Độc đáo hệ thống an toàn mới trên xe Mercedes-Benz
Hãng xe Đức Mercedes-Benz vừa đăng ký sở hữu trí tuệ về công nghệ an toàn mới tại châu Âu.
Trong một đăng ký sở hữu trí tuệ mới đây vừa được Daimler AG gửi lên các cơ quan chức năng tại châu Âu, một công nghệ mới được thiết kế giúp hãm chiếc xe khi hệ thống phanh gặp trục trặc. Công nghệ này được miêu tả trong bản thiết kế là sẽ đóng vai trò hỗ trợ người lái với van đặt tại bánh xe có thể tự động xả hơi trong lốp. Ở các trường hợp phanh khẩn cấp hoặc hỏng phanh, hệ thống sẽ xì lốp hoàn toàn để giúp chiếc xe giảm tốc độ.
Hệ thống sẽ gồm một bộ điều khiển trung tâm và thiết bị với khả năng xả khí trong bánh xe. Cả hai sẽ đi vào hoạt động nếu hệ thống phanh bị lỗi hoặc hỏng hoàn toàn. Trong bản thiết kế, hệ thống này được thiết kế dành riêng cho xe điện và hybrid vì Mercedes-Benz đã hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn xe dùng động cơ đốt trong trong tương lai gần.
Lý do mà Daimler phải phát minh ra hệ thống hỗ trợ người lái này là vì những chiếc xe điện, xe lai hiện đại thường sử dụng đến hai hệ thống phanh, một là phanh cơ khí truyền thống và một là phanh tái sinh bằng điện. Hệ thống phanh tái sinh sẽ được sử dụng khi người lái phanh nhẹ để hồi phục năng lượng cho viên pin. Một khi pin đã được sạc đầy hoặc người lái phanh mạnh, hệ thống phanh cơ khí mới được sử dụng.
Vì tích hợp đến hai hệ thống phanh phức tạp trên cùng một chiếc xe nên sẽ rườm rà hơn và hãng sản xuất phải sử dụng công nghệ brake-by-wire. Công nghệ này loại bỏ đường ống dầu phanh chạy quanh xe, thay vào đó là cảm biến vị trí và áp lực đặt tại chân phanh, đo lực phanh và độ sâu để truyền dữ liệu dạng điện tử đến hệ thống phanh xử lý và đưa ra mức áp suất phanh cần thiết. Cũng vì lý do dùng dữ liệu số hóa nên các hệ thống dễ gặp lỗi và hư hỏng, đặc biệt là một hệ thống quan trọng như phanh lại càng phải có biện pháp phòng hờ.
Hệ thống hỗ trợ mới của Daimler sẽ chỉ được kích hoạt khi bộ chấp hành tổng bị lỗi hoặc hư hỏng hoàn toàn. Khi đó, bàn đạp phanh sẽ được nối đến hệ thống này, người lái đạp phanh, hệ thống sẽ xả bớt khí ở bánh xe để làm cho chúng xẹp hoàn toàn. Vậy việc làm xì lốp giúp ích gì?
Chúng ta thường hai bơm căng lốp để chạy xe tiết kiệm hơn do bề mặt tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường giảm. Ở đây thì ngược lại, bề mặt lốp sẽ tiếp xúc nhiều hơn với mặt đường khi lốp bị xì, tăng lực cản và từ từ làm chiếc xe chậm lại. Tuy nhiên, nếu bánh xe bị xì quá mức có thể làm lốp bung ra khỏi mâm xe, gây nguy hiểm.
Là một nhà sản xuất, Daimler đã phải tính toán tất cả các yếu tố của bất kỳ công nghệ nào trước khi nộp bằng sáng chế. Ở hệ thống này, tất cả các bánh xe sẽ được tích hợp van xả khí. Máy tính trên xe sẽ bắt đầu xả khí từ những bánh xe có áp suất thấp nhất. Sau khi xả khí đến mức an toàn, máy tính sẽ giới hạn tốc độ xe và cảnh báo người lái về vấn đề mà chiếc xe đang gặp phải.
Ngoài ra, hệ thống này còn có thể bơm lại lốp xe. Bên cạnh van xả khí, hệ thống còn được tích hợp với máy bơm và cảm biến áp suất để theo dõi và tự động bơm lốp xe đến mức cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên một mẫu xe của Daimler có được hệ thống này. Chiếc xe bán tải Mercedes-AMG G63 6x6 trước đây đã có hệ thống xả, bơm lốp tích hợp trên xe nhưng nó lại quá lớn để có thể mang lên những chiếc sedan sang trọng.
Đến nay, hệ thống mới được nộp bằng sáng chế của Daimler mới được hoàn thiện với kích thước nhỏ hơn nhiều và phù hợp với nhiều dòng xe hơn. Dự kiến hệ thống này sẽ được sử dụng trên những mẫu xe điện thương mại hạng sang trong tương lai và là tùy chọn dành cho các dòng xe phổ thông.
Danh hiệu Bán tải quốc tế của năm lần thứ 6 vừa được trao tặng cho Toyota Hilux sau khi vượt qua 2 đối thủ là Isuzu D-Max...
Nguồn: [Link nguồn]