Hết hạn đăng kiểm ô tô, đi kiểm định xe có bị phạt theo Chỉ thị 16?
(PLO)- Trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều chủ xe sắp hết hạn kiểm định nhưng lo sợ bị CSGT “vịn” vì lý do ra đường không chính đáng.
Hiện nay, tại TP.HCM đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng dịch COVID-19, do đó nhiều tài xế ô tô, xe tải sắp hết hạn đăng kiểm nhưng băn khoăn không biết các Trung tâm đăng kiểm có hoạt động hay không.
Đi kiểm định có bị phạt?
Theo khảo sát của PV, nhiều chủ xe sắp hết hạn kiểm định nhưng lo sợ khi ra đường sẽ bị CSGT “vịn” vì lý do ra đường không chính đáng.
Anh Ngô Công (quận 3, TP.HCM) hỏi: “Xe tôi sắp hết hạn kiểm định, nhưng giờ ra đường sợ bị phạt, nhưng nếu để quá hạn thì sau này trên đường đi đăng kiểm cũng có khả năng bị phạt.”
Nhiều người dân lo lắng đi kiểm định nhưng bị phạt vì lý do ra đường không chính đáng. Ảnh: TN
Một vị CSGT trên địa bàn TP.HCM cho biết, các xe sắp hết hạn được phép di chuyển đi kiểm định, tuy nhiên chủ xe cần lưu ý lựa chọn Trung tâm đăng kiểm gần nhất hoặc trên địa bàn của quận đó để kiểm định.
“Quan trọng là đi đến cơ sở kiểm định gần nhất hay không, chứ chủ xe ngụ ở Quận 5 (TP.HCM) mà tới Trung tâm Đăng kiểm của tỉnh khác là không phù hợp”- vị này cho biết.
Theo quy định, đăng kiểm là một trong những dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động khi giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo đó các trung tâm tại TP.HCM vẫn hoạt động với ½ số lượng dây chuyền.
Ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Chi Nhánh Trung tâm Đăng kiểm 5003V (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, hiện các Trung tâm Đăng kiểm vẫn hoạt động và chỉ hoạt động một nửa công suất. Trong thời điểm dịch COVID-19 này, Ss lượng xe chỉ bằng 1/3 ngày thường và chủ yếu kiểm định cho xe cấp thiết như xe cứu hỏa, xe chở nông sản hoặc một số xe cá nhân gần hết hạn kiểm định.
Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác chống dịch, các Trung tâm Đăng kiểm luôn thực hiện các biện pháp chống dịch như rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, khử trùng,…
Hàng chục ngàn xe quá hạn đăng kiểm
Theo số liệu trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng ô tô quá hạn đăng kiểm với số lượng lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố khác nhau.
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, lượng ô tô con quá hạn đăng kiểm từ 1-3 tháng chiếm số lượng 6.389 xe, ô tô khách chiếm 3.117 xe, ô tô tải và chuyên dụng chiếm 5.728 xe, rơ mooc và sơ mi rơ mooc chiếm 491 xe.
Bên cạnh đó, có nhiều loại xe quá hạn đăng kiểm thời hạn 3-6 tháng, 6-12 tháng, 12-24 tháng.
Thậm chí có nhiều xe quá hạn đăng kiểm trên 24 tháng. Cụ thể, ô tô con chiếm số lượng 5.641 xe, ô tô tải và chuyên dụng chiếm 8.204 xe, ô tô khách chỉ có 1.655 xe và rơ mooc và sơ mi rơ mooc là 3.719 xe.
Tương tự như vậy tại khu vực Hà Nội, lượng ô tô con hết hạn đăng kiểm từ 1-3 tháng chiếm số lượng lớn nhất với 6.414 xe, ô tô khách chiếm 2.835 xe, ô tô tải và chuyên dụng chiếm 3.939 xe và số lượng xe rơ mooc, sơ mi rơ mooc chỉ có 165 xe.
Theo số liệu thống kê này, các loại xe quá hạn có cả xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải thuộc nhiều đơn vị khác nhau. Trong đó, lượng ô tô con quá hạn đăng kiểm từ 1-3 tháng chủ yếu mới hết hạn từ năm 2019 đến nay và số lượng tăng đáng kể. Đồng thời lượng xe này cũng chiếm một phần chủ xe là người nước ngoài và các xe của doanh nghiệp.
Quá hạn đăng kiểm có thể bị phạt đến 16 triệu đồng. Theo Nghị định 100/2019, mức phạt cho tài xế và chủ xe giao ô tô cho người khác điều khiển tùy thuộc vào thời gian quá hạn đăng kiểm của ô tô dưới 1 tháng hay từ 1 tháng trở lên có thể xử phạt theo hai mức phạt. Theo điểm c, Khoản 4, Điều 16 của Nghị định, người điều khiển xe có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Theo điểm e, khoản 5, điều 16 Nghị định nêu rõ, người điều khiển xe không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng trên 01 tháng sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Ngoài ra, đối với chủ xe giao ô tô cho người khác điều khiển, mức phạt quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng từ 4-6 triệu đồng áp dụng với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức (theo điểm b, khoản 8, điều 30 Nghị định 100/2019). Trường hợp xe không có đăng kiểm hoặc đăng kiểm ô tô quá hạn trên 1 tháng thì mức phạt đối với chủ xe là cá nhân từ 6-8 triệu đồng và mức phạt đối với chủ xe là tổ chức từ 12-16 triệu đồng (theo điểm c, khoản 9, điều 30 Nghị định 100/2019). Trong đó, trường hợp người điều khiển ô tô đồng thời cũng là chủ xe thì mức phạt áp dụng là mức dành cho chủ xe. |
Nguồn: [Link nguồn]
Mẫu xe điện Hengrun HRS1 “nhái” kiểu Suzuki Jimny có xuất xứ từ Trung Quốc và có khả năng di chuyển 305 km chỉ với 1 lần...