Đưa xe ô tô đi đăng kiểm chưa bao giờ dễ đến thế
Chỉ riêng trong khu vực TP.HCM hiện có 13 Trung tâm Đăng kiểm, được đặt tại nhiều khu vực. Việc đưa xe đi đăng kiểm thường là vấn đề dễ dàng đối với các bác tài xế lâu năm. Nhưng với những người sở hữu xe mới thì đây lại là câu chuyện đầy bỡ ngỡ.
Thường trên những chiếc xe mua mới 100%, hãng hoặc nhân viên kinh doanh sẽ giúp chủ xe làm việc này. Nhưng đối với những chiếc xe được mua cũ hoặc người mới sở hữu xe mua lại mà xe có niên hạn đăng kiểm gần hết thì chính chủ xe phải đưa xe đi thực hiện công việc này.
Thời gian đăng kiểm một chiếc xe khi đến hạn có thể mất từ 2 – 3 giờ đồng hồ đến nửa buổi, tùy lượng xe đi đăng kiểm và tình trạng xe. Sau đây là các bước đưa xe đi đăng kiểm một cách nhanh nhất mà ít gặp phải khó khăn:
Bước 1: Bạn nên chuẩn bị trước những giấy tờ sau: đăng ký xe (cà vẹt), đăng kiểm cũ, bảo hiểm bắt buộc, tiền nộp phí và phụ phí nếu có. Những giấy tờ này thường nằm cùng nhau nhưng có một số chủ xe lại chia ra và dễ bị thất lạc.
Tiếp theo, bạn nên xác định vị trí trung tâm đăng kiểm nào gần và thuận tiện nhất. Nên đưa xe đi đăng kiểm trước hạn từ 2 – 3 ngày, đừng để quá hạn hoặc cận ngày vì điều này dễ bị cảnh sát giao thông phạt.
Cụ thể, theo quy định hiện hành về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, đối với người điều khiển xe (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo theo) sẽ bị phạt tiền 2 – 3 triệu đồng nếu điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới một tháng, đồng thời sẽ bị áp dụng thêm mức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 – 3 tháng.
Ngoài ra, đối với các tem kiểm định hết hạn từ 1 tháng trở lên hoặc không có tem kiểm định sẽ bị phạt tiền 4 – 6 triệu đồng và cũng áp dụng hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 – 3 tháng.
Bước 2: Khi xác định và đến Trung tâm, bạn nên chủ động hỏi nhân viên ở đây và đưa xe xếp hàng vào đúng vị trí chờ đến lượt. Xem lại tư trang và chuẩn bị giấy tờ để vào văn phòng làm thủ tục. Lưu ý, nên để lại chìa khóa trên xe vì có thể thời làm thủ tục lâu sẽ gây ùn tắc khu vực bạn đậu xe.
Bước 3: Khi vào nộp hồ sơ, nhân viên sẽ yêu cầu bạn đưa ra các giấy tờ như: đăng ký xe, đăng kiểm cũ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nếu không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bạn có thể mua bảo hiểm tại quầy, viết tờ khai và đóng phí gồm phí kiểm định xe cơ giới và lệ phí cấp chứng nhận. Với xe du lịch, phí kiểm định là 340.000 đồng/chiếc. Sau khi đã nộp giấy và đóng lệ phí đăng kiểm xong, chủ xe quay lại xe và bắt đầu đưa xe vào đường kiểm tra. Tùy thuộc vào mỗi trung tâm đăng kiểm sẽ có 2 hoặc 4 đường để đăng kiểm. Lúc này người đi đăng kiểm nên tuân thủ theo sự điều động của các nhân viên trung tâm.
Đối với xe du lịch không kinh doanh vận tải, chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng, sau đó cứ đều đặn 18 tháng một lần. Khi chạm mức 7 năm kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm sẽ rút ngắn còn 12 tháng. Nếu hơn 12 năm kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm còn 6 tháng.
Nếu gặp phải trường hợp xe đã cũ và có một số vấn đề không đạt các bài kiểm tra, nhân viên đăng kiểm sẽ đọc biển số để lái xe mang đi sửa rồi quay lại sau. Vì vậy, nên kiểm tra bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm. Trong trường hợp chiếc xe của bạn đạt hết tất cả yêu cầu, thời gian cho việc đăng kiểm xe khoảng 10 – 25 phút tùy vào lượng xe đang xếp hàng trong đường kiểm định.
Bước 4: Khi xe đã ra khỏi đường kiểm định, lúc này nhân viên trung tâm đăng kiểm sẽ yêu cầu di chuyển xe ra khu vực chờ dán tem kiểm định. Sau khi đã vào khu vực chờ, tái xế cầm theo giấy đăng ký để vào khu vực đóng phí bảo trì đường bộ.
Bước 5: Sau khi đã đóng hết tất cả các chi phí, lúc này chủ xe chỉ cần ngồi chờ để lấy tất cả giấy tờ mới bao gồm: giấy đăng ký xe (cà vẹt), giấy đăng kiểm mới, bảo hiểm bắt buộc và tất cả hóa đơn liên quan. Nên ở gần xe để khi nhân viên ra dán tem kiểm định mới sẽ thuận tiện và nhanh hơn. Sau khi dán tem xong, chủ xe nên kiểm tra tất cả giấy tờ liên quan và tem xem có in sai thông tin (biển số xe, ngày hết hạn) hay không. Nếu mọi thứ đã đúng, chủ xe có thể ra về và kết thúc quy trình đăng kiểm.
Quy trình đăng kiểm thường bị kéo dài do lượng xe đăng kiểm cùng một thời điểm đông hoặc nhiều trường hợp khác xảy ra. Chủ xe nên sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến công việc khác, hoặc có thể nhờ người quen đưa xe đi đăng kiểm cũng được, không nhất thiết là chủ xe cần đi.
Làm thế nào để chống trộm ô tô hay phụ tùng ô tô là câu hỏi kiến nhiều người phải đau đầu suy nghĩ để tìm ra giải...