất tiện nên thường bỏ qua việc sử dùng đèn xi-nhan. Tuy nhiên nếu không để ý có thể gây ra những sự cố bất ngờ nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Chuyển làn không dứt khoát và liên tục
Dù pháp luật không cấm, nhưng việc chuyển làn không dứt khoát sẽ khiến các phương tiện phía sau hiểu rõ ý đồ của lái xe phía trước có thể dẫn đến những quyết định sai cho cả hai và thậm chí là những tai nạn không đáng có. Vì thế khi chuyển làn ngoài việc sử dụng đèn tín hiệu thì cần phải dứt khoát tránh tình trạng ngập ngừng.
Hành vi này mang tính chất văn hóa nhiều hơn, nếu như khoảng cách giữa các xe đủ an toàn và đảm bảo đúng tốc độ cho phép thì khó trách được người cầm lái. Tuy nhiên nếu đường đông hoặc mưa lớn, thời tiết xấu sẽ dẫn đến nhiều tình huống bất ngờ mà ngay cả tài già cũng khó tránh được hoặc dễ khiến các lái mới lúng túng dẫn đến sự cố cho người khác,
Dừng xe trên làn khẩn cấp
Thông thường trên cao tốc thường có một làn đường dành riêng gọi là làn khẩn cấp chỉ dành trong những trường hợp thật sự đặc biệt mang tính khẩn cấp ví dụ như xe hỏng, gặp sự cố không thể lưu thông hoặc dành cho xe cấp cứu, cứu hỏa khi cần thiết.
Tuy nhiên nhiều lái xe thường tận dụng làn đường này để vượt ẩu, nghỉ ngơi đi vệ sinh, thậm chí là ăn ún dưới nhiều hình thức mang tính đối phó như giả vờ hỏng xe, bật đèn cảnh bảo để phục vụ nhu cầu riêng của mình
Đi giữa làn đường
Không chỉ trên cao tốc mà ngay cả đường quốc lộ, nội đô thì việc đi giữa 2 làn đường khiến cho các phương tiện phía sau rất khó chịu bởi vì không thể nào vượt được hoặc cản trở lối đi của người khác. Nếu giữ thói quen này trên cao tốc rất có thể bạn sẽ bị các xe khác thậm chí là xe lớn ép xe để dằn mặt và đi về đúng làn đường của mình.
Quay đầu trên cao tốc
Cho dù là đi lố lối rẽ chỉ vài mét thì tuyệt đối không được quay đầu xe dưới bất cứ hình thức nào như lùi xe thậm chí là nhờ người xuống hướng dẫn mở đường. Theo quy định pháp luật thì dựa trên Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì việc “đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc” có mức phạt từ 16 đến 18 triệu đồng ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.
Chen hàng trạm thu phí
Một nguyên nhân khác dẫn đến ùn tắc, tai nạn chính là chen hàng. Hiện nay có khá nhiều tài mới, thậm chí là lái xe lâu năm vẫn giữ thói quen xấu khi chen hàng, giành lối khi ra vào trạm thu phí dẫn tới việc kẹt xe, thậm chí là các va chạm nếu không ai nhường ai.
Ngoài ra cũng có không ít người với lối tư duy cũ ít kiểm tra tài khoản VEC dẫn đến việc trì hoãn mỗi khi qua trạm thu phí dù hình thức thanh toán này đã triển khai từ rất lâu. Vì thế để đảm bảo sự thông suốt cũng như tránh ảnh hưởng cho người khác thì cần đảm bảo số dư tài khoản tránh phiền hà.
Nguồn: [Link nguồn]
Lái xe trên Cao Tốc luôn thoải mái nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên bình tĩnh để xử lý các tình huống.