Dân chơi xế độc Sài Gòn - bài 2: Ông đại tá ‘Sít đờ ca’

Mê dòng xe của một thời chiến tranh, ông đại tá về hưu hiện sở hữu những chiếc xe sidecar - mô tô ba bánh có một không hai.

Cùng bộ sưu tập sidecar, ông Nguyễn Thanh Bình rong ruổi nhiều chuyến từ Nam chí Bắc. Máu mê mô tô ba bánh và thích rong ruổi của ông Bình đã khiến Toại “khùng” - một thành viên của hội “Anh em Sài Gòn Sidecar” cùng tháp tùng ông trong các lần đi phượt nổi hứng cảm tác: Thiên nhiên cảnh sắc bốn mùa/ Có ông hưu trí đi tour suốt ngày/ Rong ruổi Nam Bắc đông tây/ Đem vào bộ nhớ cảnh hay cuộc đời/ Vừa chơi vừa học người ơi…

Có chút gì đó trái khoáy một khi người khép mình trong kỷ luật quân đội lại trót nuông chiều niềm đam mê có phần phóng túng như mê xe sidecar chăng? Hỏi thì ông chỉ cười ha hả, bảo rằng chỉ cần biết thu xếp thì việc công-tư gì cũng lo được trọn vẹn. Lo thế nào? Chỉ riêng việc tìm chỗ để làm “bãi đáp” cho một lô lốc xe sidecar của ông cũng đã thấy cả một sự cố gắng và linh động của ông. Ngoài sắp xếp gọn gàng trong căn nhà phố ở quận Phú Nhuận, ông còn gửi chúng ở hầm xe một quán cà phê tại quận Tân Bình.

Tay lái lụa, thợ sửa sidecar lành nghề

Vốn là dân mê đồ cơ khí từ bé nhưng sinh trưởng vào thời miền Bắc chiến tranh khốn khó nên ông Bình chẳng có điều kiện để thỏa niềm mê thích của mình. Cả nhà lúc bấy giờ chỉ có chiếc radio là tài sản quý nhất, nên dù có thèm thuồng khám phá đến cỡ nào ông cũng chỉ dám sờ mó, ngắm nghía chứ không thể tháo tung nó ra tìm hiểu như mong ước.

Những năm 1960, 1970, hình ảnh những chiếc xe sidecar của Liên Xô, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Đức… phóng khoáng và dũng mãnh chạy băng băng trong đạn khói cứ ám ảnh ông. Những năm 1980, kinh tế đất nước khó khăn, dòng xe sidecar không có phụ tùng thay thế dần đi vào lụi tàn trong khi ông cũng chẳng có điều kiện để “tậu” cho mình một chiếc. Đến tận những năm 1990, khi chuyển vào miền Nam sinh sống, khi đã có chút ít tiền bạc, lại có dịp gặp gỡ một số người cũng mê xe sidecar như mình, ông Bình như cá gặp nước, cùng nhau tìm hiểu, lùng mua xe sidecar.

Từ đó đến nay xe sidecar và hội “Anh em Sài Gòn Sidecar” chính thức trở thành một phần thân thương trong cuộc sống của ông Bình. Ông lùng mua được những chiếc sidecar được sản xuất vào những năm 1950, 1960 mà bất cứ dân mê xe nào nhìn qua cũng trầm trồ. Đó là chiếc Ural của Liên Xô gần như nguyên bản, vận hành ngon lành. Đó là chiếc Dnepr của Ukraine kiểu dáng thanh thoát mà máy lại mạnh. Hay chiếc MZ- ETZ được sản xuất trong đợt cuối cùng thời CHDC Đức.

Đam mê nào cũng cần lắm công phu. Ông Bình ngoài bỏ công tìm hiểu, thuộc làu tính nết, đặc điểm của từng đời xe, dòng xe sidecar, ông còn mày mò phục chế, sửa chữa chúng. Chưa kể cứ vài bữa ông lại ngắm nghía, lau chùi. Cũng may tầm giá của những chiếc xe sidecar ông mua trung bình 70 triệu đồng/chiếc, không quá so với túi tiền của ông.

Bây giờ ông chỉ cần liếc mắt qua bất kỳ chiếc sidecar nào cũng có thể nói vanh vách về xuất xứ. Ngồi vào chiếc xe, nghe tiếng máy, lên ga, chạy một vòng là ông biết ngay chất lượng chiếc xe đến đâu, cần “mông má” gì cho nó. Và khỏi phải nói tay lái sidecar đường trường của ông, cứ chạy là êm mượt, không bị chênh chao như một số người điều khiển sidecar vốn khó lái.

Dân chơi xế độc Sài Gòn - bài 2: Ông đại tá ‘Sít đờ ca’ - 1

Ông Nguyễn Thanh Bình và một trong những chiếc xe sidecar mà ông mừng đến mất ngủ khi “rước” được về nhà.

Băng gần 6.000 cây số xuyên bão

Nguyên dàn xe sidecar ông Bình cưng là vậy nhưng rất ít khi ông dạo phố loanh quanh Sài Gòn với chúng mà ông chỉ để dành chúng cho các chuyến băng rừng lội suối. Bất kể khi nào có thể thu xếp việc nhà, việc ở cơ quan là ông lại cùng hội anh em mê xe sidecar lên đường. Cá tính phóng khoáng, đôi chân ưa xê dịch đã đưa ông cùng lần lượt những chiếc sidecar theo những cuộc hành trình mạo hiểm mà cũng hân hoan khôn xiết.

Ông nhớ mãi chuyến đi xuyên Việt lần đầu tiên vào năm 2010, ngay thời điểm “cơn bão thế kỷ” đổ vào miền Trung. Ông cùng anh em trong hội hòa vào tâm bão đi cứu trợ đồng bào ở Quảng Bình, Quảng Trị. Ngày nào trời cũng mưa gió tơi bời nhưng anh em cứ bấm bụng băng băng lướt tới cho kịp ngày giờ hẹn với đồng bào. Nước ngập, gió lạnh như cắt da, mưa tạt như có hàng ngàn mũi kim đâm vào mặt. Có hôm đi từ sáng sớm đến tận nửa đêm đoàn mới dám dừng chân tạm nghỉ. Và rồi cảm xúc vỡ òa khi đoàn đến nơi kịp giờ. Tiếng cười, những cái ôm, cái bắt tay thân tình, ấm áp với đồng bào địa phương chờ cứu trợ, với anh em hội sidecar Hà Nội và miền Trung cùng kéo về ấn tượng đến nỗi ông nhớ như in đến bây giờ. Những cơn sốt, những sự cố thót tim, những thời khắc mệt mỏi đến kiệt quệ của mọi người sau hành trình gần 6.000 km được đền bù xứng đáng.

Làm ông chú tinh thần

Là đại tá quanh năm bận rộn công tác điều tra tội phạm, vợ ông lại là bác sĩ cũng đầu tắt mặt tối ở bệnh viện nhưng ông Bình vẫn cùng vợ gánh vác, chu toàn việc nhà. Từ đi chợ, nấu ăn, đưa đón con đi học, dạy bảo con… ông không nề hà bất cứ điều gì. Chính vì vậy, bà Hương - vợ ông chưa bao giờ cảm thấy phiền lòng khi ông chồng cuốn gói đi phượt đến chục bữa, nửa tháng với anh em, bạn bè, bởi bà rất thông cảm cho thú vui của chồng và cũng bởi ông đã cắt đặt việc cơ quan, việc nhà đâu ra đó.

Trong hội “Anh em Sài Gòn Sidecar” khoảng 20 người, ông Bình là người lớn tuổi nhất. Nhưng không chỉ bởi ông lớn tuổi nhất mà còn vì tâm tính của ông khiến mọi người kính mến, coi ông như người anh, người chú tinh thần của các thành viên còn lại.

Họa sĩ Trần Phan Toại, tức Toại “khùng” - “thi sĩ” của hội, kể rằng anh quý ông Bình ở cái tính vui vẻ mà chu đáo. Rằng “chú ấy nói cười xởi lởi vậy thôi chứ vẫn ngấm ngầm để ý, quan sát mọi người. Nếu ai có nói năng hay làm điều gì không hay thì chú sẽ bỏ nhỏ, tìm cách góp ý một cách rất tế nhị”. Toại “khùng” nói cứ mỗi lần hội sắp đi đâu thì y như rằng ông Bình đóng vai trò “hoa tiêu”, ông chỉ dẫn đường đi sẽ gặp trở ngại gì, bảo vệ sức khỏe mọi người thế nào, nên ăn ngủ ở đâu, ở đó phong tục tập quán ra sao, địa danh lịch sử có gì…

Anh nhớ lần đầu tiên theo hội “Anh em Sài Gòn Sidecar” kéo về Gò Công dự lễ giỗ Bình Tây Đại nguyên soái Trương Công Định, anh đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến ông Bình giảng giải làu làu cho mọi người chuyện xưa, tích cũ về vị anh hùng đất Tiền Giang. Lời giảng giải của ông Bình khiến anh dâng lên cảm xúc dạt dào, liền làm ngay một bài thơ đốt trước mộ vị tướng soái. Anh cho biết ông Bình cũng là người rất mê chụp ảnh. Cho nên cũng chính ông Bình, trong các chuyến đi, đã đem tới nguồn cảm hứng để mọi người cùng mê mải bấm máy phong cảnh, con người tuyệt vời trên mọi nẻo đường đất nước.

“Mắc nợ” đồ cũ, đồ cổ

Ngoài thú chơi xe sidecar, ông Bình còn mê tất cả những gì nhuốm màu thời gian và có hồn. Đến nhà ông sẽ thấy la liệt quạt máy để bàn được sản xuất những năm 1940, 1950. Có cả chiếc tủ lạnh và quạt máy to đùng chỉ chịu hoạt động khi… đốt than. Đây là thùng đạn gỗ của quân đội Mỹ còn nổi rõ logo, tên hãng sản xuất. Kia là mấy ông bình vôi đã cũ nhưng kiểu dáng, màu sắc kiêu kỳ, tuyệt đẹp. Mấy chiếc đầu máy khâu cũ kỹ cũng có luôn. Ông chẳng cần phân biệt đó là đồ cũ hay đồ cổ, có giá trị mua bán gì không, mà ông quý câu chuyện trong nó. “Cái quạt này, tuy xù xì thô ráp nhưng nó là tất cả sự cố gắng của người Việt thời chiến tranh học theo mẫu quạt của Ý, của Pháp, làm sao mình không trân trọng cho được” - ông Bình nói.

Hơn một năm nay, ông Đại tá Nguyễn Thanh Bình đã nghỉ hưu. Thế nhưng không vì thế mà ông rảnh rỗi hơn xưa. Ông đang lên kế hoạch một chuyến đi Tây Bắc ngay sau tết. Mắt long lanh, miệng cười tươi rói, ông say sưa nói về thửa ruộng bậc thang, đồi chè xanh ngát cùng hoa mơ, hoa mận của xứ mù sương.

Mê kèn harmonica

Để "thích nghi hơn với các chuyến phượt, gần đây ông đại tá hưu còn học thêm món kèn harmonica. Anh em lớn tuổi học hơi chật vật, vậy mà ông chơi ngon lành các loại harmonica từ tremolo, chromatic đến diatonic. Có lẽ do tính kỷ luật của con nhà binh mà mỗi ngày đúng giờ ông đều cầm kèn tập luyện. Nhờ vậy chẳng bao lâu đã chinh phục được món nhạc cụ bỏ túi để đưa nó rong ruổi trong các chuyến phượt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiệt Trần ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN