KS Tạch: Bí kíp lội nước không chết máy

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, không phải cứ phóng thật nhanh khi lái xe qua chỗ ngập nước khỏi là có thể giúp cho xe không chết máy. Thậm chí nó còn khiến xe chết máy nặng hơn...

Vào mùa mưa, nguy cơ dắt bộ xe máy, hoặc phải thuê dịch vụ kéo ô tô chết máy do đường ngập khiến không ít người lo lắng. Để cùng bạn đọc tìm ra phương pháp nhằm hạn chế nỗi khổ dành cho người đi đường, PV Khampha.vn đã trao đổi với một số người có nhiều hiểu biết về lĩnh vực động cơ ô tô, xe máy.

KS Tạch: Bí kíp lội nước không chết máy - 1

Những trận mưa lớn tại Hà Nội đã khiến nhiều xe ô tô "uống" no nước

Về kiến thức dành cho ô tô, chúng tôi đã liên hệ với kỹ sư Lê Văn Tạch. Kỹ sư Tạch chính là người cách đây không lâu đã chỉ ra hàng loạt lỗi kỹ thuật trên một số dòng xe sản phẩm của hãng Toyota tại Việt Nam khiến hãng xe này đã phải triệu hồi rất nhiều sản phẩm của mình, trong đó ngày 15/4, đã phải ra thông báo kiểm tra và sửa chữa miễn phí tất cả các xe Innova và Fortuner sản xuất trước ngày 23/12/2010.

Qua chỗ ngập, phóng nhanh là sai lầm

Theo KS. Lê Văn Tạch, trời mưa, khi xe ô tô đi vào đoạn đường ngập, thường có 2 nguyên nhân cơ bản làm xe chết máy.

Nguyên nhân thứ nhất, khi xe đi vào nơi nước ngập vượt qua cổ ống xả. Lúc này, nếu tài xế nhấn ga ở tốc độ quá thấp hoặc không nhấn ga, khí đẩy ra chậm, thì nước sẽ chui vào ống xả làm tắc đường thoát dẫn đến khả năng chết máy.

Nguyên nhân thứ hai, nước cao hơn miệng hút gió. Nước sẽ tràn vào đường hút gió, cùng với không khí đi vào buồng đốt. Hỗn hợp nhiên liệu, khí và nước sẽ không cháy được dẫn đến ô tô chết máy.

Miệng hút gió được bố trí trong hốc khuất của xe. Vì thế, dù mưa to thì nước cũng không thể chảy vào, nhưng nếu xe đi vào chỗ ngập cao quá miệng hút gió thì nước sẽ chảy vào. Nhiều khi mực nước ngập ở đường thấp hơn miệng hút gió nhưng do xe đi tạo thành sóng nên nước bắn vào miệng hút gió thì xe vẫn bị chết máy.

Tùy từng loại xe, miệng đường hút gió được bố trí không giống nhau và thường nằm về phía trước xe và cao tầm ngang với ba-đờ-sốc (Pare-chocs - tiếng Pháp).

Còn lại, về cơ bản, động cơ, máy móc đều đã được cấu tạo có hệ thống vỏ bọc chống nước vào. Cho nên nếu có ngập máy cùng các bộ phận đấu nối thì xe cũng không vấn đề gì.

Từ đó, KS. Tạch đưa ra một vài lời khuyên đối với các tay lái ô tô chẳng may lái xe trong những tình huống đường sá bị ngập nước.

KS. Tạch khuyên rằng tùy từng loại xe, nhưng cơ bản đối với ô tô 4 chỗ, khi thấy đường bị ngập nước, sâu hơn khoảng ba mươi phân thì không nên đi vào. Nếu muốn đi thì ít nhất phải chắc chắn rằng đoạn ngập đó nước không cao vượt quá miệng hút gió của xe mình. Hơn nữa phải luôn giữ ga đều tay để đảm bảo nước không tràn vào ống xả.

Đặc biệt, một số người cho rằng đi qua chỗ ngập phải phóng thật nhanh là hết sức sai lầm. Cho dù đoạn đường ngập, nước chưa cao bằng miệng hút gió nhưng khi xe đi, cùng với những xe khác tạo nên sóng nước cao lên nước vẫn có thể bắn vào. Cho nên khi đi qua chỗ ngập, vừa phải nhấn ga đủ lớn nhưng cũng không nên quá nhanh.

Trong trường hợp lỡ bị nước vào ống xả, không nên quá hoảng bởi thực chất nước vào ống xả làm tắc, gây chết máy nhưng không vào máy được. Cho nên, nếu người điều khiển xe bình tĩnh, lội xuống, có đủ người giúp đẩy xe qua chỗ ngập, rồi nổ máy thì động cơ vẫn có thể vẫn vận hành đi tiếp được như thường.

Một lời khuyên quan trọng hơn cả là khi nghi có dấu hiệu nước vào đường hút gió làm chết máy, tốt nhất là gọi ngay xe cứu hộ đến kéo xe về gara xử lý. Nếu tiếp tục đề nổ máy, nước vẫn cứ ở trong buống đốt, làm máy không nén được và có thể làm cong hoặc gẫy trục khuỷu, phá hỏng tay biên luôn. Mà đây lại là hai bộ phận quan trọng nhất của động cơ. Nếu gẫy hỏng thì phải sửa hoặc bỏ máy đi, thay máy khác vô cùng tốn kém.

Cần thay “tẩu” xe máy trước mùa mưa

Đối với xe máy, PV tham khảo lời khuyên của một thợ sửa chữa xe máy là anh Nguyễn Tiến An (36 tuổi, chủ hiệu sửa chữa xe máy ở số 58 đường Ngân Hàng - Cầu Diễn - Hà Nội), người đã có kinh nghiệm gần 15 năm trong nghề.

Anh An cho hay, vào mùa mưa, việc những người đi đường phải dắt bộ vào hiệu sửa xe của anh là như cơm bữa. Tuy nhiên, thường những vị khách này rơi vào trường hợp xe cũ đã đi được nhiều năm, sử dụng lâu không bảo dưỡng.

Những xe như vậy hay bị hở các mối ở đường dây điện. Khi đi vào chỗ ngập hoặc gặp trời mưa, nước bắn vào làm chập mạch hoặc điện rò rỉ sang những bộ phận khác như khung, vỏ máy...

KS Tạch: Bí kíp lội nước không chết máy - 2

Các tiệm sửa xe máy ở Hà Nội thường đông nghẹt khách mỗi khi trời mưa

Về nguyên nhân chết máy do ngập ống xả, cơ bản xe máy không khác gì so với ô tô. Vì vậy anh An cũng khuyên người điều khiển phương tiện khi lái xe qua chỗ ngập hãy giữ đều tay ga ở mức đủ lớn để nước không tràn vào ống xả.

Trong những ngày mưa ngập, đa số khách dắt xe vào cửa hàng của anh là vì Bugi.

Anh An cho biết, Bugi là bộ phận đánh lửa của động cơ. Nếu sử dụng lâu ngày, Bugi sẽ bị ám muội đen khiến lửa đánh yếu đi dần. Bọc ngoài và trên Bugi là "tẩu". Tẩu làm nhiệm vụ che chắn cho Bugi khỏi bị nước bùn hay chất bẩn vào. Nhưng nếu sử dụng lâu ngày, tẩu che chắn không tốt, gặp đường ngập hoặc mưa lớn, nước sẽ đễ dàng vào Bugi, càng khiến Bugi đánh lửa yếu không đủ làm nổ động cơ.

Vì vậy, lời khuyên của anh An dành cho chủ xe là vào mùa mưa, nên kiểm tra Bugi và "tẩu". Nếu thấy quá cũ thì nên thay mới, không đáng mấy tiền, nhưng tránh được việc Bugi "mất điện".

Một trong những mẹo vặt dành cho người đi đường gặp trường hợp xe không nổ được, nghi Bugi bị nước vào, một cách khá đơn giản. Hãy tìm vị trí Bugi, rút tẩu ra (rút được bằng tay không), lau hoặc thổi cho khô rồi lắp lại và khởi động máy. Việc này nhằm giảm bớt nước trong tẩu và Bugi để lửa không còn bị đánh ra ngoài.

Trường hợp phức tạp hơn là nước vào ống hút gió. Khi đó, nước sẽ xuống chế hòa với xăng rồi vào máy làm xe không thể nổ được. Người đi đường hãy dùng tua vít 2 cạnh mang sẵn trong cốp xe, vặn mở hẳn vít xăng ở chế. Vị trí vít này tùy từng loại xe không giống nhau nên mỗi người cần tự tìm hiểu để xác định trước.

Lúc này xăng có hòa nước mưa sẽ theo đó chảy ra ngoài. Hãy cho chảy một tý thì vặn chặt vít lại. Như vậy sẽ giảm bớt lượng nước vào trong máy và có thể giúp việc khởi động máy dễ dàng hơn.

KS Tạch: Bí kíp lội nước không chết máy - 3

Dịch vụ đẩy xe thuê đang trở nên hút khách những ngày mưa tại Hà Nội

Khi đã dùng cả hai phương pháp mà xe vẫn không nổ, lúc này chủ xe mới cần nghĩ đến việc dắt xe vào hiệu sửa xe nơi gần nhất.

Anh An khẳng định, nếu chúng ta để ý kiểm tra bảo dưỡng xe máy đúng định kỳ thì hầu như sẽ không còn nỗi khổ phải dắt bộ giữa đường trong những ngày mưa.

Lời khuyên về phương pháp lái xe hết sức quan trọng, khi bạn điều khiển xe đến đoạn đường ngập nước cao hơn ống xả nhưng có đông người đi lại. Đối với xe số, không nên để số lái tiếp dù số cao hay thấp. Bởi lẽ do đường đông người, chúng ta sẽ phải lái rất chậm, nguy cơ nước vào ống xả rất cao. Hơn nữa, các xe rất dễ cản trở nhau khiến người ngồi trên xe có thể đôi lúc phải trả ga và phanh lại, nước cũng sẽ tràn vào gây chết máy. Phương pháp tối ưu nhất trong trường hợp này là hãy cho xe về số "0" (lúc này ga lớn bao nhiêu cũng chẳng sợ xe chạy), giữ đều tay ga, xuống xe hoặc chống chân, từ từ dắt qua.

Nếu là xe tay ga thì tốt nhất là không nên đi vào đoạn đường ngập nước cao hơn ống xả. Trường hợp bất khả kháng, buộc phải lội thì hãy nhắm thời điểm ít xe lội nhất và đảm bảo có thể phóng một mạch qua mà không phải giảm ga lần nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN