Điều gì đang xảy ra với thu phí điện tử trên cao tốc?
Thu phí điện tử trên cao tốc đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.
PGS.TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) vừa công bố kết quả báo cáo nghiên cứu khoa học với chủ đề “Triển khai thu phí điện tử (ETC) trên cao tốc: Động thái toàn cầu, lợi ích ước tính từ nghiên cứu trường hợp của Việt Nam và những thảo luận chính sách”.
Theo đó, báo cáo nhận định, tính đến năm 2021, Việt Nam có 1.290 km đường cao tốc và đang đặt mục tiêu có 5.000 km vào năm 2030.
Quá trình đó cũng gắn liền với việc chuyển đổi quyết liệt từ hệ thống thu phí thủ công (MTC) sang thu phí điện tử trên cao tốc từ 2019 đến nay.
Những kết quả ấn tượng từ thu phí điện tử trên cao tốc đã đem lại, gồm giảm đáng kể thời gian di chuyển, loại bỏ tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các trạm thu phí, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm lượng khí thải tương đương CO2. Qua đó, hiệu quả vận chuyển, môi trường và sức khỏe cộng đồng được cải thiện rõ rệt.
Năm 2023, năm đầu tiên triển khai đầy đủ thu phí điện tử trên cao tốc cả nước, đã giúp tổng lượng khí thải CO2 giảm được lên tới 191.860 tấn, do giảm 60.816 tấn xăng và nhiên liệu diesel tiêu thụ tại các trạm thu phí.
Cùng năm đó, xã hội tiết kiệm được 93,3 triệu giờ cho nhân lực và 37,3 triệu giờ cho tuổi thọ của phương tiện.
Thu phí điện tử trên cao tốc giúp Việt Nam giảm tắc nghẽn giao thông, giảm lượng khí thải và nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Báo cáo cũng cho biết, xét về giá trị tương đương bằng tiền, tổng chi phí tiết kiệm được cho năm 2023 qua bốn thước đo (năng lượng, nhân lực, tuổi thọ phương tiện và chi phí vận hành) lên tới 442,7 triệu đô la Mỹ.
So với thời điểm bắt đầu thúc đẩy ETC năm 2019, lợi ích của việc giảm lượng khí thải tương đương CO2 và tổng tiết kiệm tương đương tiền đã tăng 14 lần.
Tính chung cả giai đoạn 2019-2023, lợi ích mà Việt Nam có được từ việc triển khai ETC tương đương giá trị gần 1 tỉ đô la Mỹ.
Báo cáo khẳng định sự phát triển của hệ thống ETC là tất yếu để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Thông qua giảm tắc nghẽn, giảm lượng khí thải và nâng cao hiệu quả hoạt động, hệ thống ETC cung cấp các giải pháp bền vững cho những thách thức về di chuyển trong và ngoài đô thị.
Tiếp tục đổi mới, chính sách hỗ trợ và nỗ lực hợp tác giữa các bên liên quan là điều cần thiết để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của công nghệ ETC trong việc tạo ra mạng lưới giao thông thông minh hơn, hiệu quả hơn.
PGS.TS Vũ Minh Khương và các đồng sự nhận định, việc triển khai hệ thống ETC cũng đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số rộng hơn trong lĩnh vực vận tải, giao thông thông minh.
PGS.TS Vũ Minh Khương
ETC tạo ra dữ liệu có giá trị để quản lý lưu lượng nâng cao, phân tích kinh tế và ra quyết định kinh doanh.
Các ứng dụng tiềm năng của ETC nên được mở rộng sang các hệ thống thanh toán kỹ thuật số tương tự cho thu phí nội đô, bãi đậu xe (e-parking), đổ xăng không tiền mặt hoặc các cơ sở thu phí khác.
Thanh chắn ở trạm thu phí BOT làn tự động đã không kịp xử lý khi chiếc container đi tới.
Nguồn: [Link nguồn]